Trong khi các nhà máy đạm trong nước liên tục cầu cứu Chính phủ vì khó khăn trong việc tiêu thụ và sản xuất thì có một nghịch lý rằng, phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam với số lượng lớn.

Nhà máy đạm trong nước gặp nguy khi phân bón Trung Quốc ồ ạt tuồn vào

tuyetnhung | 19/09/2016, 06:42

Trong khi các nhà máy đạm trong nước liên tục cầu cứu Chính phủ vì khó khăn trong việc tiêu thụ và sản xuất thì có một nghịch lý rằng, phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam với số lượng lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8 nước ta đã chi 82 triệu USD để nhập khẩu 345.000 tấn phân bón các loại. Con số này đã đưa khối lượng phân bón nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2016 lên tới 2,69 triệu tấn với giá trị đạt 739 triệu USD.

Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm ure ước tính đạt 333.000 tấn với giá trị đạt 79 triệu USD, tăng 41,4% về khối lượng và 9,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015; phân SA ước tính đạt 735.000 tấn với giá trị nhập khẩu đạt 89 triệu USD, tăng 2,8% về khối lượng nhưng lại giảm 12,3% về giá trị so với năm 2015.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quốc gia đầu mối cung cấp các loại phân bón cho Việt Nam vẫn chính là Trung Quốc với 42,1% tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này. Điều đáng quan ngại ở đây là trong lượng lớn phân bón mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc, các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhập qua đường tiểu ngạch đangchiếm một tỷ lệ không nhỏ, gây ảnh hưởng lớn tới thị trường phân bón trong nước và niềm tin người tiêu dùng.

Tại Báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2017 vừa gửi đến Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nêu rõ, tình hình hoạt động của tập đoàn đang hết sức khó khăn và có thể kéo dài đến năm 2017, trong đó khó khăn nhất là hai nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong tập đoàn tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Nhu cầu thị trường đối với sản phẩm phân bón vẫn ở mức thấp, giá bán tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng, sức tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận của hầu hết sản phẩm đều giảm.

Sản xuất phân đạm ure và phân DAP của Vinachem ngày càng gặp khó khăn khi các dự án đều mới hoàn thành đầu tư nên các chi phí khấu hao, lãi vay đầu tư rất lớn. Hơn nữa, tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gian lận thương mại thông qua việc mập mờ trong việc đặt tên các loại phân bón gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Khó khăn tiếp tục chồng chất khi chính sách ưu đãi thuế quan và giá phân bón thế giới giảm mạnh tạo lợi thế cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước ASEAN so với các sản phẩm trong nước.

Trước những khó khăn này, sản lượng sản xuất 6 tháng đầu năm của các đơn vị trong tập đoàn đều giảm so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể: phân lân chế biến đạt 730.000 tấn, giảm 3,8%; phân đạm ure đạt 160.000 tấn, giảm 44,3%; phân DAP đạt 142.000 tấn, giảm 33%; phân NPK đạt 855.000 tấn, giảm 2,7%. Thuốc bảo vệ thực vật đạt 5.663 tấn, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Về sản lượng tiêu thụ và tồn kho, phân lân chế biến tiêu thụ đạt 536.000 tấn, giảm 10,2%; tồn kho 249.000 tấn. Phân đạm ure đạt 250.000 tấn, giảm 21,8%; tồn kho 31.000 tấn, tăng 767%. Phân DAP đạt 139.000 tấn, gảm 12,8%; tồn kho 229.000 tấn, tăng 1,5%...

Về lượng xuất khẩu, xuất khẩu phân bón đạt 48,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 45,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tập đoàn. So với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đã giảm 40,7% và tỷ trọng giảm 12%. Sản lượng xuất khẩu NPK đạt 76,7 nghìn tấn, giảm 25% so với cùng kỳ, giá trị đạt 27,6 triệu USD; phân đơn (đạm ure, DAP, supe lân, lân nung chảy) đạt 66,943 tấn, giá trị đạt 19,8 triệu USD.

Trước bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, vừa qua tỉnh Ninh Bình đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ nhằm xin cứu Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng đang lỗ lớn trong 2 năm gần đây. Được biết, dự án được Vinachem vay từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm. Đặc biệt, tổng thầu cho dự án nhà máy đạm trên thuộc về Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer đến từ Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định rằng, chính cách sử dụng phân bón của nước ta không hiệu quả, thậm chí lạm dụng phân bón là nguyên nhân khiến tiêu thụ phân bón Việt Nam luôn ở mức cao. Việc sử dụng phân bón không đúng cách dẫn tới khoảng 40 – 45% lượng phân bón bị thất thoát, ước thiệt hại khoảng 2 tỉ USD.

Các chuyên gia cũng dự đoán, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu lượng lớn các loại phân bón từ Trung Quốcđể phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà máy đạm trong nước gặp nguy khi phân bón Trung Quốc ồ ạt tuồn vào