Nhìn bề ngoài, việc người tiêu dùng Việt Nam đứng đầu thế giới về mức tiết kiệm có vẻ như trái ngược với thống kê về sự lạc quan gia tăng của người tiêu dùng và xu hướng tăng chi tiêu đáng kể trong dịp Tết quan trọng trong năm. Nhưng trên thực tế, điều này không có gì mâu thuẫn. 

Người Việt Nam tiết kiệm nhất thế giới và câu chuyện tăng trưởng

Một Thế Giới | 18/02/2016, 11:17

Nhìn bề ngoài, việc người tiêu dùng Việt Nam đứng đầu thế giới về mức tiết kiệm có vẻ như trái ngược với thống kê về sự lạc quan gia tăng của người tiêu dùng và xu hướng tăng chi tiêu đáng kể trong dịp Tết quan trọng trong năm. Nhưng trên thực tế, điều này không có gì mâu thuẫn. 

Năm Bính Thân 2016 vừa bước qua những ngày đầu tiên, dù nhịp vận hành của xã hội và nền kinh tế Việt Nam đã quay trở lại sau dịp nghỉ lễ dài ngày, nhưng dư âm của nó cũng là một trong những khía cạnh quan trọng để hiểu rõ hơn những vấn đề của nền kinh tế đất nước. 
Những dịp nghỉ lễ quan trọng và dài ngày như Tết Âm lịch ở các quốc gia Đông Á như Việt Nam luôn là một sự kiện đáng chú ý để đánh giá các tác động của nền kinh tế đất nước. Và dịp Tết Bính Thân 2016 lại càng có nhiều ý nghĩa hơn, khi đây cũng là thời điểm Việt Nam bước vào một năm với những kỳ vọng lớn đối với nền kinh tế đất nước.
Nếu như đợt nghỉ Tết kéo dài gần một tháng ở Trung Quốc vừa qua là một trong những khía cạnh rõ nét nhất cho thấy nền kinh tế nước này đang giảm tốc đáng kể, với tỷ lệ người lao động từ thành thị về quê ăn Tết và đã không trở lại thành phố làm việc do khó khăn kinh tế tăng lên, thì ở Việt Nam cũng có nhiều điều đáng nói. Dịp nghỉ Tết âm lịch 2016 ở Việt Nam diễn ra ngay sau khi năm 2015 kết thúc với một tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng chú ý là 6,7%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; nó cũng ở ngay tại thời điểm Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng nhất vào nền kinh tế thế giới trong năm Dương lịch 2016.
Vì thế, cách mà người Việt Nam đón Tết âm lịch cũng sẽ trở thành những chỉ dấu rõ nét cho nền kinh tế đất nước trong năm 2016. Kết quả của cuộc khảo sát được tiến hành bởi công ty nghiên cứu thị trường TNS tháng 1.2016 cho thấy, phần lớn người tiêu dùng đã tăng mức chi tiêu trong dịp Tết vừa qua lên mức trung bình khoảng 14,2 triệu đồng. Đây được xem là một mức chi tiêu lớn của người tiêu dùng Việt Nam, khi mà tính đến cuối năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam mới đạt hơn 45 triệu đồng/năm một chút. Nó có nghĩa, trung bình người Việt Nam đã tiêu một khoản tiền bằng gần 1/3 thu nhập trong cả năm của mình trong dịp Tết nguyên đán vừa qua.
Về một khía cạnh nhất định, có thể xem đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế đất nước, bởi việc người tiêu dùng hào phóng mở hầu bao và tăng mức chi tiêu đáng kể luôn là dấu hiệu cho sự ổn định và lạc quan của người dân về nền kinh tế. Điều này cũng trùng khớp với con số thống kê mà hãng nghiên cứu thị trường Nielsen đã khảo sát tại nhiều nước trên thế giới trong thời gian qua, theo đó Việt Nam đã vượt lên đứng ở vị trí thứ 6 toàn cầu về mức độ lạc quan của người tiêu dùng. Điều này cũng được xem là phù hợp khi mà nền kinh tế Việt Nam vừa có một năm được xem là thành công, tốc độ tăng trưởng 6,7% cao nhất trong 5 năm trở lại đây, hàng loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô được ổn định, điển hình là lạm phát ở mức rất thấp 0,8%. 
Việc người tiêu dùng Việt Nam hào phóng mở hầu bao trong dịp Tết Bính Thân vừa qua có thể được xem là kết quả của những tác động thuận lợi đó trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, báo cáo thống kê của Nielsen cũng chỉ ra rằng, dù đứng thứ 6 thế giới về mức độ lạc quan của người tiêu dùng, Việt Nam cũng đang đứng đầu thế giới về mức độ tiết kiệm của người dân. 
