Nhà Lê xếp tham nhũng vào một trong những loại trọng tội, thậm chí không được dự vào danh sách những tội được ân xá của nhà nước hàng năm, nên với những vụ tham nhũng lớn, tội phạm tham nhũng sẽ bị kết án chém.

Nhà Lê xếp tham nhũng vào trọng tội, không được ân xá

24/07/2016, 15:15

Nhà Lê xếp tham nhũng vào một trong những loại trọng tội, thậm chí không được dự vào danh sách những tội được ân xá của nhà nước hàng năm, nên với những vụ tham nhũng lớn, tội phạm tham nhũng sẽ bị kết án chém.

Các kỳ trước

Kỳ 1: Nạn tham nhũng ở nước Việt được ghi chép từ thời Hùng vương

Kỳ 2: Các quan thái thú tham nhũng hút máu người dân Việt

Kỳ 3: Nhà Lý oai hùng thắng Tống nhưng lại chịu thua trước sâu mọt

Kỳ 4: Vua siêng ăn chơi nhưng lại đòi mạnh tay chống quan tham nhũng​

Kỳ 5: Tham nhũng nhà Trần và chuyện vua Minh Tông xử chết cha vợ

Kỳ 6: Nhà Trần đánh quan tham nhũng bằng gậy để bêu nhục​

Kỳ 7: Chuyện quan lại tham nhũng bán thông tin cơ mật cho phương Bắc​

So với các triều đại trước đó, nhà Lê sơ đã có sự phối hợp rất nhiều biện pháp khác nhau những mong phòng, chống và xử lý tối đa nạn sâu dân, mọt nước.

1. Quy định luật lệ, điển chế phòng, chống, xử lý tội tham nhũng.

Trong bộ Quốc triều hình luật đã có 10/13 chương có những điều luật liên quan tới vấn đề xử tham nhũng, hối lộ. Các điều luật liên quan gồm có 102 điều trong tổng số 722 điều, chiếm gần 1/7 các điều luật. Trong 102 điều xử tham nhũng, hối lộ, chỉ có 4 điều xử lý tội đưa hối lộ hoặc là trung gian đưa hối lộ.

Theo quy định của luật thì tội tham nhũng có nhiều cấp độ xét xử khác nhau với biên độ rộng: biếm tư, biếm chức, xử tội lưu, phạt trượng, đánh roi, phạt tiền, bãi chức, tội đồ cho đến xử tử. Bị xếp vào một trong những loại trọng tội, thậm chí không được dự vào danh sách những tội được ân xá của nhà nước hàng năm, nên với những vụ tham nhũng lớn, tội phạm tham nhũng sẽ bị kết án chém.

2. Trao quyền cho cơ quan, quan chức giám sát quan lại và phản biện xã hội.

Thời Lê sơ ngay từ buổi đầu đã thiết lập nên cơ quan Ngự sử đài với vai trò rất lớn, như lời Phan Huy Chú ghi: “Ngự sử đài giữ phong hóa pháp độ, chức danh rất trọng”. Vua Lê Thánh Tông năm Kỷ Dậu (1489) chỉ rõ rằng: “chức trách của ty Phong hiến là xét hặc”… “nếu là ba ty bên ngoài trị lý dân chúng, khi phát hiện quan lại tham ô, hoặc có đơn khống tố về kiện tụng oan ức, cùng tất cả việc riêng tư xảy ra trong phủ, huyện, châu thì do phân ty các đạo xét xử thi hành”.

Trong khoảng 30 vụ tham nhũng, hối lộ được phát hiện, xử lý trong 40 năm đầu của nhà Lê sơ sử sách ghi lại, có ít nhất 6 vụ là do các quan thuộc Ngự sử đài phát hiện và tâu lên nhà vua để xử lý.

Nhà nước còn đặt Lục khoa theo dõi việc làm của Lục bộ, như Sử học bị khảo cho hay: “bộ Lại bổ dụng thăng giáng không đúng, lại Khoa có thể bác bẻ chấn chỉnh. Bộ Lễ nghi tiết lầm lỗi, lễ Khoa có quyền tận bày. Hình khoa bàn những án bộ Hình xét xử”… Đây là hình thức giám sát trực tiếp để các cơ quan làm hết vai trò, trách nhiệm của mình, nếu có lầm lỗi, thiên tư thì ngay lập tức sẽ bị xét xử.

3. Thi cử là một trong những biện pháp được nhà nước sử dụng để tuyển chọn quan lại và được xem là biện pháp chủ yếu.

Vua Lê Hiến Tông khẳng định: “Khoa mục là con đường chính của người làm quan, đường chính mở thì chân nho mới xuất hiện”.

