Dù bị trú ẩn ở Nga từ năm 2013 sau khi bị Mỹ truy nã vì công bố tài liệu mật, “người tuýt còi” Edward Snowden vừa nói thẳng thừng chính phủ Nga tham nhũng, và đây là một bình luận khiến anh có thể bị Nga trao trả cho Mỹ, theo báo Guardian ngày 29.6.

‘Người tuýt còi’ Snowden nói chính phủ Nga tham nhũng

Trần Trí | 01/07/2018, 06:56

Dù bị trú ẩn ở Nga từ năm 2013 sau khi bị Mỹ truy nã vì công bố tài liệu mật, “người tuýt còi” Edward Snowden vừa nói thẳng thừng chính phủ Nga tham nhũng, và đây là một bình luận khiến anh có thể bị Nga trao trả cho Mỹ, theo báo Guardian ngày 29.6.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Sddeutsche Zeitung (Đức), Snowden, 35 tuổi, nói: “Dân Nga là những người cảm thấy bị tước quyền. Họ không ngây thơ, hiểu đài truyền hình nhà nước không đáng tin và họ bất đồng với các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin. Họ thông minh, hiếu khách và đây là một đất nước tươi đẹp. Chính phủ Nga mới là vấn đề, không phải dân Nga”.

Khi Snowden được hỏi liệu những bình luận này có khiến anh bị nguy hiểm vì chọc tức ông Putin hay không, anh đáp “Chắc chắn có một nguy cơ. Có thể họ không quan tâm. Vì tôi không nói tiếng Nga. Và tôi là một cựu nhân viên CIA, nên họ sẽ dễ dàng tuyên bố các ý kiến chính trị của tôi là ý kiến của một điệp viên CIA ở Nga”.

Snowden hiểu rõ nguy cơ bị trao trả cho Mỹ xử tử hình

Bình luận của Snowden có thể khiến Nga trao trả cho Mỹ, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu bắt giao Snowden cho Mỹ, khi ông có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên gặp Tổng thống Putin ngày 16.7 tới tại thủ đô Helsinki (Phần Lan), theo Guardian.

Nhưng ông Putin cũng có thể cân nhắc giữ Snowden ở Nga, để đạt một giá trị tuyên truyền thay vì tặng ông Trump một món quà dễ dàng.

Snowden từng là nhân viên hợp đồng của nhánh Hawaii của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) từ tháng 3.2012 đến tháng 5.2013 thì bỏ trốn, sau khi anh “xì” cho báo giới khoảng 1,7 triệu tài liệu mật về hoạt động tình báo của NSA (ví dụ nghe lén chính phủ các nước đồng minh và công dân Mỹ).

Snowden nói anh cần bảo vệ quyền riêng tư và quyền tự do cơ bản, tố cáo tình báo Anh-Mỹ thực hiện các chương trình theo dõi hàng trăm triệu người dân vô tội.

Snowden đã chạy trốn khỏi Mỹ, đến Hồng Kông ngày 20.5.2013. Sau thời gian trú ẩn, anh nhận phòng khách sạn Mira ngày 1.6, đến ngày 10.6 thì rời khỏi khách sạn này và 11 ngày sau đến Nga, hiện tị nạn ở Moscow.

Snowden bị chính Mỹ truy nã vì 3 tội danh theo Luật chống gián điệp. Anh có thể bị thụ án 10 năm tù cho mỗi tội danh.

Tổng thống Trump từng gọi Snowden là "gián điệp" và "kẻ phản bội" đáng bị xử tử hình. Khi còn là Giám đốc CIA, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nói Snowden phải chịu sự phán xét của toà án Mỹ và phán quyết thích hợp nhất nên là tử hình.

Theo Guardian, trong hainăm đầu sống ở Nga, Snowden từng bị chỉ trích không phê phán chính quyền Putin, nhưng anh dần nói thẳng thắn trong các cuộc bảo vệ nghề báo.

Trong khi đó, theo báo Independent, hồi năm 2017, ông Putin từng nói Snowden sai lầm vì chuyện công bố hoạt động tình báo của NSA, nhưng anh không phải là kẻ phản quốc.

Từng là sĩ quan tình báo KGB của Liên Xô, ông Putin nói nếu như không thích công việc của mình, Snowden nên nghỉ việc ở NSA, như ông từng thôi làm việc cho KGB, chứ không nên “xì” những bí mật quốc gia Mỹ.

Ông Putin cũng nói Snowden cứ việc tạm trú ở Nga đến năm 2020, qua năm sau có thể làm đơn nhập quốc tịch Nga.

Lãnh đạo Nga cũng công nhận hệ thống giám sát công dân Mỹ của NSA là xâm phạm đời tư, đồng thời ca ngợi tình báo Nga hoạt động tuân thủ pháp luật. Ông chỉ trích việc Mỹ nghe lén các đồng minh như Đức là không chính đáng, làm mất lòng tin và trên hết gây hại cho chính an ninh quốc gia Mỹ.

Guardiancòn viết Nga là nơi trú ẩn duy nhất cho Snowden. Trung quốc từng không cho anh đến Hoa lục khi anh đang trốn ở Hồng Kông năm 2013. Nếu anh trốn được qua Nam Mỹ hoặc bất kỳ nơi nào khác của thế giới, Mỹ đều có thể dùng sức ép kinh tế hoặc cử điệp viên CIA đến khử anh.

Dù dân Đức ủng hộ Snowden nhưng chính phủ Đức cùng các nước châu Âu đều không cho anh trú ẩn, vì sợ mất lòng với Mỹ.

Snowden nói: “Tôi đã chấp nhận cả đời lãnh lấy những hậu quả lớn, từ quyết định công bố những gì tôi biết được. Nhưng dù không vì tôi, lẽ ra Đức nên bằng mọi cách thông quabất kỳ luật nào để cho phép các người tố cáo trong tương lai tìm được bến cảng an toàn”.

Cựu nhân viên NSA còn nói nếu một người tuýt còi Nga tìm đến nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, thì bà Merkel nên bảo vệ họ: “Nhưng nếu một người tuýt còi Mỹ tìm đến nhà bà Merkel thì sao? Câu hỏi ấy đã không được trả lời”.

Anh tỏ ra thất vọng trước quan điểm công khai của bà Merkel về những người tuýt còi: “Chúng ta nói quá nhiều về Nga, sự thất vọng và những thách thức mà người dân phải đối mặt vì những vấn đề của chính phủ của họ. Sẽ có nghĩa gì khi nói với thế giới rằng Nga là nơi duy nhất của thế giới để một người tuýt còi Mỹ được sống an toàn?”.

Khi được hỏi về Julian Assange, người công bố những tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ qua Wikileaks và đang bị kẹt ở Sứ quán Ecuador tại Anh, Snowden đáp: “Tôi là một nhà cải cách. Anh ấy là một nhà cách mạng. Tôi không muốn thiêu rụi hệ thống, nếu tôi tin có thể cứu chữa được hệ thống”.

Dù Assange giúp tổ chức cho Snowden trốn từ Hồng Kông, hai người có quan điểm khác nhau, gồm nên công bố bao nhiêu tài liệu mật của Mỹ, với Snowden chủ trương chỉ nên giải mật một số tài liệu chọn lọc.

Trung Trực (theo Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Người tuýt còi’ Snowden nói chính phủ Nga tham nhũng