Chưa bao giờ giá tôm nguyên liệu lao dốc không phanh như hiện nay. Điều này, đã đẩy người nuôi rơi vào thế khó. Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giới chuyên môn đánh giá là người nuôi không có lãi, thậm chí là thua lỗ.

Người nuôi tôm công nghiệp lao đao vì giá

Trần Khải | 11/05/2023, 11:16

Chưa bao giờ giá tôm nguyên liệu lao dốc không phanh như hiện nay. Điều này, đã đẩy người nuôi rơi vào thế khó. Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giới chuyên môn đánh giá là người nuôi không có lãi, thậm chí là thua lỗ.

Gần đây, giá tôm nguyên liệu ở tỉnh Cà Mau đang lao dốc, điều này khiến cho người nuôi tôm công nghiệp cảm thấy bất an. Nhiều người cho rằng, để nuôi được con tôm lớn để bán đã rất khó khăn và tốn nhiều công sức, Nhưng nay, giá tôm xuống thấp khiến họ lâm vào tình cảnh khó khăn gấp bội, nếu giá tôm không được cải thiện, nguy cơ người nuôi sẽ “treo đầm” là có thể xảy ra.

tom-2(1).jpg
Người nuôi tôm công nghiệp đang gặp khó vì giá tôm nguyên liệu lao dốc

Bà Huỳnh Cẩm Ngân, người nuôi tôm công nghiệp, ngụ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn than rằng, giá tôm giờ rẻ bèo làm cho người nuôi không có lãi. Hôm rồi, người thân của bà Ngân xuất bán gần 30 tấn tôm nhưng giá thấp nên mất hơn 1,5 tỉ đồng so với thời điểm cách đây 3 tháng. “Giá tôm thẻ loại 25 con/kg hiện được thương lái thu mua với giá chỉ 170.000 đồng/kg. So với 3 tháng trước, thì loại tôm này có giá 240.000 đồng/kg. Như vậy, với mỗi ký tôm bán ra, người nuôi mất từ 70.000 – 80.000 đồng”, bà Ngân cho hay.

Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới, giá tôm thẻ nguyên liệu nuôi trong ao bạt hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau được thương lái thu mua với giá rất thấp. Cụ thể, loại 25 con/kg được mua với giá 170.000 đồng/kg; loại 30 con/kg được thu mua với giá dao động 125.000 – 127.000 đồng/kg; loại 40 con/kg được thu mua với giá hơn 100.000 đồng/kg. So với thời điểm trước, trung bình mối ký tôm nguyên liệu người nuôi mất từ hơn 25.000 – 30.000 đồng.

tom(1).jpg
So với cách đây 3 tháng, quân bình mỗi ký tôm người nuôi mất khoảng hơn 30.000 đồng

Nói về giá tôm, ông Tuấn, người nuôi tôm công nghiệp ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, lắc đầu: “Giá tôm hiện nay buồn lắm, với mức giá hiện tại người nuôi mất khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg. Tình trạng giá tôm sụt giảm kể từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão, đến nay là đã giảm sâu. Với mức giá như hiện nay, người nuôi thua lỗ hết”.

Ông Tuấn phân tích, nếu nuôi loại tôm 30 con/kg, tôm phát triển tốt, người nuôi phải bỏ ra khoảng thời gian từ 90 – 100 ngày. Trong khoảng thời gian này thì chi phí mà người nuôi phải bỏ ra là rất lớn. “Theo tôi biết, hiện tại có nhiều người đã dừng việc thả giống cho vụ mới do lo sợ tiếp tục bị thua lỗ. Nguyên nhân giá tôm thấp là do không có đầu ra, nên thương lái ngại thu mua, chứ nguồn nguyên liệu thì dồi dào. Tôi nuôi tôm nhiều năm nhưng chưa bao giờ rơi vào tình cảnh như bây giờ, khó quá. Do tôi đã xuống giống rồi nên đành phải cố bám theo, chứ cực lắm. Tôi cứ nghĩ giá cả sẽ bình ổn trở lại, nhưng giờ lại càng bi đát hơn”, ông Tuấn trăn trở.

