20.11, người thầy già cặm cụi lau bảng đen, dọn lại sàn nhà để tối nay lũ trò nhỏ có chỗ ngồi tươm tất. 20.11, trên chiếc bàn làm việc cũ kỹ vài bông hồng đỏ thắm ai đó trưng sẵn, đối với thầy Hùng, bấy nhiêu đã là quá đủ.

Người thầy không danh phận bán đất gia tiên mở lớp học tình thương

Một Thế Giới | 20/11/2014, 18:44

20.11, người thầy già cặm cụi lau bảng đen, dọn lại sàn nhà để tối nay lũ trò nhỏ có chỗ ngồi tươm tất. 20.11, trên chiếc bàn làm việc cũ kỹ vài bông hồng đỏ thắm ai đó trưng sẵn, đối với thầy Hùng, bấy nhiêu đã là quá đủ.

Lớp học trong xóm lao động

Nhà thầy Đoàn Minh Hùng nép trong một xóm lao động nhỏ ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM. Căn nhà tuềnh toàng, trống trước hụt sau, người thầy già vội vàng ra cửa đón, nụ cười lấp lóa một góc sân.

Chúng tôi gọi ông bằng thầy, thầy Hùng xua xua tay: “Thôi, không phải thầy gì đâu. Tui chưa có học sư phạm ngày nào hết, gọi thầy ngại lắm”.

Thầy Hùng sinh năm 1962 ở Bà Rịa – Vũng Tàu, cuộc sống khó khăn, thầy cùng gia đình dắt díu nhau lên Sài Gòn sinh sống. Cách đây 4 năm, thầy Hùng chuyển đến xóm lao động nhỏ này.

Vì là xóm nghèo nên bọn trẻ ăn chưa no lo chưa tới đã phải vất vả mưu sinh cùng cha mẹ. Không được đến trường, không được người lớn thường xuyên nhắc nhở, bọn trẻ đánh nhau, chửi nhau suốt ngày.

Thầy Hùng nói: “Trẻ con như trang giấy trắng, sống ở đâu thì lây nhiễm ở đó. Suốt ngày tụi nó long nhong ngoài đường, nhiễm thói hư, tật xấu ngay từ nhỏ, lúc đó tui nghĩ, nếu mà không dạy dỗ chắc mai mốt lớn lên tụi nó sẽ thành người xấu”.
nguoi thay
 Mỗi lớp học có khoảng 30 học trò nhỏ

Nghĩ vậy làm vậy, thầy Hùng bàn với vợ và con mở lớp học tình thương cho lũ trẻ trong xóm. “Tui cũng không ngờ cả nhà đồng ý hai tay hai chân luôn. Vì hai vợ chồng đều làm thuê, chỉ đủ nuôi 2 đứa con ăn học, giờ tui bớt thời gian làm chuyện “bao đồng” sợ gia đình buồn. Nhưng ai ngờ, vợ tui còn đi vay mượn mua lại mấy thứ bàn ghế cũ, rồi viết, tập vở cho bọn trẻ” – thầy Hùng cười hiền.  

Thầy sang nhà hàng xóm, xin cho bọn trẻ đi học, ai cũng mừng mừng tủi tủi, vì không ngờ nơi đất chật người đông này còn có những tấm lòng. Ban đầu lớp chỉ có 6 em nhỏ, dần dà nhiều lên. Và cho đến bây giờ thì hai con của thầy Hùng, vợ thầy cũng trở thành giáo viên “bất đắc dĩ”.

Thầy Hùng kể, cứ nghĩ biết chữ là dạy được trẻ con, nhưng mọi việc lại rắc rối hơn nhiều. Phải làm sao cho trẻ dễ nhớ, dễ thuộc, không chán nản mà nghỉ ngang là cả một vấn đề. Thế nên, sau buổi làm thuê, thầy Hùng thường ghé qua đường sách cũ Trần Nhân Tôn, quận 5 mua sách, mua giáo trình hướng dẫn dạy học về đọc thêm.

