Bà Zhu Genghui dù đã U70 nhưng tham gia mua sắm trực tuyến thành thạo, hăng không thua kém gì bọn trẻ.

Người lớn tuổi Trung Quốc tự lên mạng mua sắm

Cẩm Bình | 27/10/2021, 10:00

Bà Zhu Genghui dù đã U70 nhưng tham gia mua sắm trực tuyến thành thạo, hăng không thua kém gì bọn trẻ.

Bận rộn với việc chăm cháu và nhảy tập thể tại công viên, người phụ nữ 67 tuổi này vẫn dành ra trung bình 3 tiếng mỗi ngày lướt điện thoại tìm kiếm quần áo, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng.

Bà nhận xét: “Chất lượng tốt hơn hầu hết sản phẩm tôi mua ở siêu thị, mua sắm dễ dàng hơn, đặc biệt lại có ưu đãi”. Zhu còn chia sẻ đường dẫn liên kết của món hàng mình mua cho nhóm bạn trên Wechat nơi họ thảo luận và giới thiệu sản phẩm cho nhau.

“Thật thú vị khi tìm thấy mặt hàng mới. Nó mang lại cho tôi điều gì đó để mong đợi mỗi ngày”, bà Zhu chia sẻ.

Bà Zhu đại diện cho đối tượng người dùng internet lớn tuổi tại Trung Quốc chuyển sang mua sắm trực tuyến năm qua, do đại dịch COVID-19 cũng như loạt chính sách thúc đẩy từ cả chính phủ lẫn các công ty công nghệ.

Báo cáo công bố tuần trước của nền tảng thương mại điện tử JD.com xác định xu thế đã thay đổi, không còn là người trẻ tuổi chịu trách nhiệm mua hàng cho người thân lớn tuổi như trước năm 2020. Người về hưu sống ở thành phố lớn với thời gian và tiền bạc dư dả nằm trong nhóm mua sắm nhiều nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hơn một nửa số hàng hóa dành cho khách hàng lớn tuổi do chính họ tự mua.

Trải qua 3 quý của năm 2021, sức mua ở nhóm dân số lớn tuổi tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào sản phẩm giải trí như đồ làm vườn hay chuyến du lịch trọn gói.

ngchina.jpg
Người lớn tuổi là đối tượng khách hàng rất có tiềm năng của các nền tảng thương mại điện tử - Ảnh: SCMP

Kết quả điều tra dân số công bố tháng 5 cho biết hiện có hơn 264 triệu người Trung Quốc (tương đương 18,7% dân số) từ 60 tuổi trở lên. Ước tính con số này sẽ tăng 10 triệu người/năm trong giai đoạn 2021-2025, vì vậy hàng hóa cùng dịch vụ cho người lớn tuổi rất có tiềm năng phát triển.

Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc (CINIC) cho biết người trên 60 tuổi chiếm phần lớn trong số người dùng internet tăng thêm năm qua, với hơn 123,3 triệu người dùng internet lớn tuổi tính đến tháng 6, tăng so với khoảng 60,6 triệu tính đến tháng 3 năm ngoái.

Nhà kinh tế Doris Fung thuộc Cục Phát triển thương mại Hồng Kông - chuyên gia nghiên cứu người tiêu dùng lớn tuổi ở Trung Quốc - cho biết nhóm khách hàng lớn tuổi quả thực đã kết nối với xã hội nhiều hơn và bắt đầu chuyển từ trải nghiệm mua sắm trực tiếp sang trực tuyến, đặc biệt kể từ sau khi đại dịch bùng phát.

“Người lớn tuổi mua hàng trực tuyến vì muốn cảm thấy trẻ trung và thử điều mới mẻ”, theo nhà kinh tế Fung. Nhưng để thực sự khai thác được thị trường này thì các nhà bán hàng cần đơn giản hóa thiết kế ứng dụng hoặc trang web hoặc cung cấp hướng dẫn sử dụng dễ hiểu.

Quan chức Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Trung Quốc Liu Zengrui đồng tình với quan điểm trên: “Phía doanh nghiệp nên bỏ cái nhìn lạc hậu về người cao tuổi, xây dựng nên chân dung chính xác hơn của nhóm khách tiêu dùng này”.

Giới hoạch định chính sách Trung Quốc cũng bắt tay thực hiện một số biện pháp giúp người cao tuổi dễ tiếp cận các trang web cùng ứng dụng mua sắm. Tháng 4 vừa qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin ban hành hướng dẫn yêu cầu sửa đổi tính năng trang web cùng ứng dụng theo hướng thân thiện với người cao tuổi, chẳng hạn như chỉnh cỡ chữ lớn hơn hay bỏ quảng cáo gây hiểu lầm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người lớn tuổi Trung Quốc tự lên mạng mua sắm