Theo nhận định của một nghị sĩ Nga, tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga ngày 16.7 tới tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, Tổng thống Vladimir Putin giàu kinh nghiệm chính trị và nổi tiếng liều lĩnh sẽ thắng chính khách ‘tay mơ” Donald Trump.

‘Người liều lĩnh’ Putin sẽ thắng chính khách ‘tay mơ’ Trump?

15/07/2018, 13:18

Theo nhận định của một nghị sĩ Nga, tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga ngày 16.7 tới tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, Tổng thống Vladimir Putin giàu kinh nghiệm chính trị và nổi tiếng liều lĩnh sẽ thắng chính khách ‘tay mơ” Donald Trump.

Tổng thống Nga-Mỹ nói chuyện ở Đà Nẵng tháng 11. 2017 - Ảnh AP

Yahoo News đưa tin ngày 16.7 tới, ông Trump sẽ đối mặt với cựu điệp viên KGB Putin nổi tiếng là một chính khách liều lĩnh, từng gọi việc Liên Xô sụp đổ năm 1991 là “thảm họa địa-chính trị lớn nhất của thế kỷ 20” và chính thức xác định NATO do Mỹ dẫn đầu là mối đe dọa cho an ninh quốc gia Nga.

“Ông Putin sẽ thuyết giảng cấp sư phụ cho chính khách học việc”

Theo dòng thời gian, ông Putin đã chứng tỏ tài năng phát hiện các yếu điểm chiến lược của đối phương, và tận dụng nó cùng sức mạnh quân sự Nga để lập “vòm ảnh hưởng” với các nước láng giềng của Nga.

Tại Nga có nhiều kỳ vọng ông Putin với hơn 18 năm kinh nghiệm sẽ chiếm ưu thế trước ông Trump, vị tỉ phú chưa hề làm chính trị cho đến khi nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20.1.2017.

Nhà văn chính trị Vitaly Tretyakov mô tả ông Trump như một “người học việc” trong giới chính trị, trong khi nghị sĩ Sergei Mironov nói ông Putin sẽ hoàn toàn trên cơ ông Trump tại Helsinki: “Tổng thống Vladimir Putin sẽ giảng bài cỡ sư phụ cho chính khách không kinh nghiệm Donald Trump”.

Tổng thống Trump đến Helsinki sau khi gây sự với các đồng minh ở hai hội nghị thượng đỉnh G-7 và NATO, trong khi ông lại hết lời ca ngợi ông Putin, gợi ý G-7 đưa Nga trở lại khối này.

Trước chuyến đi, ông Putin lại chối vụ điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và nhóm tranh cử của ông tiếp xúc với các quan chức Nga là “trò săn phù thủy”.

Thứ sáu 13.7 cứ như là ngày ông Trump bị “ám”, khi Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein buộc tội 12 điệp viên tình báo quân đội Nga (GRU) tấn công tin tặc vào máy chủ điện toán của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) để can thiệp cuộc bầu cử 2016.

“Nếu tôi là Putin, tôi sẽ khui chai vodka mừng chiến thắng”

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen nói với Yahoo News: “Nếu tôi còn là Bộ trưởng, tôi sẽ đề nghị Tổng thống Trump không tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, vì ông Putin đang tranh thủ nó để khẳng định ông là một thế lực cấp toàn cầu”, như lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã tranh thủ từ cuộc gặp ông Trump ở Singapore ngày 12.6.

Ông Cohen còn nói ông Trump sẽ nhượng bộ ông Putin, như đã nhượng bộ ông Kim, trong khi lại không giải quyết những vấn đề nghiêm trọng giữa Mỹ-Nga.

Ở Singapore, sau khi ông Kim hứa sẽ tiến đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ông Trump gây bất ngờ cho Hàn Quốc và Lầu Năm Góc khi tự tuyên bố ngưng cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn “vì tốn tiền và khiêu khích”.

Ông Cohen nhắc ở hội nghị G-7, có tin ông Trump thừa nhận Crimea là của Nga, vì mọi người ở đó nói tiếng Nga: “Nếu Tổng thống có nói thế, các nước vùng biển Baltic và các quốc gia trung lập ở khu vực cũng có các cộng đồng nói tiếng Nga sẽ phải rùng mình. Nên nếu tôi là Putin, tôi sẽ khui chai vodka để mừng thắng lợi”.

Cựu tướng Bộ binh Mỹ Barry McCaffrey nói: “Nếu Tổng thống Trump nói gì đó mà ông Putin hiểu là Mỹ không muốn cam kết bảo vệ các đồng minh vùng Baltic hoặc Đông Âu, thì có nguy cơ sự hung hăng của Nga sẽ tăng đáng kể. Và Putin nổi tiếng là người dám làm những việc liều lĩnh”.

