Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2023.
Dồn khí cho sản xuất điện
Hệ thống điện đang vận hành hết sức khó khăn bởi các hồ thủy điện thiếu nước do khô hạn, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành... Trong bối cảnh cấp bách này, EVN đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô, cụ thể là tháng 5, 6.2023.
Thực tế, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành. Trong đó, nguồn khí ở Đông Nam Bộ đang trên đà suy giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn trung bình khoảng 13,5 - 14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí khu vực Đông Nam Bộ trên 21 triệu m3/ngày. Lượng khí ở Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày.
Trước tình hình cấp bách nêu trên, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân, EVN đề nghị PVN, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6). Trong đó, trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.
Theo dự báo, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW.
Nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi như thời gian qua, lượng nước về các hồ thủy điện và tình hình cung ứng nhiên liệu than/dầu/khí cho các nhà máy điện không được cải thiện, hệ thống thống điện sẽ rơi vào tình huống nguy cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, thời tiết khô hạn diễn ra trên toàn quốc gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Đến ngày 12.5 vừa qua, đã có 13/47 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, đa số các hồ thủy điện còn lại có mực nước thấp hơn nhiều so với mực nước quy định trong Quy trình điều tiết hồ chứa/liên hồ chứa.
Nguy cơ thiếu điện cục bộ, giải quyết bằng cách nào?
Trước những diễn biến bất lợi về thủy văn thời gian qua, EVN đã chủ động xây dựng các phương án vận hành cho các tình huống. Trong nhóm các giải pháp căn cơ thì có nhóm giải pháp đặc biệt quan trọng được EVN chú trọng, đó là bổ sung nguồn điện.
Thủy điện được xem là nguồn chạy nền và có giá thành rẻ nhất trong các nguồn điện, nhưng diễn biến thủy văn không thuận lợi thời gian qua, các hồ thủy điện cạn nước, đặc biệt có những hồ đã về gần mực nước chết. Điện than và khí cũng là nguồn điện chạy nền chiếm tỷ trọng lớn, nhưng tình trạng thiếu than đang diễn ra trầm trọng.
Trong các giải pháp được đưa ra, EVN cho biết sẽ tiếp tục huy động tối đa các nguồn thủy điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc. Ngoài ra, tập đoàn sẽ đàm phán để tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, từ Lào; đàm phán ký kết các hợp đồng mua bán điện từ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, một số nhà máy thủy điện và các dự án điện tái tạo chuyển tiếp trên cơ sở thống nhất mức giá tạm thời để đưa vào vận hành.
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời kỳ nắng nóng và mùa khô hằng năm luôn phải đối mặt khó khăn về đảm bảo cung ứng điện. Thực tế nhiều hồ thủy điện thiếu nước, về mực nước chết và gây khó khăn cho vận hành, cung ứng điện.
Về huy động nguồn điện của các dự án năng lượng tái tạo, ông Hòa thông tin, đến nay Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, mặt trời được EVN và các chủ đầu tư đàm phán với nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, khi các chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ quy định thì sẽ huy động lên lưới. Giá tạm thời chỉ là một yếu tố để đáp ứng tiêu chí về huy động nguồn điện lên lưới.
Tính đến ngày 10.5 vừa qua, có 31/85 dự nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại (COD) là 1.956,8MW đã nộp hồ sơ đàm phán mua điện với EVN. Cụ thể, có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án; 5 dự án mới gửi hồ sơ đang được EVN rà soát.
Theo quy định của Luật Điện lực, dự án điện chỉ được đưa vào khai thác khi đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo hồ sơ nhà đầu tư gửi, mới chỉ có 13/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp (chiếm khoảng 15%) đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, lãnh đạo EVN cho biết sẽ tiếp tục đàm phán và thống nhất mức giá tạm thời để vận hành cho đến khi hai bên thỏa thuận được mức giá điện chính thức, nhằm kịp thời khai thác cung cấp cho hệ thống điện.
Về giải pháp lâu dài trong cung ứng điện tại miền Bắc, lãnh đạo EVN cho rằng cần có cơ chế phát triển và bổ sung quy hoạch các nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực miền Bắc để bảo đảm cung ứng điện trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó là cần có cơ chế khuyến khích ngay việc phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ...