Bệnh nhân đã bị tái hẹp van tim sau khi đã phẫu thuật, suýt mất mạng do không tái khám thường xuyên. Sau khi phẫu thuật, phòng Y xã hội của bệnh viện đã tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân và phối hợp với các mạnh thường quân trong việc hỗ trợ chi phí điều trị.
Ngày 24.4, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: “Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một trường hợp tái hẹp van tim nhân tạo sinh học rất nặng với nguy cơ tử vong cao”.
Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị B. (37 tuổi, ngụ H.Phong Điền, TP.Cần Thơ), nhập viện cấp cứu vào sáng 9.3.2020, trong tình trạng mệt, khó thở, phù toàn thân, ho khạc đàm hồng (phù phổi cấp - một cấp cứu bệnh lý nội khoa).
Qua khai thác tiền sử ghi nhận bệnh nhân phát hiện hẹp khít van 2 lá và được phẫu thuật tim thay van 2 lá sinh học kèm sửa van 3 lá cách nay 10 năm. Sau phẫu thuật bệnh nhân tái khám định kỳ được 2 năm, sau đó vì điều kiện gia đình khó khăn nên bệnh nhân không đi tái khám và ngưng không uống thuốc.
Khoảng 6 tháng nay, bệnh nhân thấy mệt, khó thở khi làm việc nhẹ, ho khạc ít đàm hồng, ho nhiều về đêm kèm nặng ngực trái nhưng không đi khám bệnh. Cách nhập viện 2 ngày, các triệu chứng này nặng hơn, và bệnh nhân nhập khoa Phẫu thuật tim của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng cấp cứu.
Kết quả siêu âm tim màu ghi nhận: Giãn tất cả các buồng tim. Van 2 lá nhân tạo sinh học hẹp rất khít kèm hở nặng; các lá van vôi hóa nặng và hạn chế cử động, chuyển động xoáy trong nhĩ trái. Van 3 lá hở nặng do giãn vòng van. Tăng áp lực động mạch phổi mức độ nặng; tràn dịch màng phổi 2 bên.
Bệnh nhân được hồi sức nội khoa tích cực 11 ngày và hội chẩn xác định cần phẫu thuật; đánh giá các nguy cơ của cuộc mổ và thời điểm tiến hành phẫu thuật. Tiên lượng các tình huống có thể xảy ra sau phẫu thuật: viêm phổi, suy tim; suy đa cơ quan…
Sau hội chẩn, ngày 1.4.2020, ê kíp phẫu thuật tim gồm BS.CK2 Lâm Việt Triều phụ trách khoa Phẫu thuật tim; BS.CK2 Nguyễn Khắc Minh Trường - Phó khoa Phẫu thuật tim; Ths.BS Trần Thị Kim Luyến - khoa Gây mê hồi sức, đã tiến hành phẫu thuật tim lần 2 cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật khá khó khăn vì tim dính nhiều vào mặt sau xương ức.
Các bác sĩ đã tiến hành thay van nhân tạo sinh học bị hư hỏng bằng van nhân tạo cơ học, sửa van 3 lá Devega, cắt giảm và tạo hình lại 2 tâm nhĩ. Bệnh nhân cũng được sử dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi để giảm thiểu các nguy cơ do truyền máu số lượng nhiều.
Quá trình hậu phẫu xuất hiện biến chứng viêm phổi và suy đa cơ quan. Bệnh nhân được hồi sức tích cực và chỉ định lọc máu liên tục. Tiến trình suy đa cơ quan hồi phục sau 57 giờ lọc máu liên tục.
Hiện tại, bệnh nhân phục hồi tốt, tỉnh táo, đi lại được, ăn uống bình thường. Siêu âm tim và xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy chức năng tim và các cơ quan nội tạng trở về chỉ số bình thường. Dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
BS.CK2 Phạm Thanh Phong cho biết, phẫu thuật tim là kỹ thuật chuyên sâu thường được thực hiện ở các bệnh viện tuyến Trung ương và các trung tâm chuyên sâu về tim mạch vì phải có phát triển đồng bộ, phối hợp của nhiều ê kíp. Phẫu thuật tim lần 2 sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với mổ lần đầu.
Theo BS.CK2 Lâm Việt Triều: “Van nhân tạo sinh học được chỉ định ở bệnh nhân lớn tuổi, phụ nữ trẻ ở độ tuổi sinh đẻ và được khuyến cáo ở những bệnh nhân tuổi bất kỳ mà chống đông là chống chỉ định, không thể quản lý một cách thích hợp hoặc không mong muốn.
Quá trình thoái hóa hư hỏng van sinh học phụ thuộc nhiều yếu tố như giới tính, tuổi tác, tình trạng miễn dịch, tình trạng rối loạn chuyển hóa lipide máu… Do đó bệnh nhân cần tái khám và điều trị chuyên khoa thường xuyên để hạn chế và phát hiện kịp thời biến chứng thoái hóa van sinh học cũng như duy trì, kéo dài tuổi thọ của van sinh học”.
Phạm Phong