Tuyết có thể còn trở nên khan hiếm hơn trong tương lai khi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng. Người Ý muốn cứu nền du lịch địa phương bằng tuyết nhân tạo nhưng bị phản đối.

Người Ý tranh cãi việc phun tuyết nhân tạo làm du lịch

Anh Tú | 22/11/2023, 08:20

Tuyết có thể còn trở nên khan hiếm hơn trong tương lai khi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng. Người Ý muốn cứu nền du lịch địa phương bằng tuyết nhân tạo nhưng bị phản đối.

sky.jpg
Tuyết rơi không đủ để chơi thể thao mùa đông

Hiếm ai làm tốt hơn người Ý trong việc biến mơ ước dù có gặp khó khăn lớn trở thành hiện thực. Hãy lấy kế hoạch trị giá hàng triệu USD được thực hiện từ những năm 1990 để xây dựng cây cầu treo dài nhất thế giới bắc qua eo biển Messina ở trung tâm vùng đất mafia là ví dụ. Hoặc chính sự tồn tại của thành phố Venice, được xây dựng trên hệ thống đầm phá và được bảo vệ an toàn trước môi trường khắc nghiệt bằng các cửa xả lũ cơ học mà phải mất hơn 20 năm mới thành hiện thực.

Giờ đây, kế hoạch xây dựng một cơ sở trượt tuyết trị giá hàng triệu USD trên một ngọn núi vốn không có tuyết ở phía bắc nước Ý có thể cũng gặp nhiều thách thức không kém.

Ngọn núi trọc là Monte San Primo, một điểm cao tuyệt đẹp (1.682 mét) có tầm nhìn được phần lớn khung cảnh đầu phía bắc của hồ Como. Thành phố lát đá cuội cổ kính Bellagio được mệnh danh là “hòn ngọc” của hồ vì vẻ đẹp đã thu hút những người thuộc giới thượng lưu đến ở trong các biệt thự xa hoa gần đó.

Nhưng kể từ khi thành phố Bellagio giành được sự ủng hộ của chính quyền trung ương và chính quyền vùng Lombardy để đầu tư cho một dự án khu trượt tuyết mà thành phố hy vọng sẽ thu hút khách du lịch vào mùa đông, thì rắc rối ở thiên đường này đã xảy ra.

Kế hoạch trị giá 5 triệu euro (khoảng 5,4 triệu USD) sẽ bao gồm việc xây dựng một bãi đậu xe lớn, đường xe trượt băng và thang máy mới ở một khu vực từng là điểm đến trượt tuyết tấp nập cách đây 50 năm nhưng đã đóng cửa cách đây chục năm do nhiệt độ tăng khiến lượng tuyết rơi mỏng đi.

Mặc dù đã có sự ủng hộ đáng kể của người dân địa phương luôn cho rằng việc khôi phục khu trượt tuyết sẽ mang lại nguồn thu du lịch quan trọng, nhưng kế hoạch này đã vấp phải thái độ tức giận từ các tổ chức môi trường.

Một tập hợp gồm 33 nhóm, trong đó có cả Quỹ Động vật hoang dã thế giới và Câu lạc bộ Alpine của Ý, tự đặt tên là “Hãy cứu Monte Primo”, đã tìm cách dừng dự án và nâng cao nhận thức về hệ sinh thái mong manh của ngọn núi.

Roberto Fumagalli, người phát ngôn của nhóm, khẳng định có nhiều cách tốt hơn để bơm 5 triệu euro vào khu vực mà vẫn mang lại doanh thu du lịch. Ông nói rằng nhóm đã cố gắng một cách vô ích khi tìm cách đàm phán với những người ủng hộ dự án.

Nhóm có một số lo ngại về các kế hoạch được đề xuất ở nhiều lĩnh vực từ môi trường đến hậu cần. Thay vì cải tạo bãi đậu xe, các thành viên của nhóm khẳng định sẽ tốt cho môi trường hơn nếu đầu tư vào giao thông công cộng. Và thay vì khôi phục các khu vực có tuyết  nhân tạo, họ muốn thấy những con đường mòn phục vụ đi bộ đường trường được chỉnh trang vì mùa đông ngắn hơn đồng nghĩa với quãng thời gian du khách chọn đi bộ đường trường dài hơn.

