Giờ qua Hồ Tây, qua cái chòi ngắm sóng nơi ở của nhà thơ Phùng Quán nay đã biến mất nhường chỗ cho những kiến trúc tân kỳ nhôm kính sáng loáng. Lại chút bâng khuâng một thuở với nhà thơ Phùng Quán. Ông như thứ biên niên sinh sắc khó có được ở thời buổi này.

Người khơi mào khui vụ tham nhũng Trần Dụ Châu

báo Tiền Phong | 19/05/2016, 11:10

Giờ qua Hồ Tây, qua cái chòi ngắm sóng nơi ở của nhà thơ Phùng Quán nay đã biến mất nhường chỗ cho những kiến trúc tân kỳ nhôm kính sáng loáng. Lại chút bâng khuâng một thuở với nhà thơ Phùng Quán. Ông như thứ biên niên sinh sắc khó có được ở thời buổi này.

Tôi không được gặp được biết nhà thơ Đoàn Phú Tứ (ảnh). Nhưng may đã có Phùng Quán.

...Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh...

Màu thời giantừng được ít nhất là 2 nhạc sĩ danh giá phổ nhạc: Nguyễn Xuân Khoát (phổ năm 1942) Phạm Duy (phổ năm 1971).

Nhưng Đoàn Phú Tứ không chỉ để lại cho hậu thếMàu thời gian.

Ông là ĐBQH khóa I. 70 năm trước, Nam Định có 2 đơn vị bầu cử, tỉnh Nam Định và thành phố Nam Định. Thành phố Nam Định có 2 ĐBQH là cụ Nguyễn Văn Tố và Trần Huy Liệu. Nhưng tỉnh Nam Định có tới 15 ĐBQH trúng cử. Bên cạnh Nguyễn Tấn Gi Trọng, Nguyễn Văn Trân… có nhà thơ Đoàn Phú Tứ lúc này đã nổi danh trong thi đànXuân Thu nhã tậpvớiMàu thời gian.

Trở lại câu chuyện của Phùng Quán khi kể về Đoàn Phú Tứ bao giờ ông cũng có chất giọng hào sảng lẫn ngậm ngùi. Nhà thơ Phùng Quán quen Đoàn Phú Tứ đã lâu. Thường lui tới bãi An Dương nơi Đoàn Phú Tứ sống chật vật khó khăn.

Cái đoạn khi thi sĩ Đoàn Phú Tứ mất. Nhà bần bách không có thứ gì bán ra đồng tiền. Thi sĩ Phùng Quán chợt nhớ ra Đoàn Phú Tứ là ĐBQH khóa I.

Phùng Quán thức suốt đêm nghĩ ngợi rồi quyết định viết một lá đơn.

Kính thưa đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội…

Kính thưa đồng chí, tôi xin báo với đồng chí một tin buồn, ông Đoàn Phú Tứ nhà thơ, nhà viết kịch, nhà dịch thuật và đồng thời là ĐBQH khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) thọ 80 tuổi đã từ trần ngày hôm qua. Họa đơn vô chí, vợ ông là bà Nguyễn Thị Khiêm vừa mất cách đây hai tháng…

Tiếp đó nhà thơ Phùng Quán liệt kê nhiều chi tiết về đời sống khốn khó của nguyên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Phú Tứ và phần kết lá đơn có đoạn.

Nếu QH còn nhớ đến tình cũ nghĩa xưa thì xin ông một cỗ áo quan và chút tiền để mai táng. Mong đồng chí lưu tâm giải quyết. Hai giờ chiều mai (20/9/1989) gia đình sẽ đưa ông Đoàn Phú Tứ xuống nghĩa trang Văn Điển. Nay kính thư. Phùng Quán.

Bức thư được Phùng Quán đưa tận 53 Ngô Quyền trụ sở Quốc hội khi ấy. Rồi không biết nghĩ ngợi thế nào, ông cũng không quên đem theo cuốnTuổi thơ dữ dộimới xuất bản khi đó tặng ông Chủ tịch Quốc hội.

Người thường trực cơ quan tỏ vẻ ngạc nhiên ngó Phùng Quán bề ngoài như một ông già nhà quê cũ kỹ: Cụ ơi Chủ tịch Lê Quang Đạo với ông Vũ Mão bận đi công tác Hải Phòng rồi!…

Thất vọng lắm nhưng Phùng Quán cũng đưa bộ sách ra nhờ chuyển giúp… Bất đồ, người thường trực già sau khi coi tờ bìa cuốn sách đã bật kêuPhùng Quán a? Răng độ ni già gớm rứa…Thì ra là người bạn cùng đơn vị bộ đội cũ… Trò chuyện một hồi, ông bạn mách cho Phùng Quán người cần gặp.