Bán đất mở lớp học

Cứ như thế, tin về lớp học miễn phí của thầy Hùng ngày càng lan xa, căn phòng trọ nhỏ không còn đủ sức chứa vài chục học trò nữa. Ông bàn với vợ về quê bán mảnh đất gia tiên để lấy tiền duy trì lớp học.

Thầy Hùng cười nói: “Vợ tui nghe vậy im re suốt đêm, rồi sáng sớm thu dọn để tui với bả về Bà Rịa. Tui tưởng bả giận không thèm nói chuyện, nào ngờ vợ tui tính như vầy, bán đất 1 phần để duy trì lớp học, phần còn lại làm ăn, tiền sanh tiền để còn đổ vào lớp học”.

Nói xong thầy cười buồn: “Mảnh đất đó, ông cha để lại không biết bao nhiêu đời, hai vợ chồng tính khi nào làm hết nổi thì về đó dưỡng già. Mà giờ bán mất tiêu, nhưng thôi, dạy học rất là vui”.

Thầy Hùng bán đất được 200 triệu, thuê một căn nhà rộng hơn ở đường Liên khu 5-11-12 khu phố 5, phường Bình Trị Đông. Thầy ngăn một góc làm chỗ ở, tất cả phần còn lại dành cho lớp học.

Lớp học ngày càng đông, có nhiều đứa trẻ lang thang ham chữ, đi bộ hàng mấy cây số tới xin học, rồi xin ngủ lại vì … mệt quá không đi về nổi. Thầy Hùng thương quá, nhận nuôi. Đến nay đã có gần chục đứa trẻ cơ nhỡ ở nhà thầy.

Thầy gom tiền mở quán cơm chay, giá 8.000/1 phần cho người lao động. Tiền lời đổ hết vào lớp học. Hai con thầy là Đoàn Nguyễn Bách Tùng (SN 1990) và Đoàn Nguyễn Thiên Ân (SN 2001) phụ cha chia đám trẻ thành 3 lớp để dạy.

Mỗi tinh sương, người ta lại thấy người thầy già cặm cụi chở vợ đi lấy rau ở chợ đầu mối về bán chợ nhà. Trời vừa hừng sáng thầy Hùng lại chạy ra chợ đi sửa cân dạo. Chiều về, thầy ăn vội cho qua bữa rồi đứng lớp. Lớp học vừa tan, thầy lại đội mũ lao động, đẩy xe đi bán đĩa nhạc dạo khắp phố phường…
nguoi thay
Đứng lớp xong, thầy Hùng lại đẩy xe đĩa nhạc đi bán dạo 
Sương gió, lẫn bụi phấn khiến tóc thầy bạc trắng. Thầy Hùng kể, nhiều lúc đi làm về chỉ muốn ngủ thôi, nhưng nhìn những đứa trẻ ngồi sẵn chờ thầy về lại thương không chịu nổi, lại đứng lớp, lại bớt giờ đi bán, bớt cả giờ ngủ, giờ ăn …
20.11, thầy Hùng cũng không nghỉ dạy. Hỏi thầy có được nhận quà không, thầy bỗng cười nắc nẻ: “Trời ơi, quà gì, tụi học trò tui nó nghèo xác xơ, tui cho tụi nó không hết thì thôi”. Trên bàn làm việc nhỏ của thầy Hùng, mấy bông hồng đỏ thắm ai đó cắm sẵn, lặng lẽ chúc mừng người thầy không danh phận.
>>Nỗi buồn của một người thầy trong ngày nhà giáo
>>Tâm sự của một cô giáo ngày 20.11: Giáo viên khổ lắm ai ơi...
>>Tâm sự của ông thầy thường cho học sinh ăn trứng ngỗng
>>Nghề giáo đã ôm trọn cuộc đời người phụ nữ tôi yêu thương nhất!

H. Bằng – Bá Nguyễn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người thầy không danh phận bán đất gia tiên mở lớp học tình thương