Ngày nay, lá cờ sáu sắc được xem là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất trên thế giới khi nó đại diện cho cộng đồng LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới). Ước tính cộng đồng này chiếm khoảng 3-5% dân số, vào khoảng 210 triệu đến 350 triệu người. Mặc dù vậy, biểu tượng này chỉ vừa mới ra đời cách đây 37 năm và được thiết kế bởi nghệ nhân người Mỹ Gilbert Baker.
Năm 1939, nữ diễn viên Judy Garland (1922-1969) đã chính thức trở thành ngôi sao lớn khi bộ phim The Wizard of Oz bất chợt thành công ngoài mong đợi. Nhiều năm sau, cùng với phong cách sống phóng khoáng và giàu nghị lực, bà được xem là một trong những "biểu tượng đồng tính" (người được cộng đồng LGBT yêu thích) đầu tiên trong lịch sử.
|
Judy Garland trong Wizard of Oz |
Nhiều người nhận định nghệ nhân Gilbert Baker (sinh năm 1951) đã lấy cảm hứng từ bài hát kinh điển Over the Rainbow mà Judy Garland đã trình bày trong bộ phim để thiết kế nên lá cờ cầu vồng. Tuy nhiên, bản thân ông thì lại cho rằng mình đã chịu sự ảnh hưởng từ biểu tượng của phong trào hippie và những nhóm vận động quyền cho người da màu diễn ra vào thập niên 70.
|
Gilbert Baker |
Phiên bản đầu tiên của lá cờ cầu vồng bao gồm 8 màu. Mỗi màu đại diện cho một yếu tố cấu thành nên cộng đồng LGBT: hồng là tình dục, đỏ là sự sống, cam là sự hàn gắn, vàng là mặt trời, xanh lá là thiên nhiên, lam là nghệ thuật, chàm là sự hòa hợp và tím là nghị lực. Đích thân Gilbert Baker đã nhuộm và may vải thành lá cờ đầu tiên, cùng với 30 tình nguyện viên khác.
Lá cờ cầu vồng 8 màu xuất hiện lần đầu tại Ngày diễu hành tự do Đồng tính (Gay Freedom Day Parade) diễn ra vào ngày 25.06.1978 ở thành phố San Francisco - nơi được mệnh danh là "thủ phủ" của cộng đồng LGBT Mỹ thời bấy giờ.
Vài tháng sau, Gilbert Baker quyết định in cờ hàng loạt để phổ biến nó trên toàn quốc và để kinh doanh. Ông đã gặp phải một trục trặc nhỏ: Công ty nhuộm không có sẵn loại vải màu hồng. Chính vì thế, lá cờ cầu vồng được giảm xuống còn 7 màu.
Ngày 27 tháng 11 năm 1978, Harvey Milk - người đồng tính công khai đầu tiên được bầu vào chính quyền Mỹ, bị ám sát. Sự việc này đã gây ra sự căm phẫn trong cộng đồng LGBT Mỹ và làn sóng biểu tình khắp nơi. Năm 1979, Ủy ban Diễu hành Tự hào đồng tính quyết định sử dụng mẫu cờ của Gilbert Baker - một người bạn của Harvey Milk, để thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết thống nhất. Tuy nhiên, họ đã bỏ đi màu lam, để số màu trở thành số chẵn, như vậy có thể chia dọc theo đoạn đường diễu hành, mỗi bên 3 màu. Màu xanh chàm cũng đổi thành màu xanh hoàng gia, sáng hơn, để tránh bị chìm vào màu tím bên cạnh.
Tại Việt Nam, lá cờ cầu vồng sáu sắc được giới thiệu chính thức trong một sự kiện cộng đồng vào ngày 16.07.2011, tại buổi giao lưu mang tên "I ♥". Trước đó, hình ảnh cờ cầu vồng cũng thường xuất hiện trong các party dành cho người đồng tính tại Sài Gòn. Hiện nay, hầu như bất kỳ sự kiện nào của cộng đồng LGBT cũng đều có thể bắt gặp hình ảnh lá cờ cầu vồng và những vật phẩm màu sắc tương tự.
Những biểu tượng khác
Trước đó từng đó nhiều biểu tượng màu khác đại diện cho người đồng tính. Ví dụ ở Anh Quốc màu xanh lá là biểu tượng của đồng tính. Khoảng cuối thập niên 60, màu tím sau đó được phổ biến như biểu tượng của người đồng tính, gắn với khẩu hiệu "Sức mạnh Tím"(Purple Power).
Tam giác hồng cũng là một trong những biểu tượng đồng tính phổ biến nhất. Ban đầu tam giác hồng được dùng trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần 2 bởi Đức Quốc xã khi chúng phân loại người đồng tính nam (đồng tính nữ là tam giác đen). Vào thập niên 80, biểu tượng tam giác hồng phổ biến trở lại như một cách để nhớ về sự kì thị khủng khiếp khi xưa, nhưng giờ trở thành niềm tự hào của người đồng tính.
Ngoài ra còn một số biểu tượng khác như Lambda, Labrys hay Bàn tay tím. Thế nhưng biểu tượng rực rỡ nhất, được biết tới nhiều nhất vẫn là lá cờ cầu vồng, với các màu: đỏ, cam, vàng, lục, chàm, tím.
Ngày nay, ý nghĩa lá cờ không còn gắn với ý nghĩa từng màu như ban đầu nữa mà hết sức đơn giản, là tôn vinh sự đa dạng của cộng đồng LGBT nói chung.
Một số hình ảnh của lá cờ cầu vồng tại Việt Nam:
Minh Chánh (Tổng hợp)