Âm nhạc vốn dĩ khi đi sâu vào lòng người thường tạo ra dấu ấn rất riêng, ở đó hình ảnh nghệ sĩ dường như được "tạc" vào ký ức khán-thính giả.
Văn hóa

Người truyền lửa âm nhạc dân tộc với nhạc cụ truyền thống

Dạ Thảo 19/01/2024 17:20

Âm nhạc vốn dĩ khi đi sâu vào lòng người thường tạo ra dấu ấn rất riêng, ở đó hình ảnh nghệ sĩ dường như được "tạc" vào ký ức khán-thính giả.

Có lẽ với nghệ sĩ - giảng viên âm nhạc Nguyễn Thị Ánh Lâm điều đó không chỉ là lưu nhớ mà còn là mục tiêu để cô theo đuổi đam mê về một môn nghệ thuật truyền thống hay một nhạc cụ cổ xưa một cách đầy hào hứng.

Nhắc đến các nhạc cụ cổ xưa, cây đàn tỳ bà chính là nhạc cụ truyền thống không chỉ ở Việt Nam ta mà còn là ở khu vực Đông Nam Á, châu Á. Đây là loại nhạc cụ có âm vực rộng, âm sắc hay, sức biểu cảm rất phong phú và nó cũng chính là nhạc cụ độc tấu, hợp tấu truyền thống trong hệ thống nhạc cụ nước ta.

Qua thời gian dài phát triển, cây đàn tỳ bà đã được người Việt bản địa hóa, biến nó trở thành một loại nhạc cụ mang đậm tính dân tộc, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt. Nhờ các nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối đóng góp qua nhiều thế hệ, cây đàn đã thể hiện đậm nét ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam. Với âm sắc đặc trưng trầm ấm, khoảng âm rộng, đàn tỳ bà thể hiện tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ qua từng khúc nhạc trữ tình nhưng không kém phần dữ dội, mạnh mẽ.

anh-lam-5.jpg
Giảng viên nhạc cụ dân tộc Nguyễn Thị Ánh Lâm (trái) và NSND Mai Phương

Gặp gỡ giảng viên nhạc cụ dân tộc Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ánh Lâm đầu năm mới 2024, chị cho biết mình đam mê tiếng nhạc của cây đàn tỳ bà qua một lần vô tình nghe được từ nghệ sĩ nhân dân Vũ Thị Mai Phương.

"Trong âm nhạc mà Ánh Lâm theo đuổi, Lâm ngưỡng mộ nhất cô Vũ Thị Mai Phương, người được xem là tiên phong trong sáng tác, biểu diễn và cải tiến đàn tỳ bà tại Việt Nam. Đồng thời cô Mai Phương cũng chính là nghệ sĩ chơi đàn tỳ bà đầu tiên tại nước ta được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Chính vì ngưỡng mộ tài năng của cô mà Ánh Lâm ngay từ nhỏ đã yêu thích cây đàn này, đồng thời cũng đặt mục tiêu cho bản thân khi chinh phục những chặng đường trong sự nghiệp" - nghệ sĩ đàn tỳ bà Nguyễn Thị Ánh Lâm chia sẻ.

Ánh Lâm cho biết chị tốt nghiệp loại giỏi tại Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội sau nhiều cố gắng và nỗ lực. Thời gian đầu chị cũng gặp những khó khăn và vất vả khi có nhiều lời khuyên của những người xung quanh về việc theo đuổi một môn nghệ thuật kén người nghe, thậm chí không được số đông yêu thích và biết đến. Nhưng với tình yêu và sự đam mê, chị đã có những thành tích cho riêng mình khi lựa chọn theo đuổi, gắn bó với môn nghệ thuật nhạc cụ dân tộc, cây đàn tỳ bà.

anh-lam-2.jpg
Ánh Lâm chia sẻ rằng phụ nữ yêu nhạc cụ dân tộc truyền thống không dễ dàng để vượt qua mọi thử thách

“Âm sắc đàn tỳ bà đanh, nhẹ, réo rắt, đầy trong sáng và vui tươi. Người nghe đàn dù chỉ nán lại đôi chút cũng dễ dàng bị những thanh âm tỳ bà cuốn vào tới mức không muốn rời… Ánh Lâm đã từng yêu thương đàn tỳ bà còn hơn cả người tri kỷ, bởi khi ở với cây đàn mình được thả hồn vào những bản nhạc, tìm kiếm sự mới mẻ, tận hưởng cảm xúc thú vị và thăng hoa. Kể cả khi mình buồn hay vui thì cây đàn tỳ bà luôn lặng thầm bên mình, trao cho mình những thanh âm tuyệt diệu nhất mà nó có" - nghệ sĩ Ánh Lâm tâm sự.