Tiêu chí chọn nhân tài qua thi cử lấy yếu tố tài và đức làm đầu. Trong 31 kỳ thi chọn tiến sĩ được tổ chức thời Lê sơ, thì riêng thời vua Lê Thánh Tông đã tổ chức 11 khoa thi, nhiều nhất trong các vua nhà Lê sơ và số lượng tiến sĩ được đề tên trên bảng vàng là 502 người, nhiều nhất trong các triều vua. Số lượng tiến sĩ thời Lê Thánh Tông chiếm hơn ½ số lượng tiến sĩ được lấy đỗ của thời Lê sơ.

4. Trong các biện pháp lấy người tài, thì tiến cử là biện pháp được dùng sớm nhất.

Tháng 4 năm Mậu Thân (1428), vua Lê Thái Tổ đã “xuống chiếu cho các đại thần tiến cử những người làm được các chức trọng yếu như chuyển vận (huyện lệnh các lộ) và trấn thủ, lấy danh sách tâu lên”.

Trong việc tiến cử, triều đình quy định đối với người được tiến cử lấy tiêu chí có tài có đức làm chính yếu. Trong đó ngoài tài năng, trí tuệ thì người được tiến cử cũng phải đáp ứng được yêu cầu về nhân cách gồm sự hiền lương, thanh liêm, chính trực, ngay thẳng.

Lịch triều hiến chương loại chí ghi: “phàm có quan lại nào liêm khiết, tài năng, đáng nên khen thưởng cất nhắc, cùng quan lại nào tham lam nhũng nhiễu không xứng đáng với chức vụ, chuẩn cho phép Lục khoa và Ngự sử đài dò xét, tâu bày từng tên để trẫm biết”.

5. Nhà nước còn tiến hành lệ bảo cử “lấy người danh vọng rõ rệt mà phải theo tư cách”.

Người được bảo cử khi được tín nhiệm bổ dụng chủ yếu được giao những vị trí trọng chức.

Biện pháp bảo cử được thực hiện lần đầu tiên ở thời vua Lê Thánh Tông năm Nhâm Dần (1482) với mục đích như trong Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông ghi: “cung cấp thêm nhân tài vào giúp việc cho guồng máy cai trị, bổ túc cho lệ khoa cử, vì các kỳ thi không đủ cung ứng kịp thời những người có văn học ra giúp nước. Hơn nữa, lệ bảo cử này còn giúp cho số người có tài, nhưng vì một trường hợp nào đó không ứng thí được, có thể đem tài mình ra thi thố”.

6. Thời Lê sơ, việc tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng chuyên chế trung ương tập quyền.

Các vua nhà Lê sơ hiểu rõ tầm quan trọng của đội ngũ quan lại đối với sự thịnh trị của triều đại, sự an nguy của nước nhà theo đúng quan điểm Nho giáo: “Vua thì phải có quan. Quan là những người có tài có đức ở trong dân lựa chọn ra để giúp vua làm mọi việc ích lợi chung cả nước. Một nước trị hay loạn là do ở vua và quan giỏi hay dở” (Trích Nho giáo – Trần Trọng Kim).

Chính sách quan chế còn chú ý tới tác dụng tăng cường cơ chế ràng buộc, giám sát lẫn nhau giữa các cá nhân, các tổ chức. Ngăn chặn nạn biếm công vi tư, tham ô, nhũng nhiễu dân lành của những người có chức quyền trong tay:

“Đã không có người nào ăn hại, mà trách nhiệm lại có nơi quy kết, khiến cho quan to, quan nhỏ đều ràng buộc với nhau; chức trọng chức khinh cùng kiềm chế lẫn nhau. Uy quyền không bị lợi dụng, thế nước vậy là khó lay. Hình thành thói quen giữ đạo lý, theo pháp luật mà dứt bỏ tội lỗi khinh nhân nghĩa, phạm ngục hình”.

7. Năm đầu tiên trị vì của vua Lê Thái Tổ, năm Mậu Thân (1428), biện pháp khảo khóa đã được áp dụng thực hiện khi vua: “có chỉ dụ cho các đại thần xét các quan làm việc trong ngoài”.

Mục đích của triều đình khi thực hiện lệ khảo khóa là nhằm “cốt để xem quan lại có thanh liêm, mẫn cán, xứng đáng với chức vụ do triều đình ủy cho hay không”. Vai trò, tác dụng của biện pháp khảo khóa, đã được các vua nhà Lê xác định rõ trong nhiều văn bản ban xuống cho quan lại.

Như lời của vua Lê Thánh Tông trong sắc chỉ năm Canh Tý (1480): “Phép khảo khóa đã có lệ sẵn, cốt để phân biệt người hay dở, tỏ việc khuyên răn”; “lệ khảo khóa cốt là để nhắc nhở quan lại luôn luôn phải liêm khiết, mẫn cán, chăm lo cho dân được an cư, lạc nghiệp”.

8. Qua những trường hợp bình xét, thăng thưởng bởi sự trong sạch, liêm khiết cho các quan viên, vua không phân biệt vị trí của quan lại sang hèn, cao thấp, miễn đó là người giữ được phẩm chất tốt đẹp.

Dù là quan lại ở cấp trung ương hay địa phương, trong hoàn cảnh chiến trận hay thời bình, vị vua thứ tư của nhà Lê sơ đều để ý tới những tấm gương sáng. Phẩm chất đầu tiên, quan trọng nhất để đánh giá là liêm khiết để có được sự khen thưởng xứng đáng nhằm khuyến khích họ.

Không chỉ trực tiếp phát hiện những quan viên trong sạch trong triều, ngoài trấn để từ đó ban thưởng, nhà Lê sơ còn có hành động sâu sát hơn để không bỏ sót những tấm gương sáng về nhân phẩm. Tháng 3 năm Mậu Ngọ (1498), vua Lê Hiến Tông vừa mới lên ngôi chưa lâu đã sai sứ đi khắp bốn phương để truy xét nhiều đối tượng khác nhau như người nghèo, già yếu trong quân ngũ, người chịu thuế khóa, phục dịch, người bị oan khuất… để có hành động phù hợp.

9. Nhà nước còn thực hiện chính sách khen thưởng, khuyến khích những cá nhân, tổ chức đã có công phòng chống, vạch tội tham nhũng.

Vua Lê Hiến Tông từng chỉ rõ: “Trừng trị kẻ tham ô, lời dạy rất rõ ràng; khen thưởng người liêm cần, điển chương đã đầy đủ. Chăm chắm roi vọt răn đe, ngăn ngừa tư thông đút lót”.

Chính nhờ việc phối hợp các hình thức răn đe, chê trách cũng như khuyến khích, thăng thưởng tùy từng đối tượng, trường hợp cụ thể của nhà nước, đã giúp cho hiệu quả của việc phát hiện, vạch tội tham nhũng được thêm cao. Khi kẻ phạm tội tham ô, hối lộ đã bị điểm mặt, chỉ tên, là lúc nhà nước thi hành pháp luật để răn đe, trừng phạt.

10. Chế độ đãi ngộ đối với quan viên được thực hiện cả về quyền lợi vật chất và tinh thần.

Mục đích trọng tâm là ổn định đời sống của quan lại cùng gia quyến. Khiến họ không bị chi phối bởi cơm áo, gạo tiền mà xao lãng nhiệm vụ, đi lầm vào con đường tham ô, ăn hối lộ.

Bộ phận đầu tiên được nhà nước quan tâm là các công thần. Nhà nước ban cho họ nhiều ân tứ như: Chức vụ, quyền hành, quốc tính (đổi họ theo họ vua). Đồng thời với ruộng đất, nhà nước còn ban hành cả chính sách về điền trạch, đất ở cho quan lại.

Từ thời vua Lê Thái Tổ, năm Mậu Thân (1428) đã cho công hầu và các quan đất làm nhà ở, có phần nhất định khác nhau. Nhà nước còn thực hiện chế độ lương bổng cho đội ngũ quan lại các cấp. Mục đích của việc cấp lương bổng được vua Lê Nhân Tông nêu rõ trong lệnh chỉ năm Mậu Thìn (1448): “Nhà nước đã cấp bổng lộc theo thường lệ để nuôi gây đức tính thanh liêm, lại có pháp luật chung để mọi người tuân giữ”.

Lương bổng ban cho quan lại nhằm khuyến khích họ tận trung với vua để làm việc chuyên cần, không bị túng thiếu mà ăn hối lộ.

Nhà Lê sơ còn tạo nên vị thế của quan lại về mặt tinh thần cao đẹp hơn hẳn so với bách tính. Đó là lệ tập ấm cho con cái của quan viên. Là điển chế vinh phong cho thân thích, cha mẹ của người làm quan. Câu thành ngữ “Một người làm quan, cả họ được nhờ” ra đời cũng từ thực tế ấy.

Họ cũng được miễn chế độ thuế khóa, quân dịch, lao dịch. Vị thế, danh phận và thậm chí cả thân thể của họ cũng được pháp luật bảo vệ.

Trần Đình Ba

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà Lê xếp tham nhũng vào trọng tội, không được ân xá