Cụ thể, có tới 79% người tiêu dùng Việt Nam đã khẳng định điều này, vượt qua các nước có tỷ lệ tiết kiệm cao hàng đầu thế giới khác như Indonesia (75%), Philippines (65%) hay Singapore (64%) và Thái Lan (60%). Cứ 10 người tiêu dùng Việt Nam thì có tới 8 người đã điều chỉnh các thói quen trong 12 tháng qua để hạn chế các khoản chi tiêu của mình (85%), cứ 3 trong số 5 người Việt Nam đã cắt giảm sử dụng điện, ga và giảm mua sắm quần áo mới. Phân nửa người Việt được khảo sát giảm chi tiêu cho các khoản giải trí bên ngoài gia đình và điện thoại. Theo Nielsen, lý do chủ yếu là chi phí sinh hoạt có xu hướng gia tăng thời gian vừa qua đã khiến người tiêu dùng Việt Nam tiết kiệm chi tiêu hơn.
Nhìn bề ngoài, việc người tiêu dùng Việt Nam đứng đầu thế giới về mức tiết kiệm có vẻ như trái ngược với thống kê về tăng sự lạc quan của người tiêu dùng và xu hướng tăng chi tiêu đáng kể trong dịp Tết quan trọng trong năm. Nhưng trên thực tế, điều này không có gì mâu thuẫn. 
Theo khảo sát của Nielsen, dù có tới 79% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ có kế hoạch tiết kiệm chi tiêu thì phần lớn vẫn cho biết sẽ sẵn sàng tăng mức chi tiêu trong những vấn đề cần thiết mà họ quan tâm, như đi du lịch hay mua sắm trong các dịp lễ quan trọng trong năm như Tết âm lịch. Nó cho thấy, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam trong thời gian gần đây là tìm cách tiết kiệm để đối phó với sự gia tăng chi phí sinh hoạt và sẽ lựa chọn những thời điểm và vấn đề cần thiết để tăng mức chi tiêu.
Nó cũng chứng tỏ rằng, mức tiêu dùng của người Việt Nam về cơ bản vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể, trong khi thu nhập bình quân đầu người trong vài năm trở lại đây chưa có sự tăng tiến do nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do vì sao Việt Nam vẫn đang đứng đầu thế giới về mức độ tiết kiệm, trong khi lại có mức chi tiêu lớn trong một số dịp đặc biệt như Tết Bính Thân vừa qua. 
Đó chỉ đơn giản là sự thay đổi về ưu tiên và thứ tự chi tiêu, trong đó tập trung vào các dịp lễ lớn và nghỉ dài ngày, chứ không phải là mức tiêu dùng trung bình của người Việt Nam đã tăng lên nhiều hơn. Về lý thuyết, mức độ tiêu dùng của người dân chỉ tăng lên khi mà thu nhập bình quân đầu người có mức tăng đáng kể.
Có thể xem đây là một chỉ dấu cho việc hoạch định hướng đi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016, trong đó chú trọng đến việc gia tăng thu nhập bình quân đầu người cho người dân hơn là đến tốc độ tăng trưởng GDP như những năm qua. Lộ trình cho mọi quốc gia đang phát triển trên thế giới như Việt Nam trong tương lai là hướng đến tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa, mà thu nhập bình quân đầu người là yếu tố cốt lõi. Về cơ bản, tốc độ tăng trưởng GDP là một chỉ số không có nhiều ý nghĩa để đánh giá khả năng của một nền kinh tế.
Vì bất chấp việc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP lớn nhất thế giới trong vòng hai thập kỷ đổ lại đây, Việt Nam vẫn đang là nước có chỉ số thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp trên thế giới. 
So với các nước trong khu vực, thu nhập đầu người của Việt Nam thấp hơn đáng kể, đến cuối năm 2015 mới đạt khoảng 2.200 USD/người, đáng chú ý nhất là khoảng cách về tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người giữa Việt Nam và mức trung bình của thế giới đang ngày càng tăng lên. Năm 1990, khoảng cách về thu nhập đầu người của Việt Nam với thế giới là khoảng 4.000 USD, đến năm 2014 khoảng cách đã tăng lên 8.000 USD. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 là 2.200 USD, mức trung bình của thế giới đã tăng lên tới trên 10.000 USD.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Việt Nam tiết kiệm nhất thế giới và câu chuyện tăng trưởng