Theo một nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, cuộc cách mạng với ChatGPT mở ra cơ hội cho một tuần làm việc chỉ 4 ngày nhờ tăng năng suất lớn cho rất nhiều công việc.

Người đoạt giải Nobel Kinh tế: ChatGPT mở ra viễn cảnh chỉ làm việc 4 ngày/tuần

Sơn Vân | 05/04/2023, 18:00

Theo một nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, cuộc cách mạng với ChatGPT mở ra cơ hội cho một tuần làm việc chỉ 4 ngày nhờ tăng năng suất lớn cho rất nhiều công việc.

Ông Christopher Pissarides, giáo sư tại Trường Kinh tế London (Anh) chuyên nghiên cứu về tác động của tự động hóa với công việc, cho biết thị trường lao động có thể thích ứng đủ nhanh với các chatbot được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI). Nhận xét của ông làm giảm bớt lo ngại rằng những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ AI có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm hàng loạt.

"Tôi rất lạc quan rằng chúng ta có thể tăng năng suất. Chúng ta có thể nâng cao tốt hơn về mặt tinh thần từ công việc và có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Chúng ta có thể dễ dàng chuyển sang làm việc 4 ngày một tuần", Christopher Pissarides nói trong cuộc phỏng vấn tại một hội nghị ở thành phố Glasgow (Scotland).

Các chatbot AI, chẳng hạn ChatGPT của OpenAI hay Google Bard, đã được ca ngợi là công nghệ có tiềm năng giúp bùng nổ năng suất nhưng cũng làm mất đi hàng trăm triệu việc làm của giới văn phòng.

Christopher Pissarides trước đây điều tra tác động của tự động hóa với công việc thông qua báo cáo "Pissarides Review into the Future of Work and Wellbeing". Ông đã giành được giải thưởng Nobel Kinh tế 2010 nhờ công trình nghiên cứu về những xung đột của thị trường lao động.

Vị giáo sư nói rằng chatbot AI vẫn có thể bị lạm dụng, chẳng hạn như được sử dụng cho giám sát hoặc xâm phạm quyền riêng tư, song ông nói nó có thể tạo ra sự khác biệt lớn về năng suất nếu được sử dụng tốt. “Chatbot AI có thể loại bỏ rất nhiều thứ nhàm chán mà chúng ta làm ở công ty, còn các điều thú vị sẽ được giữ lại để con người thực hiện”, ông nhận định.

Christopher Pissarides nói thêm rằng, quá trình chuyển đổi trong công việc với người lao động sẽ bớt khó khăn hơn nếu các công ty áp dụng chatbot AI chậm rãi, dù công nghệ “đang phát triển nhanh chóng”.

Một số người lo lắng về tác động mà AI có thể gây ra với xã hội. Hơn 1.800 chuyên gia, gồm cả Elon Musk, đã ký thư mở kêu gọi tạm ngừng huấn luyện các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 của OpenAI.

Christopher Pissarides nhận xét: “Không có giới hạn nào về số lượng công việc mà nhân loại có thể tạo ra nếu họ thực sự muốn làm. Chatbot AI sẽ mất nhiều thời gian để có tác động thực sự đến nền kinh tế, xã hội và trong suốt thời gian đó, con người sẽ thích nghi với sự thay đổi này. Những gì bạn cần trong lần điều chỉnh này về cơ bản là nâng cao kỹ năng”.

chatgpt-mo-ra-vien-canh-chi-lam-viec-4-ngay-moi-tuan-1.jpg
Christopher Pissarides cho rằng ChatGPT sẽ mở ra viễn cảnh chỉ làm việc 4 ngày/tuần - Ảnh: Internet

Những lời nhận định của người đoạt giải Nobel Kinh tế đến sau báo cáo từ ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs (Mỹ), ước tính có 300 triệu công việc ở Mỹ và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi các generative AI như ChatGPT.

Generative AI là loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs cho rằng generative AI có thể tạo nên sự thay đổi đáng kể cho năng suất và tăng trưởng GDP.

Các nền kinh tế tiên tiến đã trải qua sự suy giảm trong tăng trưởng năng suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, ảnh hưởng đáng kể tốc độ tăng trưởng GDP.

Theo Goldman Sachs, các hệ thống generative AI có thể tạo ra những nội dung không thể phân biệt được so với hoạt động sáng tạo của con người. Điều này có thể kích hoạt sự bùng nổ năng suất, giúp nâng GDP toàn cầu tăng thêm 7% hàng năm trong 10 năm tới.