Họ cũng lo ngại về mức tiêu thụ năng lượng của máy tạo tuyết, gây hại cho ngọn núi do mang theo thiết bị nặng. Đó còn là chưa kể việc chạy điện phun tuyết nhân tạo cũng góp thải ra nhiều khí nhà kính. Fumagalli cho biết nhóm phản đối có thể sẵn sàng tìm kiếm một thỏa hiệp, nhưng chỉ khi những người ủng hộ dự án chịu đối thoại.

Nhóm phản đối chỉ ra rằng vấn đề chính là Monte San Primo, mặc dù là một điểm đến trượt tuyết có bề dày lịch sử, nhưng hiện tại  lại không có đủ tuyết. Đó là do nhiệt độ tăng và khô hạn, khiến cuộc khủng hoảng khí hậu có thể trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn. Do vậy, phun tuyết nhân tạo có thể khiến mọi thứ còn tồi tệ hơn.

Tuyết chắc chắn sẽ trở nên khan hiếm hơn trong tương lai khi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu gần đây của tổ chức phi chính phủ WaterAid cùng 2 trường đại học Cardiff và Bristol của Anh cho thấy hạn hán khắc nghiệt ở miền bắc nước Ý đã tăng gấp đôi trong hai thập niên qua khiến khí hậu nơi đây tương tự như những gì đã xảy ra ở một số khu vực của Ethiopia và vùng Sừng châu Phi.

Nghiên cứu chỉ ra: “Cả hai khu vực đang phải đối mặt với tình trạng nước bốc hơi ngày càng tăng (rất có thể là do nhiệt độ khu vực cao hơn), dẫn đến bề mặt khô nhanh hơn giữa các đợt mưa”.

Mối đe dọa về tình trạng thiếu nước đã không làm nản lòng các quan chức ở thành phố Bellagio và khu vực Lombardy xung quanh. Họ nói rằng sẽ chỉ xây một hồ nhân tạo, đổ đầy nước vào và sau đó lấy nước từ đó để tạo tuyết nhân tạo bằng vòi phun tuyết.

Một thang máy dạng băng tải được mô tả là “chiếc thảm thần kỳ” cũng đã được lên kế hoạch. Những người ủng hộ nói rằng điều này sẽ ít tác động đến môi trường hơn vì sẽ không cần phải đào sâu vào lòng đất để làm móng như với thang máy cáp treo truyền thống (phục vụ người trượt tuyết đi lên đỉnh núi). Họ lập luận rằng hồ nhân tạo cũng sẽ phục vụ cộng đồng vào mùa hè và hoạt động như một hồ chứa nước mưa.

Thị trưởng Bellagio Angelo Barindelli đã trấn an những người ủng hộ đừng “sợ” những người phản đối. Ông tuyên bố: “Đây là một thỏa thuận quan trọng, tổng vốn đầu tư là 5 triệu euro, bây giờ chúng tôi chỉ cần cam kết bắt đầu nó một cách nhanh chóng”.

Alessandro Fermo, người đứng đầu Hội đồng khu vực Lombardy, người cũng ủng hộ kế hoạch này, cho biết những người biểu tình phản đối đã vượt quá giới hạn.

Fermo viết trên Tacebook: “Tôi không có thói quen góp phần vào các cuộc tranh cãi, nhưng lần này tôi không thể ngăn mình được nữa. Đưa tiền của đến đây là một công việc kéo dài và mệt mỏi. Khoản đầu tư 5 triệu euro là rất quan trọng để phát triển và tái khởi động sức hấp dẫn du lịch của khu vực vào mùa đông và cả mùa hè”.

Nhưng ngay cả khi những người đứng đầu thành phố không ngồi lại với những người biểu tình để tìm ra thỏa hiệp, dự án cũng có thể không bao giờ đến đích. Lý do là các thủ tục hành chính rườm rà cố hữu từng làm chậm lại những kế hoạch, dù là triển vọng nhất trong nhiều thập niên.

Các kế hoạch đầu tiên cho khu trượt tuyết Monte San Primo đã được thông qua cùng cam kết tài chính vào đầu năm 2022. Các cuộc đấu thầu đầu tiên đáng ra phải tổ chức vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng cho đến nay, không có gì tiến triển ngoài các cuộc biểu tình và dự báo thời tiết nhắc mãi chuyện tuyết không rơi sớm và nếu có thì rất ít.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Ý tranh cãi việc phun tuyết nhân tạo làm du lịch