Thị trường không ổn định làm cho giá tôm nguyên liệu bấp bênh, khiến người nuôi tôm công nghiệp vùng ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn.

Người nuôi tôm gặp khó

Trần Khải | 20/10/2023, 10:45

Thị trường không ổn định làm cho giá tôm nguyên liệu bấp bênh, khiến người nuôi tôm công nghiệp vùng ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tháng nay, giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu xuống thấp làm người nuôi tôm lo lắng. Có thời điểm, giá tôm chạm đáy, tôm loại 100 con/kg được thương lái thu mua chỉ với giá khoảng 60.000 đồng/kg. Trái ngược với giá tôm nguyên liệu giảm, thì con giống, thuốc, thức ăn… phục vụ cho nuôi tôm lại tăng. Điều này khiến người nuôi tính đến chuyện “treo ao” để chờ thị trường khởi sắc.

Nói về giá tôm nguyên liệu, anh Nguyễn Thanh Tuấn, cán bộ khuyến nông khuyến ngư xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cho hay giá tôm hiện nay tuy có tăng nhưng vẫn còn thấp so với thời “hoàng kim”. Nguyên nhân tôm nguyên liệu giảm là tình hình thị trường không ổn định. “Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân nuôi tôm trên địa bàn xã đã thả giống được khoảng 20 ngày, để đón đầu vụ Tết Nguyên đán. Người nuôi tôm hy vọng vào một mùa vụ mới khởi sắc hơn”, anh Tuấn cho biết.

treo-ao.jpg
Giá tôm bấp bênh khiến người nuôi chưa vội cải tạo ao, thả nuôi mùa vụ mới

Ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới tại một cơ sở thu mua trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giá tôm thẻ nguyên liệu loại 20 con/kg được thương lái thu mua với giá 165.000 đồng; loại 25 con/kg là 144.000 đồng; loại 30 con/kg là 135.000 đồng; loại 40 con/kg là 116.000 đồng; loại 50 con/kg là 106.000 đồng. Trung bình, giá thu mua giảm từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.

Nhiều vụ nuôi bị thua lỗ khiến anh Lê Thanh Tiện, ngụ xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) chưa dám mạo hiểm để thả nuôi vụ mùa mới. Vụ nuôi vừa qua, anh Tiện thả nuôi 4 ao tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, dịch bệnh làm thiệt hại 3 ao, ao duy nhất còn lại anh Tiện thu hoạch đúng vào thời điểm giá tôm chạm đáy nên vụ này coi như lỗ.

Từ đầu vụ nuôi đến nay, anh Tiện đã đầu tư trên 500 triệu đồng vào 4 ao nuôi tôm công nghiệp, nhưng chỉ thu về chưa đến 200 triệu đồng. “Vụ năm nay xem như thất bại. Gần đây, giá tôm nguyên liệu có tăng lên đôi chút. Trong khi đó, giá thuốc, thức ăn và các chi phí khác không giảm nên người nuôi tôm không có lãi và nghĩ tới việc “treo ao” chờ tình hình phục hồi rồi tính tiếp”, anh Tiện nói.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Khải và nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp khác ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình cũng chẳng sáng sủa hơn. Họ đang “treo ao” và chưa một ai dám thả giống nuôi vụ mới. “Trong 10 người nuôi tôm công nghiệp đã có 3 - 4 người phải “treo ao”, số còn lại chỉ thả nuôi cầm chừng, không dám đầu tư. Giá tôm quá thấp nên người nuôi không dám mạo hiểm”, ông Khải cho biết.

Ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình thông tin, toàn huyện có hơn 19.500ha diện tích nuôi tôm. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh hơn 10.300ha; nuôi quảng canh cải tiến hơn 7.670ha; còn lại là nuôi tôm siêu thâm canh. Vụ năm nay người nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là nuôi tôm công nghiệp, do có chi phí đầu tư khá cao, trong khi giá tôm nguyên liệu sụt giảm khiến người nuôi vốn đã khó nay lại càng khó khăn hơn.

“Hiện nay giá tôm đang ở mức thấp nên đa số người nuôi tôm không có lãi. Trước tình hình giá tôm sụt giảm, nhiều hộ nuôi tôm không còn mặn mà với việc cải tạo ao đầm để thả nuôi vụ mới, dù hiện tại đang vào chính vụ. Nhiều hộ chọn giải pháp “treo ao” để chờ giá tôm phục hồi mới tiếp tục đầu tư sản xuất”, ông Xuyên cho biết thêm.

1(1).jpg
Theo đánh giá của ngành chức năng và người nuôi tôm, hiện giá tôm có tăng trở lại nhưng chưa cao, chưa thể có lãi cho người nuôi

Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá tôm nguyên liệu có chuyển biến, tuy không nhiều nhưng đây là tín hiệu tích cực để người nuôi có thêm động lực, tiếp tục cải tạo ao đầm để thả giống vụ mới. Hiện giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg được thu mua từ 180.000 - 210.000 đồng; loại 30 con/kg là 140.000 - 150.000 đồng; loại 40 con/kg là 110.000 - 120.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ nguyên liệu cũng khởi sắc, loại 30 - 40 con/kg được mua với giá 110.000 - 125.000 đồng; loại 50 - 70 con/kg là 90.000 - 105.000 đồng; loại 80 - 100 con/kg là 78.000 - 86.000 đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu khuyên người nuôi tôm cần nắm tình hình thị trường, cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thả giống nuôi vụ mới. Đồng thời, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. “Chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm nên thả nuôi với mật độ thưa, để biết nhà máy đặt hàng size tôm nào mà thực hiện theo. Hơn nữa doanh nghiệp cũng cần dự báo, công bố tình hình thị trường để người nuôi tôm nắm và có kế hoạch sản xuất phù hợp. Cùng với đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần chủ động liên kết người nuôi tôm lại với nhau, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để mua chung, bán chung và tìm thị trường tiêu thụ ổn định”, ông Xuân nói.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người nuôi tôm gặp khó