Từ ngẫu nhiên rồi dần dần trở thành niềm đam mê, giờ đây công tác thiện nguyện như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chàng trai 25 tuổi Nguyễn Minh Vương (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), người gom những yêu thương để chia sẻ yêu thương.

Nguyễn Minh Vương - chàng trai mê làm việc thiện : Cho đi là nhận lại

DDVN | 24/05/2016, 11:43

Từ ngẫu nhiên rồi dần dần trở thành niềm đam mê, giờ đây công tác thiện nguyện như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chàng trai 25 tuổi Nguyễn Minh Vương (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), người gom những yêu thương để chia sẻ yêu thương.

Làm từ thiện vì đam mê

Tôi ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời từ Nguyễn Minh Vương, chàng trai có khuôn mặt phúc hậu và lúc nào cũng thường trực nụ cười trên môi. Với nụ cười hiền, anh bắt đầu chia sẻ về lý do đam mê công tác thiện nguyện của mình: “Với chúng tôi, một khi đã trở thành đam mê thì mọi khó khăn không còn là trở lực. Tuổi trẻ chúng ta cần có một đam mê để theo đuổi, có như vậy cuộc đời mới thật sự ý nghĩa và đáng sống”.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nhưng đến năm 2011, anh lại chọn mảnh đất Đà thành để lập nghiệp. Cuộc sống nơi đất khách quê người chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ ai.

Với Vương cũng vậy, một thanh niên tuổi chưa tròn 20 khi mới đặt chân đến Đà Nẵng nhìn thấy thứ gì cũng xa lạ và mới mẻ. Điều này đã khiến anh nảy sinh ý định kết nối những người đồng hương Phú Ninh đang học tập, làm việc tại đây với mục đích cùng nhau tổ chức các buổi sinh hoạt để khỏa lấp những thiếu thốn tình cảm nơi quê nhà, sau đó là chia sẻ, giúp đỡ những người con quê hương có mảnh đời khó khăn. Ý định đó dường như đã được nhiều người tán đồng từ lâu nhưng còn chờ người khởi xướng. Bằng chứng là sau khi nhận được lời kêu gọi của anh trên mạng xã hội, một nhóm người đồng hương đã kết nối lại với nhau, chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn thông qua Câu lạc bộ mang tên “Hội đồng hương Phú Ninh” do anh Vương làm chủ nhiệm. Và con đường thiện nguyện của anh cũng bắt đầu từ đây.

Câu lạc bộ lúc đầu mới thành lập chưa được nhiều người biết đến, chỉ vỏn vẹn 15 người tham gia với những chương trình sinh hoạt định kỳ hằng tuần, hằng tháng. Chính vì số lượng thành viên ít ỏi nên việc duy trì các hoạt động của Hội còn gặp khá nhiều khó khăn. Anh Vương kể, để có kinh phí duy trì Hội, bên cạnh số tiền mỗi thành viên đóng góp hằng tháng, anh và các hội viên còn triển khai nhiều hoạt động như: thu gom giấy vụn, ve chai, làm lồng đèn, đan áo len, bán hoa...

Từ số tiền kiếm được, mọi người cùng nhau lên kế hoạch và tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa để giúp đỡ những người khó khăn trong và ngoài huyện Phú Ninh như: “Trung thu yêu thương”, “Mùa xuân cho trẻ mồ côi”, “Mái ấm đồng hương”, “Thăm các gia đình bị tai nạn thương tâm”… Bên cạnh đó, Hội còn lập ra một trang fanpage riêng để kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng đối với nhiều hoàn cảnh éo le trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Điều đáng nói là trải qua thời gian dài hoạt động (từ năm 2011 đến nay), Hội không chỉ là nơi gắn kết những con người đồng hương Phú Ninh mà đã trở thànhnơi để gắn kết những con người cùng chung một khát vọng, đam mê làm thiện nguyện như anh.

Hết mình vì cộng đồng

Bằng nhiệt huyết, tấm lòng của một hội trưởng, Vương không những đã giúp đỡ được nhiều người vượt qua cảnh thiếu thốn tạm thời mà quan trọng hơn, anh còn truyền được ngọn lửa thiện nguyện đến với nhiều người trẻ khác. Càng ngày số lượng hội viên càng không ngừng tăng lên, hiện tại đã có hơn 50 thành viên thường trực. Trang fanpage của Hội hoạt động mạnh mẽ và được mọi người khắp nơi biết đến với số lượng người thích, chia sẻ, bình luận cũng như ủng hộ tiền khá nhiều.

Vượt xa mục đích ban đầu là gắn kết những người con xa quê, vượt ra khỏi “ranh giới” tình đồng hương là tình người, dù mang tư cách là Hội đồng hương Phú Ninh nhưng anh và các hội viên luôn có nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ những cảnh đời khó khăn khắp nơi từ Đại Lộc, Thăng Bình, Nam Giang, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đến thành phố Đà Nẵng. Điển hình là những đợt tình nguyện lên vùng cao để trao hơn 400 bộ quần áo cho người dân xã Trà Cang (huyện Nam Trà My), tổ chức làm nền lớp học, sửa sang, bắt và kéo điện vào phòng học cho các lớp mẫu giáo và tiểu học hay tổ chức những “bữa cơm có thịt” cho các em nhỏ vùng cao thuộc xã Trà Tập (huyện Nam Trà My)…

Anh Vương cho biếtnhững lần đi tình nguyện lên vùng cao luôn là những chuyến đi đem lại cho anh nhiều cảm xúc nhất bởi ở đócó rất nhiều cảnh đời còn quá khó khăn, cơ cực cần đến sự quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng. Trở về sau mỗi chuyến đi, con tim luôn thôi thúc anh phải làm điều gì đó để các em vùng cao thường xuyên có được những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Đây cũng là tâm niệm anh đang ấp ủ thực hiện trong thời gian sắp tới.

“Bao khó khăn, mệt nhọc như tan thành bọt biển khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên trên khuôn mặt các em mỗi khi nhận quà hay có được bữa cơm ngon... Chúng tôi nguyện sẽ là cầu nối gắn kết các nhà hảo tâm với những mảnh đời còn khó khăn và kém may mắn khắp nơi để nỗi buồn được vơi đi, niềm vui được lan tỏa. Đó là mong ước, là hạnh phúc không gì bằng của những người làm tình nguyện như tôi và anh em trong Hội”, anh Vương chia sẻ.

Nguyễn Minh Vương quan niệm rằng khi cho đi là chúng ta đang nhận lại. Nhận được nụ cười, giọt nước mắt vỡ òa vì hạnh phúc từ những người anh gặp và giúp đỡ. Với Vương như vậy là quá đủ cho những gì anh đã, đang và sẽ tiếp tục làm.

Nguyễn Anh/Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyễn Minh Vương - chàng trai mê làm việc thiện : Cho đi là nhận lại