Khi dịch COVID-19 lan khắp Mỹ và châu Âu, nhiều du học sinh hoặc người lao động Trung Quốc ở nước ngoài lo trở về nước, gây ra nỗi sợ hãi sẽ có làn sóng nhiễm thứ hai ngay sau khi Trung Quốc vừa hồi phục khỏi đợt dịch đầu tiên.

Người Trung Quốc ở nước ngoài sợ ‘cõng dịch về nhà’

21/03/2020, 18:01

Khi dịch COVID-19 lan khắp Mỹ và châu Âu, nhiều du học sinh hoặc người lao động Trung Quốc ở nước ngoài lo trở về nước, gây ra nỗi sợ hãi sẽ có làn sóng nhiễm thứ hai ngay sau khi Trung Quốc vừa hồi phục khỏi đợt dịch đầu tiên.

Nhân viên an ninh Trung Quốc ở sân bay Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Du học sinh Trung Quốc ở nước ngoài được khuyên đừng về

Theo Reuters, Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc (NHC) ghi nhận số ca nhiễm dịch mới tăng kỷ lục hôm 20.3, với tất cả 41 ca nhiễm này đều là người Trung Quốc “nhập” từ nước ngoài về, nâng tổng số ca nhiễm mới này lên 269 ca.

Bắc Kinh và Thượng Hải là 2 điểm nhập cảnh chính cho người hồi hương, đa số là sinh viên du học ở nước ngoài, theo các báo cáo chính thức. Họ trở về nước sau khi nhiều đại học ở Mỹ và châu Âu đóng cửa để chống dịch COVID-19 lan nhanh.

Tuy nhiên, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 21.3, sau khi quảng bá Trung Quốc là một quốc gia an toàn, nay chính quyền Trung Quốc lại khuyên các công dân chớ nên về nước. Ngày 18.3, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát - phòng dịch Bắc Kinh, bà Bàng Tinh Hỏa nói tại cuộc họp báo rằng du học sinh Trung Quốc ở nước ngoài “nên ngưng về nhà trừ phi rất cần thiết”.

Vẫn theo tờ báo Hồng Kông, các du học sinh Trung Quốc ở Mỹ đang phải khổ sở đối mặt với một lựa chọn: ở lại hay về nước để trốn dịch COVID-19. Với một số du học sinh thì khi dịch lan khắp Mỹ, nhiều người đã chọn cách chấp nhận bỏ tiền mua vé máy bay về Trung Quốc, nơi mà họ có thể tiếp tục học qua mạng Internet.

Phải bay vòng vòng mới về đến nhà lại phải cách ly

Bên cạnh đó, những người về nước còn phải đối mặt với sự bất ổn từ việc hành trình bị rối loạn. SCMP kể một du học sinh đã mất 53 giờ cho chuyến bay cất cánh từ Mỹ bay đến Seoul (Hàn Quốc) và Quảng Châu (Trung Quốc).

Trên mạng xã hội Weibo, chủ đề “du học sinh ở nước có nên về nước hay không” là đề tài bàn luận chính. Đa số người sử dụng nói người dân về nước sẽ an toàn hơn, miễn là trung thực khai báo hải quan và khai báo sức khỏe cũng như triệt để tuân thủ quy trình tự cách ly. Nhưng cũng có những bình luận nham hiểm, nói du học sinh chớ nên “cõng dịch từ xa hàng muôn ngàn dặm về nước non nhà”, theo SCMP.

Nữ phiên dịch Chen đã quyết trở về Bắc Kinh hôm 18.3, sau khi cô kết thúc chuyến công tác ở Ukraine. Nhưng Ukraine quyết định đóng biên giới từ ngày 17.3, nên cô đổi vé và đón chuyến bay cuối rời Ukraine ngày 16.3, dù điều này buộc cô mất nhiều ngày cho khâu quá cảnh ở Dubai và Singapore trước khi về đến Trung Quốc.

Chen nói hành trình này “ngốn” mất nhiều thời giờ, và vẫn có nguy cơ bị lây dịch từ hành khách đi cùng. Và cô cũng lo sợ không biết điều gì chờ mình khi về đến bắc Kinh.

Luật sư Cindy Wu người Đài Loan làm việc ở Bắc Kinh, kể cô đã tính bay về thủ đô Trung Quốc nhưng rồi cô hủy đăng ký vé, sau khi chính quyền Trung Quốc công bố cách ly bắt buộc 14 ngày đối với hành khách của tất cả các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc.

Wu đã cân nhắc thiệt - hơn rồi quyết ở lại Đài Loan chờ đến khi Trung Quốc có quyết định mới, và cô cảm thấy ở lại Đài Loan thì tốt hơn là ở Hoa lục: “Tôi nào có biết mình sẽ được đưa đi cách ly ở đâu, trong một khách sạn nhỏ có máy lạnh? Và tôi sẽ phải trả bao nhiêu tiền, và liệu tôi có phải ở chung với người đến từ các nước đã phát dịch? Dù hiểu cách ly là cần thiết, tôi vẫn nghĩ ở Đài Loan thì an toàn hơn”.

Mỹ Trinh (theo Reuters, SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Trung Quốc ở nước ngoài sợ ‘cõng dịch về nhà’