“Mấy hôm nay nghe đồn Uber sắp bị giải tán, em vừa mua xe xong mà giải tán thì xuống đường mất. Mấy ngày nay em cứ nơm nớp lo sợ”, một thành viên trên diễn đàn Uber chia sẻ. Không ít người còn cầm nhà vay tiền ngân hàng, mua xe tới vài trăm triệu để lái taxi Uber.
Nhiều lái xe taxi Uber đang rất lo lắng trước khả năng mất nguồn thu nhập và thậm chí là vỡ nợ khi Bộ GTVT vừa yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam không được cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện và đơn vị vận tải để kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.
Tài xế hoang mang
Anh Việt Hùng đã gắn bó với Uber được gần 2 năm. Hình thức lái xe taxi mới này đã giúp cho anh có thêm nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng một khoản, sau khi khấu hao xăng xe, tài xế cũng bỏ túi hơn 10 triệu đồng/tháng và chủ động thời gian.
“Công việc của tôi linh động nên những lúc rảnh rỗi tôi lại chạy Uber để kiếm thêm. Do chưa có hướng dẫn gì về thuế nên chưa thể thực hiện, nếu có chúng tôi sẽ nộp”, anh Hùng cho biết.
Trước thông tin khả năng taxi Uber có thể bị cấm tại Việt Nam, anh Hùng lo lắng: “Rất nhiều người tham gia lái xe Uber như tôiđang có nguồn thu nhập chính từ việc làm thêm. Nếu bị ngừng hoạt động, chắc chắn không ítngười bị ảnh hưởng. Không chỉ lái xe mất việc làm mà người dân không được sử dụng dịch vụ vận chuyển giá rẻ”.
Về thông tin mức thu nhập từ việc lái xe cho Uber lên đến 40 triệu đồng/tháng, anh cho rằng mức thu nhập đó nằm trên lý thuyết, rất khó xảy ra. Vì hiện có rất nhiều người chạy cho Uber, lại còn thêm nhiều hãng taxi truyền thống tăng số đầu xe nữa.
Chia sẻ trên diễn đàn Uber, Trần Quang, một thành viên cho biết: “Mấy hôm nay nghe đồn Uber sắp bị giải tán, em vừa mua xe xong mà giải tán thì xuống đường mất. Mấy ngày nay em cứ nơm nớp lo sợ”. Anh liên tục cập nhật, tìm hiểu các thông tin và đồng nghiệp để nắm được tình hình.
Anh Quang chia sẻ, thấy bạn thu nhập khủng từ lái xe Uber, anh liền vay mượn mua xe để chạy thông qua hình thức vay trả góp ngân hàng. Mỗi tháng, cả gốc và lãi , anh phải trả khoảng 5 triệu đồng.
Vậy mà, anh mới chạy được chưa đầy 1 tháng thì nghe tin Uber có thể phải ngừng kinh doanh tại Việt Nam.
Đang tìm hiểu để mua xe lái Uber kiếm thêm thu nhập, thế nên anh Trần Văn Dũng (Hải Phòng) ngập ngừng. Do có thông tin trên nên anh phải “suy nghĩ lại”. “Nhà mình có ông anh lái xe Uber thu nhập cũng khá, đang thất nghiệp mình định đầu tư xe kiếm thêm nhưng tình hình này chắc không ăn thua. Cũng may là mình chưa mua xe”, anh Dũng nói.
Lo vỡ nợ vì trót vay tiền mua xe
Đang vay ngân hàng hơn 300 triệu đồng mua xe trả góp để lái taxi Uber, anh Nguyễn Long (quận Long Biên, Hà Nội) rất lo lắng. Gần một năm nay, do công việc ở công ty không nhiều, thời gian rảnh anh chạy Uber để kiếm thêm thu nhập. Tính sơ mỗi tháng, anh phải trả gần 10 triệu đồng trả cả gốc và lãi.
Anh Long trò chuyện, hàng ngày anh chạy khoảng 10 giờ, ngày cao điểm thu được 1,4 triệu đồng, trừ 20% cho Uber còn 1,1 triệu đồng, trừ tiền xăng 300.000 đồng nữa thì còn 800.000 đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng khách không còn được nhiều như vậy. Có ngày, anh nhận được chưa đầy 5 chuyến.
“Thu nhập chính của tôi hiện vẫn nhờ vào Uber, nếu không được hoạt động sẽ ảnh hưởng tới việc trả lãi ngân hàng”, anh Long bất an. Vì đã trót vay tiền mua xe nên anh phải cố chạy một thời gian nữa rồi tính tiếp. Thu nhập giảm mạnh, anh bắt buộc phải chuyển hướng bán xe hoặc đầu quân cho các hãng taxi truyền thống.
Cũng đang trong tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Thái (khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) đầu tư hẳn5 chiếc chuyên chạy taxi Uber. Trong đó, có 2 chiếcđang mua theo hình thức vay vốn trả góp ngân hàng. Theo tính toán ban đầu, nếu công việc kinh doanh thuận lợi thì khoảng hai năm ông có thể thu hồi vốn.
Nhưng với tình hình như hiện nay, việc kinh doanh theo hình thức đối tác Uber dừng lại, ông sẽ phải tính cách làm ăn khác.
“Các xe của tôi đều có đăng ký kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp. Trước đây, chỉ cần có xe là có thể đăng ký lái Uber nhưng sau đó thêm quy định phải là có đăng ký kinh doanh, chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm túc điều này. Chúng tôi đều mong muốn làm việc theo đúng quy định của pháp luật, mong rằng các cơ quan chức năng sớm có những quy định để đảm bảo quyền lợi của người dân”, ông Thái kiến nghị.
Câu chuyện kinh doanh Uber đã từ lâu được nhắc tới. Trong khi chờ các cơ quan chức năng đưa ra được giải pháp vừa đảm bảo thu được nguồn thuế kinh doanh vừa giúp cho một bộ phận không nhỏ lái xe có thêm việc làm, tăng thu nhập thì người thiệt thòi nhất hiện nay vẫn là người tiêu dùng. Họ ủng hộ loại hình dịch vụ vận tải mới này bởi đơn giản là họ được hưởng lợi.
Nam Hải/VietnamNet