Bức tranh "Du xuân" của họa Lê Văn Xương sẽ có mặt trong phiên đấu giá mang tên "Les légendes de L'école des Beaux-arts d'Indochine" (Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương) của nhà đấu giá Millon sẽ diễn ra cùng lúc tại Hà Nội và Paris (Pháp).
Buổi đấu giá tại Việt Nam sẽ diễn ra vào lúc 17 giờ ngày 12.10.2024, tại khách sạn Sofitel Legend Metropole (56 Lý Thái Tổ, TP.Hà Nội). Nhân sự kiện này, nhà đấu giá Millon cũng trưng bày một phần tác phẩm của danh họa Lê Văn Xương từ 14 -18 giờ ngày 11.10 và từ 9 - 15 giờ ngày 12.10 để phục vụ công chúng thủ đô.
Bức tranh lụa hiếm hoi Du xuân (mực và màu nước trên lụa, 38x25cm, 1950) của danh họa Lê Văn Xương sẽ được lên sàn với giá bán dự kiến từ 15.000 - 20.000 EUR, tương đương 410 - 550 triệu VNĐ, chưa tính thuế phí.
Lê Văn Xương là một họa sĩ rất đặc biệt của nền hội họa Việt Nam. Khi các họa sĩ đồng nghiệp thường chọn một vật liệu để làm sở trường thì Lê Văn Xương lại “ôm đồm” nhiều vật liệu, từ sơn dầu, bột màu, màu nước, lụa… Ông còn khá điêu luyện trong điêu khắc. Dù thể loại nào, ông cũng kỹ càng chăm chút và đầy trách nhiệm với tác phẩm của mình. Nhưng nhìn lại, thì lụa vẫn là vật liệu ông vẽ không nhiều bức, nên Du xuân đã trở thành tác phẩm đặc biệt và hiếm hoi của ông.
Lê Văn Xương vẽ nhiều chủ đề gần gũi như trẻ em chơi đánh đáo, con chó, con gà, bầy gà con theo mẹ, con bò, đàn bò, cảnh chăn trâu, có tiểu đồng nằm trên lưng trâu thổi sáo giữa trưa... với sắc màu nhẹ nhàng, êm đềm, nhu nhã, trong veo... Nhưng với đề tài thiếu nữ, ông lại dành một sự say mê, trân trọng, thanh thoát đặc biệt.
Nói như nhà văn Trần Diệu Tiên (vợ Lê Văn Xương): “Vốn tính thật thà, nhã nhặn, họa sĩ là người không làm mất lòng ai. Ông luôn xem sự tôn trọng người khác là tự trọng của mình. Với đam mê đặc biệt với hội họa, ông ở lại Hà Nội, làm việc không ngơi nghỉ ngơi. Ông luôn say màu sắc như say người tình mới”.
Họa sĩ Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh, trong đó gần 100 bức vẽ về Hà Nội. Phố phường Hà Nội là một trong những chủ đề được Lê Văn Xương vẽ từ khá sớm. Tranh về Hà Nội của ông tạo ra một bầu không khí yên bình cách xa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội ngày nay. Đó là Hà Nội một thời của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân...
Về tranh của Lê Văn Xương, nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt nhận định: “Từ những “tranh giá vẽ” còn lại của họa sĩ Văn Xương: phong cảnh, chân dung, sinh hoạt, lễ hội, trải dài suốt từ những năm 1950 đến những năm 1980, và chủ yếu bằng chất liệu thuốc nước phối hợp với bột màu, người xem có thể thấy một phong cách nghệ thuật mang đậm tính tài tử, vô ưu, một sự giãi bày tình cảm nhẹ nhàng, tươi tắn mà cũng không kém đằm thắm.
Lối vẽ ghi cảm xúc này thoạt nhìn có vẻ như bất chợt, thoáng qua, trực tiếp, nhưng lại không dễ bị trượt đi; hay nói cách khác, người vẽ đã phải hiểu, phải yêu những cảnh vật ấy lắm, phải trải nghiệm tình cảm trước chúng nhiều lắm, mới “chộp” được chúng trong cái vẻ bình thản và đột nhiên đến như vậy.
Hội họa, ở đây, thật sáng sủa, mát, là sự trìu mến, là những giai điệu, nhạc âm vang lên từ một tâm hồn bình dị, dễ rung động, yêu cuộc sống và yêu sự thanh bình của cuộc sống, một cuốn “album” hết sức riêng tư mà người ta chỉ chậm rãi lần giở trong yên lặng mới thấy được cái vị riêng, cái hồn riêng của nó”.
Trở lại phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhiều ý kiến đánh giá rằng Du xuân dễ dàng đạt đến giá dự kiến.
Phiên đấu này còn có tác phẩm của các tên tuổi lớn như Joseph Inguimberty, Alix de Fautereau (Alix Aymé), Henri Mège, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Trần Phúc Duyên, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tường Tam, Trần Văn Thọ, Ngô Mạnh Quỳnh, Mai Trung Thứ, Phạm Hậu, Nguyễn Tư Nghiêm, Hoàng Lập Ngôn, Tôn Thất Đào, Trần Bình Lộc, Lương Xuân Nhị, Đình Thọ, Jean Võ Lăng, Lê Bá Đảng, Nguyễn Huyến, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Thế Khang, Trần Đông Lương, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Văn Minh, Lưu Công Nhân, Mai Long…
Nhà Millon dùng chữ “những huyền thoại” mới nghe có vẻ to tát, nhưng khi nhìn lại hơn 100 năm mỹ thuật hiện đại Việt Nam, thì phần nhiều những tên tuổi trên đây có lẽ đã là huyền thoại từ lâu rồi.
Những bức tranh chân dung của Lê Văn Xương chứng tỏ sự lão luyện của ông trong việc kết hợp các kỹ thuật hiện thực để tạo ra sự giống nhau, thể hiện và lưu giữ đặc điểm thể chất hiện tại của cá nhân vào thời điểm vẽ tranh, và những kỹ thuật nghiêng theo phái biểu hiện hơn như “ánh mắt” hoặc những đường nét riêng biệt của miệng, cằm, cổ và đôi vai. Một số tranh được vẽ rất sắc nét, trong khi số khác mềm mại hơn về phẩm chất và có một “cảm giác” lãng mạn ở chúng.
Terrance Teis (Nhà phê bình mỹ thuật)