tom-3.jpg
Tôm loại 30 con/kg hiện được mua với giá 125.000 - 127.000 đồng/kg

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Cán bộ khuyến nông, khuyến ngư phụ trách địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, đánh giá: “Giá tôm hiện nay đã sụt giảm mạnh, người nuôi khó mà có lãi. Nhưng để nuôi được con tôm loại tốt thì đâu phải chuyện dễ. Trên địa bàn xã Tân Ân hiện nay có 26 hộ nuôi tôm công nghiệp (có 5 doanh nghiệp) với tổng diện tích hơn 110ha (trong đó diện tích ao nuôi hơn 23ha). Tình trạng giá tôm lao dốc xảy ra từ trước dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua. Việc giá tôm xuống thấp có thể kéo dài đến hết tháng 5 này. Việc giá tôm như hiện nay thì người nuôi sẽ chậm việc thả vụ mới, khi đó nguồn nguyên liệu sẽ khan hiếm thì hiển nhiên giá cả sẽ được cải thiện”.

Tại TP.Bạc Liêu, hay các huyện Đông Hải, Hòa Bình, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu), nơi tập trung hàng chục công ty và trên 600 hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, với tổng diện tích trên 1.860ha. Hiện người nuôi và doanh nghiệp phải than thở vì giá tôm nguyên liệu liên tiếp lao dốc.

Hiện tại, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái thu mua tại ao với giá 80.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 2.2023. Trong khi đó tôm thẻ loại 30 con/kg chỉ có giá 130.000 đồng/kg, giảm hơn 50.000 đồng/kg so với 2 tháng trước. Với giá tôm như hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ nặng.

tom-1.jpg
Giá tôm lao dốc khiến người nuôi cân nhắc việc thả giống vụ mới

Ông Long Văn Nghĩa, xã Vĩnh Hậu, huyện Hoà Bình, cho biết: “Hiện nay chi phí sản xuất đội lên rất nhiều, giá điện, chi phí vận chuyển... tất cả các thứ liên quan đến con tôm đều tăng. Song, giá tôm lại quá thấp. Giá tôm phải tăng lên thì người nuôi mới mong có lãi chút ít hoặc hòa vốn, tôm chậm lớn sẽ thua lỗ nặng”.

Tương tự, ông Cao Chí Bảo, chủ một hộ nuôi tôm thẻ công nghệ cao ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, chia sẻ: “Chi phí nuôi tôm đều tăng gấp đôi so với những vụ nuôi trước, trong khi đó giá tôm lại giảm, người nuôi tôm lao đao”.

Theo các hộ nuôi tôm, với giá tôm như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí như con giống, thức ăn, thuốc xử lý môi trường ao nuôi... thì lợi nhuận gần như không có. Giá tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh làm ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì sản xuất.

Không chỉ rớt giá, tôm nguyên liệu loại từ 40 - 70 con/kg cũng rất khó tìm đầu ra, do vậy các thương lái đang “tạm ngừng thu mua” và giá bán cũng rất thấp. Điều này khiến nhiều hộ nuôi tôm cảm thấy ngao ngán.

tom..jpg
Giá tôm thẻ nguyên liệu được cho là sụt giảm mạnh nhất từ trước đến nay

Ông Tô Minh Đương, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang khó khăn, lượng tôm sản phẩm làm ra nhiều nhưng đơn hàng bị sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải lưu kho dẫn đến giá tôm bị sụt giảm.

Ông Đương cho rằng, doanh nghiệp, nhà sản xuất cần phải tính toán kỹ trong đầu tư về công nghệ, quan trọng là đảm bảo chất lượng con tôm để sản phẩm làm ra đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu từ các thị trường khó tính. Tuyệt đối chấp hành các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, không bơm tạp chất vào tôm mới có thể cạnh tranh được con tôm của các thị trường khác.

Để giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất, các doanh nghiệp chế biến thủy sản, ngành chức năng các địa phương đã đưa ra khuyến cáo người nuôi tuân thủ các quy định, lịch thời vụ để thả tôm nuôi, không sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu sạch, cần ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, không bơm chích tạp chất... nhằm giữ ổn định sản xuất, khi đó xuất khẩu mới đảm bảo tính bền vững.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người nuôi tôm công nghiệp lao đao vì giá