Sau một thời gian rèn luyện, khó nhọc phấn đấu chứng tỏ khả năng lãnh đạo ở nông thôn Trung Quốc, ông Trần Mẫn Nhĩ đang được đánh giá là người có thể được kế thừa vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Người được cho là sẽ kế nhiệm ông Tập Cận Bình phấn đấu ở tỉnh nghèo

Trần Trí | 14/09/2017, 11:33

Sau một thời gian rèn luyện, khó nhọc phấn đấu chứng tỏ khả năng lãnh đạo ở nông thôn Trung Quốc, ông Trần Mẫn Nhĩ đang được đánh giá là người có thể được kế thừa vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo báo New York Times (NYT) ngày 12.9, Quý Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, nhưng những ngôi làng mà người nông dân trồng lúa, chăn trâu và sống trong nhà tranh vách đất từ lâu đã là địa bàn chứng tỏ khả năng của những ngôi sao nổi lên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).

Rèn luyện khả năng lãnh đạo đất nước ở vùng nghèo

Tờ báo Mỹ nhắc cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng từng là lãnh đạo tỉnh vùng sâu vùng xa này. Và nay, CPC đang chuẩn bị đưa ông Trần Mẫn Nhĩ, một cựu lãnh đạo khác của Quý Châu, vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của CPC, giúp ông Trần trở thành một ứng cử viên tiềm năng kế thừa vị trí lãnh đạo cao nhất của ông Tập Cận Bình.

Theo NYT, khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 19 của CPC (khai mạc ngày 18.10 tới), chắc chắn ông Trần, 56 tuổi, hiện là Bí thư thành ủy Trùng Khánh, sẽ được cơ cấu trở thành 1 trong 25 ủy viên Bộ Chính trị.

Đại hội Đảng của CPC tổ chức 5 năm một lần, năm nay dự kiến sẽ tiếp tục tín nhiệm ông Tập làm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước thêm 5 năm. Theo Tân Hoa Xã, ngoài ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn trụ lại cho đến hết nhiệm kỳ 2 vào năm 2022, còn 5 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay sẽ nghỉ hưu.

Ông Trần hiện là một trong 205 ủy viên Ban chấp hành trung ương CPC. Nhiều lãnh đạo Trung Quốc trong độ tuổi 50 thường được cất nhắc, và các nhà phân tích đang chờ xem ai sẽ là người thừa nhiệm ông Tập trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Điều này phù hợp với truyền thống giới thiệu ứng viên của CPC, nhưng người trong cuộc cho rằng ông Tập sẽ chưa vội chọn người kế nhiệm, tạo nên một cuộc thi đua làm lãnh đạo trước khi ông Tập quyết định ai là người chiến thắng.

Christopher K.Johnson, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc ởTrung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) nói:“Ông Trần tiến quá nhanhvà tôi nghĩ sẽ có ngày ông ấy là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra ngay bây giờ, nhưng ông Tập có thể đẩy ông Trần lên như một tuyên bố về vai trò lãnh đạo cao nhất của ông ấy”.

Ngày 15.7, ông Trần đã được chọn làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh, thay ông Tôn Chánh Tài, đồng thời ông Trần thôi chức Bí thư tỉnh ủy Quý Châu.

Ông Trần nhiệt tình thực hiện chủ trương của ông Tập

Ông Trần người tỉnh Chiết Gianggiàu có ở phía đông Trung Quốc. Ông từng là sinh viên khoa văn và từng là cán bộ tuyên giáo. Ông lãnh đạo cơ quan tuyên giáo khi ông Tập là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2002 đến 2007. Ở vai trò này, ông Trần thường cho đăng các bài viết của ông Tập trên báo tỉnh. Đã có hơn 200 bài xã luận được in thành sách, được xem là cội nguồntư tưởng chính trị của ông Tập.

Ông Trần được đánh giá là người rất trung thành với ông Tập. Năm 2013, ngay sau khi ông Tập kiêm chức Chủ tịch nước, ông Trần được bổ nhiệm làm Chủ tịch tỉnh Quý Châu, rồi làm Bí thư tỉnh ủy Quý Châu từ năm 2015.

Theo NYT, hai năm làm bí thư một tỉnh nghèo 36 triệu dân là điều quan trọng cho triển vọng thăng tiến của ông Trần. Tương lai của 590 triệu dân nông thôn bỏ quê lên tỉnh tìm việc làm đang gây sức ép ngày càng lớn lên chính phủ Trung Quốc, và thời gian ông Trần phấn đấu ở Quý Châu cho ông kinh nghiệm mà một vị lãnh đạo Trung Quốc cần có.

Giáo sư Đinh Học Lương, chuyên gia về khoa học chính trị thuộc Đại học Khoa học-công nghệ Hồng Kông, nói: “Quý Châu là một tỉnh tốt cho những niềm hy vọng sống ở đó vài năm. Bạn về một vùng nghèo nhất, khó khăn nhất và nhận gánh nặng xóa đói giảm nghèo thì bạn sẽ có thêm uy tín để lên cao hơn”.

Giáo sư Lôi Cườngở Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói: “Ông Tập đứng chung với ông Trần, người đã tích cực xóa nghèo và gặt hái được những kết quả ở một trong những chương trình làm việc của ông Tập. Ông ấy có thể được xem là người của ông Tập, ủng hộ các chủ trương của ông Tập”.

Bí thư nhận thách thức xóa nghèo cho nông dân

Điều kiện kinh tế ở Quý Châu đã được cải thiện, đời sống nông thôn đã kháhơn so với 10 năm trước. Vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đầu tư hàng tỉ nhân dân tệ vào Quý Châu, hỗ trợ mạnh để đầu tư công nghệ, nhằm phát triển một ngành dữ liệu lớn tại một tỉnh nổi tiếng nhờ sản xuất phân bón và rượu Mao Đài.