May mắn người đó là Tổng biên tập tờNgười đại biểu nhân dân.Ông biết thi sĩ Phùng Quán. Lát sau ông gọi thêm đồng chí Vụ trưởng Tài chính, Vụ Chính sách…

Bức thư gửi Chủ tịch Lê Quang Đạo được đọc to cho mọi người nghe.

Ông Vụ trưởng Chính sách hăng háiphải tra xem cái ông Đoàn Phú Tứ này có phải là ĐBQH Khóa I không…

Cuốn kỷ yếu Quốc hội được mang ra. Tra tới tra lui. Không có tên Đoàn Phú Tứ nào cả. Phùng Quán lạnh toát người. May mà kỷ yếu có phần phụ lục danh sách những đại biểu nghỉ nửa chừng. May quá Đoàn Phú Tứ đây rồi…

Ông Vụ Chính sách trầm ngâm đại ý, đúng là có. Nhưng ông Đoàn Phú Tứ đã nghỉ đại biểu từ năm 1951 nên Quốc hội không còn trách nhiệm gì về ông nên không thể cấp tiền mai táng được…

Vốn tính nhu mì nhưng không hiểu sao khi ấy Phùng Quán mặt đỏ gay. Tức giận bực bội, thất vọng có cả. Nhưng không to tiếng, mà chỉ hơi cao giọng khi sang sảng dẫn ra câu chuyện của ĐBQH kiêm thi sĩ Đoàn Phú Tứ. Chuyện cụ Tứ đã rất kiên cường dũng cảm vạch ra tội tham nhũng của đại tá Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu bằng lá đơn gửi lên Hồ Chủ tịch…

Câu chuyện về đám cưới xa hoa quá mức của đại tá Cục trưởng Trần Dụ Châu tổ chức cho thuộc hạ qua cung cách miêu tả sinh động của Phùng Quán hôm đó tại Văn phòng nhà Quốc hội 53 Ngô Quyền cuốn hút nhiều người nghe. Một số người đã biết loáng thoáng nhưng khi ấy mới được tường tận.

Mùa đông năm 1950, Đoàn Phú Tứ ở chiến khu Việt Bắc. Ông có chân trong tòa soạn tạp chíVăn nghệ, trong Ban chấp hành Đoàn Sân khấu Việt Nam.

Là nhà thơ, ông còn là ĐBQH khóa I. Ông cùng với một đoàn nhà văn đi thăm và úy lạo các đơn vị bộ đội vừa đánh giặc trở về. Tận mắt chứng kiến các chiến sĩ bị thương thiếu thuốc men, bông băng, và hầu hết chiến sĩ đều rách rưới, “võ vàng đói khát”, “chỉ còn mắt với răng”, mà mùa đông năm đó tiết trời chiến khu lạnh tới mức nước đóng băng… Ông trở về cơ quan chân ướt chân ráo thì nhận được thiệp mời của Trần Dụ Châu, đến dự lễ cưới ông ta đứng ra tổ chức cho cán bộ cấp dưới đặc biệt thân cận, phụ trách công tác vật tư, tên là Lê Sĩ Cửu.

Trần Dụ Châu? “Màn Trần Dụ Châu”, vì mỗi cái màn bị ăn cắp mất hai tấc vải, nên hễ ngồi lên là đầu đụng trần màn; “Áo mền trấn thủ Trần Dụ Châu” vì mỗi cái mền bị rút bông lót trong áo, trong mền và thay vào bằng bao tải… Hình ảnh chuyến thực tế úy lạo như đang váng vất, hiển hiện…

Đoàn Phú Tứ bước vào phòng cưới, cái hội trường dựng bằng tre nứa, lợp lá gồi, sáng trưng những dãy bạch lạp to bằng cổ tay. Trên những dãy bàn dài tít tắp, xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, nấm hương, giò chả, thịt bê thui, rượu tây, cốc thuỷ tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Ban nhạc sống của nhạc sĩ Canh Thân được mời từ khu 3 lên tấu nhạc réo rắt…

Trần Dụ Châu mặc quân phục đại tá choáng lộn, cưỡi ngựa đến dự cưới, theo sau là một vệ sĩ cao lớn, súng “côn bạt” đeo xệ bên hông. Tân khách ngồi chật kín hội trường. Rượu vang đỏ rót đầy các cốc. Vị chủ hôn Trần Dụ Châu oai phong, đỏ đắn, đầy quyền uy bước ra tuyên bố làm lễ thành hôn cho đôi vợ chồng mà hắn đỡ đầu, và trịnh trọng mời tân khách nâng cốc… trong tiếng nhạc xập xình. Nhìn thấy Đoàn Phú Tứ ngồi ở bàn đầu, ông ta liền tươi cười giới thiệu: “Đám cưới hôm nay có một vị khách đặc biệt là ông Đoàn Phú Tứ, nhà thơ cự phách của nhómXuân Thu nhã tập. Xin mời nhà thơ nổi tiếng lên đọc một bài thơ mừng cô dâu chú rể và quý vị tân khách”.