Nghệ sĩ Ánh Lâm tâm niệm nhạc cổ là vốn quý của ông cha, là vẻ đẹp của văn hóa dân gian. Người nghệ sĩ theo nhạc cổ nào cũng luôn cảm nhận được sức ấm nóng của sứ mệnh duy trì, lan tỏa vẻ đẹp dân gian độc đáo. Do vậy, chỉ cần có người muốn kế thừa là sẵn sàng đón, dạy.
Trong hành trình hơn 10 năm theo đuổi đam mê của nghệ sĩ đàn tỳ bà Ánh Lâm có nhiều niềm vui và cũng không ít giây phút chạnh lòng.

“Nhạc cụ cổ không có… cộng đồng đông đảo người hâm mộ, người trẻ đa phần không quan tâm, người theo học ít. Bởi thế nó cũng không nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí. Những lúc biểu diễn ở các sự kiện trong nước, quốc tế hay vào các dịp lễ lớn, nhìn các nghệ sĩ dòng nhạc khác được nhà báo vây quanh đặt câu hỏi nhưng các nghệ nhạc cụ cổ thì không, điều đó không khỏi chạnh lòng”, Ánh Lâm tâm sự. Nhưng, như bất cứ nghệ sĩ dòng nhạc dân gian nào, khi đã chọn là đam mê, khao khát cống hiến lớn hơn hết thảy, Ánh Lâm cũng vậy.

Sau những năm giảng dạy tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cùng với đam mê âm nhạc truyền thống, Ánh Lâm đã có một số thành tích cho riêng mình. Cô đã được nhận bằng khen về bảo tồn và giữ gìn văn hóa của UNESCO tại chương trình Ngày hội di sản Việt Nam lần 4-2023. Đồng thời cô cũng là thành viên cốt lõi của dàn nhạc Sức sống mới, được xuất hiện trên các đài CCTV, kênh truyền hình trung ương Trung Quốc, kênh Asahi của Nhật Bản... Hơn hết, cô đã thực hiện được ước mơ là được biểu diễn cùng thần tượng của mình - người truyền lửa cho cô, NSND Vũ Thị Mai Phương, trên sóng đài truyền hình Hà Nội tại chương trình Bảo tồn và phát triển cây đàn tỳ bà tại Việt Nam.

Chia sẻ về công tác giảng dạy, truyền lửa nghề yêu thích cây đàn tỳ bà cũng là yêu thích môn nghệ thuật truyền thống tại Việt Nam, nghệ sĩ Nguyễn Thị Ánh Lâm nói: "Là giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn nghệ thuật đàn tỳ bà - một môn nghệ thuật không được giới trẻ chú ý nhiều, thì đó là một thử thách lớn đòi hỏi bản thân Ánh Lâm phải thật kiên nhẫn. Bản thân mình luôn tự cố gắng tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú, lôi cuốn các em. Nếu mình nản chí thì rất khó để theo đuổi nghề chứ đừng nói là truyền lửa nghề cho học sinh hay để cho các em yêu thích cây đàn này” - Ánh Lâm tỏ bày.

Dưới sự dẫn dắt, hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Thị Ánh Lâm, nhiều học trò của cô đã tham gia các cuộc thi tài năng khu vực và toàn quốc. Đặc biệt gần đây nhất là có 3 học sinh tham gia vào Hội thi tài năng trẻ thành phố Hà Nội tháng 5.2023.

anh-lam-4.jpg
Ánh Lâm trong một lần biểu diễn cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài

Đam mê nghệ thuật, đặc biệt là với cây đàn tỳ bà từ khi còn nhỏ, Nguyễn Thị Ánh Lâm luôn tự răn mình là khi đã yêu thích một điều gì đó thì cần phải xác định rõ mục tiêu để theo đuổi, vì cô hiểu rằng đàn tỳ bà là một nhạc cụ có sức biểu cảm vô cùng phong phú, vì cách gảy bằng ngón tay trái và tay phải cũng có đến 50 - 60 cách khác nhau, phong cách thể hiện bản nhạc diễn tấu thì muôn hình muôn vẻ. Đặc biệt, bộ môn nghệ thuật đàn tỳ bà hơi khó học vì tính chất phức tạp, dễ biến đổi của nó, nhưng có lẽ với Ánh Lâm, đây mới chính là sức hút độc đáo của cây đàn.

"Khi ở với cây đàn và được thả hồn mình vào những bản nhạc mới thấy sự thú vị và những phút giây thăng hoa. Kể cả khi mình buồn hay vui thì cây đàn tỳ bà luôn lặng thầm bên mình" - nghệ sĩ Ánh Lâm trải lòng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người truyền lửa âm nhạc dân tộc với nhạc cụ truyền thống