Nhưng cái nghèo vẫn đeobám những ngôilàng miền núi, ngăn cản lời hứa từ năm 2020 xóa sạch đói nghèo ở vùng nông thôn của ông Tập.

Ông Trần đã rất nhiệt tình lãnh nhận thách thức từ ông Tập. Hồi tháng 3, ông tuyên bố: “Đạt mục tiêu xóa nghèo đúng kế hoạch là một cuộc tranh đấu gian khổ mà Quý Châu không được phép thua. Nếu chúng ta thua, chúng ta sẽ thất hứa và mất sự tín nhiệm của đồng bào”.

Theo NYT, chiến dịch xóa nghèo của ông Trần phù hợp với các chính sách nhằm khẳng định quan điểm của ông Tập: CPC có thể giám sát sự chuyển đổi kinh tế, kích thích đầu tư và nguồn lực vì lợi ích quốc gia.

Từ khi ông Đặng Tiểu Bình hủy bỏ chính sách nông nghiệp của Mao Trạch Đông hồi những năm 1980, nông dân Trung Quốc được chính quyền thôn xã cho thuê dài hạn những cánh ruộng nhỏ.Nhưng ngày càng nhiều thanh niên nam nữ không thấy có tương lai ở mảng nông nghiệp, thu nhập không cao cho bằng đi làm công nhân xí nghiệp hoặc lao động phổ thông ở các tỉnh thành.

Nông dân Quý Châu cầm điện thoại di động lúc nghỉ trưa

Vài năm qua, thu nhập từ nông nghiệp và sản lượng thấp, nên ruộng đất ởQuý Châu bị nông dân bỏ hoang, theo một số cán bộ thôn cho biết. Vài nhà kinh tế học đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc tư hữu hóa đất ruộng, nêu lý do làm thế sẽ khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp tốt hơn, sử dụng nguồn lao động để nâng sản lượng nông nghiệp.

Nhưng theo NYT, CPC miễn cưỡng từ bỏ lập trường ‘tập thể làm chủ’ (chính xác là nhà nước kiểm soát) ruộng đất. Các cán bộ và vài chuyên gia cũng lo ngại việc tư hữu hóa ruộng đất sẽ khiến nông dân dễ bị lạm dụng, từ đó gây ra bất ổn xã hội.

Thay vào đó, Bí thư Trần cổ động một giải pháp được ủng hộ: đưa ruộng cấp cho hộ nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp, để tập hợp đất của dân làng, sức lao động và tiền của. Từ nhiều năm qua, các tỉnh khác và nhiều chính khách đã làm thí điểm theo giải pháp này, nhằm kích thích sản xuất.

Nhưng ông Trần làm mạnh hơn nữa: biến hộ nông dân trở thành cổ đông trong hợp tác xã, được giao quyền sở hữu toàn bộ hoặc vài phần đất ruộng họ từng thuê.Kế đến, hợp tác xã sử dụng số đất lớn hơn để sản xuất nông sản như trà, quả óc chó để kinh doanh, trả một phần lãi cho dân làng, đôi khi trả lương cho việc làm nông.

Các công ty địa phương cũng đầu tư vào những nông trại này, cung cấp tri thức quản lý và tài trợ, để lấy lời.

Theo NYT, chủ trương của Bí thư Trần phù hợp tầm nhìn dựa vào nhân dân để duy trì sự tồn tại của CPC, đồng thời phục hồi chủ trương hợp tác xã nông nghiệp của thời Mao Trạch Đông.

Ông Tập cũng từng tạo lập sự nghiệp như là một cán bộ nông thôn thời Mao, trải qua 3 năm làm phó bí thư một huyện nông thôn ở bắc Trung Quốc. Ở Chiết Giang, ông Tập cũng ủng hộ mô hình hợp tác xã như của ông Trần.

Hồi tháng 4, ông Tập đã trúng cử đại biểu Đảng ủy Quý Châu đi dự Đại hội Đảng khóa 19, sau gần 10 năm ông là đại biểu tỉnh Thượng Hải.

Đến tháng 6, Bí thư Ủy ban kiểm tra-kỷ luật trung ương đảng (CCDI) Vương Kỳ Sơn cũng đến Quý Châu, nói chuyện duy trì vai trò “lãnh đạo cốt lõi” của ông Tập, nhấn mạnh công tác chuẩn bị “của người trồng rừng đối với môi trường sinh thái chính trị” nhằm chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 19.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân ở Đại học Claremont McKenna (bang California, Mỹ) nói: “Quý Châu là nơi mà số mệnh CPC có bước ngoặt trong cuộc Vạn lý Trường chinh”.

Ý ông nói cuộc hành quân giữa những năm 1930, khi quân cách mạng Trung Quốc đi bộ hàng ngàn dặm để thoát sự truy đuổi của quân Quốc dân đảng, rồi tìm được một hậu cứ để tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng vốn thành công vào năm 1949. Lịch sử chính thức ghi nhận Quý Châu là một địa điểm lịch sử cách mạng, nơi mà Mao Trạch Đông trở thành lãnh đạo CPC.

Là Chủ tịch nước, ông Tập đã rất quan tâm sự phát triển của tỉnh Quý Châu. Năm 2015, ông từng thăm tỉnh này để giám sát nỗ lực phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Tân Hoa Xã nói việc ông Tập đại diện Quý Châu là một vinh dự lớn của tỉnh, và tỉnh càng có động cơ phấn đấu xóa nghèo.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ
một giờ trước Sự kiện
Chiều tối 30.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18 – NQ/TW) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người được cho là sẽ kế nhiệm ông Tập Cận Bình phấn đấu ở tỉnh nghèo