Trang Yahoo News nhắc cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng nhìn vào mắt ông Putin, nói ông “cảm nhận được tâm hồn của một trượng phu thẳng thắn và đáng tin cậy”.

Nhưng năm 2008, khi chính quyền Bush bận rộn ở Iraq, ông Putin cho quân Nga đánh Gruzia, nhằm cản nước này gia nhập NATO.

Và sau khi ông Barack Obama quyết “tái khởi động” quan hệ Mỹ-Nga, ông Putin lại sáp nhập Crimea năm 2014, cũng để chặn Ukraine lọt vào tầm ảnh hưởng kinh tế của EU.

Dĩ nhiên ông Trump có thể tuyên bố: xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân là điều nên làm, dù vẫn cần phải bàn những vấn đề nghiêm trọng: phương Tây vẫn còn “ghim gút” chuyện Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ quân ly khai ở đông Ukraine năm 2014, cũng như Nga ủng hộ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nga còn bị cáo buộc vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và chính trị châu Âu, cung cấp vũ khí cho quân ly khai bắn hạ một máy bay dân dụng trên không phận Ukraine năm 2014, và toan dùng chất độc quân dụng Novichok để giết cựu đại tá tình báo Nga phản quốc Sergei Skripal cùng con gái Yulia của ông này hồi tháng 3.2018.

Moscow đã phủ nhận tất cả các cáo buộc này.

Chủ nhân Nhà Trắng nóng lòng gặp Tổng thống Putin

Theo Reuters, từ lâu Điện Kremlin muốn thu xếp một cuộc gặp thượng đỉnh, đánh cược rằng hai nhà lãnh đạo sẽ có quan hệ tốt đẹp và chặn được sự suy thoái quan hệ song phương.

Cố vấn chính sách ngoại giao của ông Putin, Yury Ushakov cho biết hai lãnh đạo sẽ hội đàm trong vài giờ và đưa ra tuyên bố chung về tăng cường mối quan hệ Moscow - Washington, cũng như các vấn đề an ninh quốc tế.

Tổng thống Putin nói Nga không tìm kiếm sự đối đầu với Mỹ và kỳ vọng cuộc gặp sẽ hướng đến khôi phục mối quan hệ toàn diện.

Trong khi đó, Tổng thống Trump cho biết sẽ thảo luận nhiều vấn đề với ông Putin, trong đó có tình hình Syria và Ukraine, và ông sẽ nêu ra vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.

Ông Trump cũng khẳng định "nóng lòng chờ đợi cuộc gặp này", và nói thêm: “Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải kẻ thù của tôi, cũng không phải bạn, tôi không biết ông ấy. Đó là một đối thủ cạnh tranh. Ông ấy đại diện cho nước Nga còn tôi đại diện cho nước Mỹ. Có thể một ngày nào đó ông ấy sẽ trở thành bạn tôi. Đó là một cuộc gặp thoải mái và chúng ta sẽ xem nó diễn ra thế nào. Lịch trình không quá chặt chẽ và tôi không tin rằng cuộc gặp sẽ tốn nhiều thời gian. Chúng ta sẽ xem cuộc gặp dẫn đến đâu và nó cũng có thể đưa đến những kết quả tích cực, rất tích cực, mà cũng có khi là không".

Khi được hỏi rằng liệu Mỹ có thừa nhận Crimea là một phần của Nga hay không, Tổng thống Trump trả lời: “Chúng ta sẽ phải xem xét”. Ông cũng đưa ra lời đáp tương tự với câu hỏi về khả năng gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.

Điện Kremlin cũng đã đưa ra nội dung mà lãnh đạo Nga-Mỹ sẽ bàn bạc. Theo người phát ngôn Dmitri Peskov: “Chắc chắn tình hình Syria sẽ được thảo luận kỹ lưỡng. Một cuộc thảo luận thông suốt, đầy đủ nhiều nội dung sắp diễn ra”.

Ông cho biết: “Nếu Tổng thống Mỹ đề cập chuyện can thiệp bầu cử, thì Tổng thống Nga sẽ lại khẳng định rằng chúng tôi không thể và cũng không có động cơ làm chuyện này”.

Ông Peskov nhấn mạnh Tổng thống Putin sẵn sàng thúc đẩy bình thường hóa quan hệ song phương với Mỹ, nếu Washington sẵn lòng làm vậy.

Quyết định tổ chức thượng đỉnh tại Helsinki vào tháng 7 của Tổng thống Trump đã nhận phải không ít chỉ trích từ đảng Dân chủ. Họ xem cuộc gặp là “quà tặng” cho phía Nga, và lo ngại ông Trump sẽ nhượng bộ nhiều điều.

Vĩnh Thụy (theo Yahoo News, Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Người liều lĩnh’ Putin sẽ thắng chính khách ‘tay mơ’ Trump?