Sự kết hợp giữa tiết kiệm đáng kể chi phí lao động, tạo việc làm mới và năng suất cao hơn cho những người lao động không bị đào thải mở ra khả năng cho cuộc cách mạng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể. Chúng tôi ước tính rằng AI có thể giúp tăng GDP toàn cầu hàng năm lên 7%”, theo báo cáo của Goldman Sachs.

Báo cáo này nhận định những tiến bộ đột phá của công nghệ AI có thể giúp tự động hóa 25% khối lượng công việc hiện nay ở Mỹ và khu vực 20 nước sử dụng đồng euro (eurozone).

Nếu chứng minh được như kỳ vọng, generative AI cũng sẽ gây ra sự rối loạn đáng kể trên thị trường lao động, có thể khiến tương đương 300 triệu công việc ở các nền kinh tế lớn tại Mỹ châu Âu bị tự động hóa, Joseph Briggs và Devesh Kodnani, hai tác giả của báo cáo nhận định.

Báo cáo cho rằng công việc của luật sư và nhân viên hành chính sẽ nằm trong số những công việc có nguy cơ dư thừa cao nhất do sự phổ cập của generative AI.

Ước tính khoảng 2/3 số lượng công việc ở Mỹ và châu Âu có rủi ro bị tự động hóa ở một mức độ nhất định vì sự xuất hiện của generative AI. Hầu hết người lao động ở hai nền kinh tế này sẽ chứng kiến dưới 50% khối lượng công việc của họ được tự động hóa. Những người lao động này sẽ tiếp tục làm việc nhưng một phần thời gian của họ được chuyển sang cho các hoạt động hiệu quả hơn.

Ở Mỹ, generative AI sẽ đảm nhận bớt phần việc của 63% lực lượng lao động. Báo cáo của Goldman Sachs nhận định khoảng 7% lực lượng lao động Mỹ đang làm những công việc mà ít nhất một nửa khối lượng nhiệm vụ của họ có thể thực hiện thông qua công nghệ AI và rất dễ bị thay thế. Các công việc tay chân hoặc ngoài trời, không đòi hỏi tính sáng tạo cao, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Goldman Sachs cũng chỉ ra tác động tương tự của generative AI với thị trường việc làm của châu Âu. Ở cấp độ toàn cầu, do công việc chân tay chiếm tỷ trọng lớn hơn ở thị trường việc làm của các nước đang phát triển, Goldman Sachs ước tính AI có thể đảm nhận khoảng 20% trong tổng số công việc hiện nay.

Các ước tính của Goldman Sachs dựa trên phân tích dữ liệu của Mỹ và châu Âu về các nhiệm vụ thường được thực hiện trong hàng ngàn nghề nghiệp khác nhau. Các nhà nghiên cứu Goldman Sachs nhận định AI sẽ có khả năng thực hiện những nhiệm vụ như hoàn thành tờ khai thuế cho doanh nghiệp nhỏ; đánh giá một yêu cầu đòi bồi thường bảo hiểm phức tạp hoặc ghi lại kết quả điều tra hiện trường vụ án…

Tuy nhiên, họ không cho rằng AI sẽ được ứng dụng cho các nhiệm vụ nhạy cảm hơn như phán quyết của tòa án, kiểm tra tình trạng bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt, hoặc nghiên cứu luật thuế quốc tế.

Báo cáo trên có thể châm ngòi cuộc tranh luận về tiềm năng của công nghệ AI trong nỗ lực phục hồi tăng trưởng năng suất đang trì trệ ở các nước giàu cũng như tạo ra một thế hệ nhân viên “cổ cồn trắng” (thuật ngữ để chỉ người làm công việc văn phòng hoặc trí óc) bị AI giành việc.

Các ước tính của Goldman Sachs về tác động của AI với bức tranh thị trường lao động thận trọng hơn so với ước tính trong một số nghiên cứu khác.

Một nghiên cứu của OpenAI cho thấy generative AI có thể đảm nhận ít nhất 10% nhiệm vụ của 80% lực lượng lao động ở Mỹ.

Bài liên quan
Kỹ sư tạo lời nhắc cho chatbot AI có thể kiếm 7,86 tỉ đồng/năm mà không cần bằng cấp công nghệ
Công nghệ được biết đến với những công việc được trả lương cao. Với công việc mới nổi trong ngành AI, bạn thậm chí không cần bằng cấp về STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người đoạt giải Nobel Kinh tế: ChatGPT mở ra viễn cảnh chỉ làm việc 4 ngày/tuần