Đoàn Phú Tứ đứng lên, mắt đăm đăm nhìn cốc rượu vang đỏ như máu đầy tràn trước mắt… Ông bỗng thấy giận run, ngẩng lên, nhìn thẳng vào mặt Trần Dụ Châu, nói lớn, nhấn mạnh từng từ một cho tất cả những người dự tiệc cưới đều nghe thấy: “Tôi xin đọc tặng vị chủ hôn, cô dâu chú rể và tất cả các vị có mặt hôm nay, một câu thơ hay nhất mà tôi vừa chợt nghĩ ra”… Khắp các bàn tiệc dậy lên tiếng xì xào tán thưởng: “Hoan hôXuân Thu nhã tập! Hoan hô thi sĩ Đoàn Phú Tứ!” Chờ cho tiếng xì xào im hẳn, nhà thơ nói tiếp: Câu thơ đó như sau: “Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của chiến sĩ! - “Láo”, Trần Dụ Châu mặt vụt tái nhợt quát to. Tiếp liền theo đó là vệ sĩ của ông ta xông tới tát bốp vào mặt nhà thơ. Nhà thơ lặng lẽ rút khăn tay lau mặt, ném khăn xuống đất, rồi nhổ vào cốc rượu đỏ như máu đầy tràn trước mặt đĩnh đạc bước ra khỏi phòng cưới.

Người khơi mào khui vụ tham nhũng Trần Dụ Châu - ảnh 1

Bút tích Màu thời gian.

Ngay đêm hôm đó, nhà thơ, ĐBQH Đoàn Phú Tứ viết một bức thư dài gửi lên Hồ Chủ tịch, trình bày toàn bộ sự việc.

Một tuần sau, Tòa án quân sự được thiết lập cũng tại khu vực hội trường đó. Trần Dụ Châu bị điệu ra trước vành móng ngựa, cúi đầu nhận hết mọi tội lỗi, và lãnh án tử hình vì tội tham nhũng. Hồ Chủ tịch đã tự tay ký vào bản án tử hình.

Còn chú rể Lê Sĩ Cửu thì đã tự sát trong nhà tạm giam để khỏi phải phơi mặt trước vành móng ngựa.

… Thời điểm đó có lẽ còn nhiều điều chưa thông thoáng đổi mới, nguyên tắc là nguyên tắc nên thi sĩ Phùng Quán đã trở về tay không. Không xin được áo quan lẫn tiền mai táng cho nhà thơ Đoàn Phú Tứ. Tôi nhớ mồn một là nhà thơ Phùng Quán khi kể cứ nói đi nói lại là gia đình nhà thơ Đoàn Phú Tứ không hề nhờ Phùng Quán làm việc đó mà ông tự nguyện, bởi thấy hoàn cảnh ông bạn già của mình quá khó khăn may ra giúp được gì chăng? Nhưng có lẽ điều nhà thơ Phùng Quán tạm được an ủi là trong tang lễ của nhà thơ Đoàn Phú Tứ có vòng hoa lớn của Văn phòng Quốc hội đưa đến khu nghèo An Dương với dòng chữKính viếng nhà thơ nổi tiếng Đoàn Phú Tứ - Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

… Sau này lục lại tài liệu thì tìm thấy những dòng Bác Hồ (Biên bản họp Hội đồng Chính phủ tháng 11/1950) nói về vụ Trần Dụ Châu thế này:

Chúng ta sinh ra trong một xã hội phong kiến và thực dân, một xã hội ham danh ham lợi. Danh lợi dễ làm hư người. Danh lợi là tập quán. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách biện pháp cải tạo cán bộ đấy là khuyết điểm.Hình như lần ấy, tôi có gạ Phùng Quán lý do nhà thơ kiêm ĐBQH tại sao nghỉ chức danh ĐBQH giữa chừng (năm 1951) như thế nào? Nhà thơ cười lấp lửngmềng (mình) cũng chả biết nữa…

Nhà thơ Phùng Quán mất đã lâu. Băn khoăn vì sao Đoàn Phú Tứ nghỉ ĐBQH giữa chừng vẫn để ngỏ. Nhưng mãi rồi tôi mới ngộ ra cái lấp lửng ngày ấy của thi sĩ. Rằng, băn khoăn thắc mắc mà chi khi thi sĩ họ Đoàn đã để lại thông điệp Màu thời gian cho hậu thế? Và nữa, không phải ngẫu nhiên mà Đoàn Phú Tứ khi thời gian sau này từng nhọc nhằn khi chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt với bút danh Tuấn Đô cho những Lão hà tiện. Trưởng giả học làm sang của Molière, Đỏ và đen Stendhal, Tuyển tập kịchcủa Alfred de Musset và Hài kịch Shakespeare v.v..

Theo Xuân Ba/Tiền Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người khơi mào khui vụ tham nhũng Trần Dụ Châu