Hàn Quốc bỏ quy định đeo khẩu trang ở không gian trong nhà vào ngày 30.1. Nhật Bản đã bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời và chuẩn bị không bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian trong nhà như Hàn Quốc. Đài Loan cũng sẽ làm vậy vào cuối tháng 2.

Người dân Đông Á chưa chịu bỏ khẩu trang dù quy định đã được nới lỏng

Cẩm Bình | 03/02/2023, 10:08

Hàn Quốc bỏ quy định đeo khẩu trang ở không gian trong nhà vào ngày 30.1. Nhật Bản đã bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời và chuẩn bị không bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian trong nhà như Hàn Quốc. Đài Loan cũng sẽ làm vậy vào cuối tháng 2.

Từng là quy định phổ biến thời đại dịch COVID-19, việc bắt buộc đeo khẩu trang cuối cùng cũng bị bãi bỏ ở một số quốc gia Đông Á - nơi loạt hạn chế chống dịch kéo dài hơn nhiều nơi khác.

Đeo khẩu trang cản trở giao tiếp và làm mờ kính. Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ đều bỏ quy định này từ nhiều tháng trước. Nhưng dù quy định được nới lỏng, khó có khả năng người dân Đông Á từ bỏ khẩu trang sớm.

Trở thành thói quen

Người dân nhiều nước châu Á được yêu cầu đeo khẩu trang suốt hơn 2 năm, khiến việc này trở thành thói quen. Thói quen thì rất khó thay đổi.

Giáo viên dạy múa Mizuki Nishimura sống ở Yokohama cho biết đeo khẩu trang đã là phản xạ với học sinh của mình, vì vậy các em tiếp tục đeo khẩu trang dù nhà trường không yêu cầu.

“Học sinh đeo khẩu trang giống như cúi đầu chào người lớn theo phản xạ vậy. Không đeo khẩu trang khiến các em cảm thấy thiếu thứ gì đó”, theo cô Nishimura.

Ngay từ đại dịch cúm năm 1998, SARS năm 2002 và MERS năm 2012, giới chức y tế toàn cầu đã thuyết phục mọi người đeo khẩu trang.

Một số người dân Hàn Quốc, Nhật Bản tận dụng việc đeo khẩu trang để không trang điểm hay cười. Do đó không đeo khẩu trang cũng đem đến bất tiện.

Tại Nhật, một số người gọi khẩu trang là “kao pantsu” - mang nghĩa “quần che mặt”. Do đó cởi bỏ khẩu trang cũng xấu hổ như cởi quần lót ở nơi công cộng vậy.

Tiến sĩ Kim Sangmin - học giả nghiên cứu văn hóa tại trung tâm CATS Lab - cho biết khẩu trang giúp người Hàn Quốc giảm bớt áp lực xã hội nhờ không phải đảm bảo mặt luôn đẹp. Theo ông: “Mọi người thấy thoải mái khi khuôn mặt được che giấu, thấy hơi khó chịu khi để lộ mặt mộc”.

co.jpg
Đeo khẩu trang đã trở thành thói quen - Ảnh: Straits Times

Giới chức y tế vẫn khuyến nghị đeo khẩu trang

Dù đeo khẩu trang không còn mang tính bắt buộc, giới chức y tế Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tiếp tục khuyến nghị người dân đeo khẩu trang, đặc biệt khi ở không gian trong nhà.

Số ca nhiễm tại Hàn, Nhật đều giảm dần, nhưng giới chức y tế cảnh báo nguy cơ tái nhiễm đang gia tăng và khả năng số ca tăng đột biến do hạn chế đi lại không còn.

“Mối nguy từ COVID-19 chưa biến mất”, theo quan chức y tế Hàn Quốc Kim Seong-ho.

Tại Hàn Quốc, khi dùng phương tiện giao thông công cộng và vào cơ sở y tế vẫn phải đeo khẩu trang. Nhiều người không tháo chúng dù đã xuống xe buýt hay ra khỏi bệnh viện.

Còn tại Nhật, không đeo khẩu trang không bị phạt, nhưng việc này đã trở thành luật bất thành văn. Vì người dân thường đem theo khẩu trang mọi lúc mọi nơi nên họ có xu hướng đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Nhà tuyển dụng Miki Moro sống tại Tokyo cho biết: “Mọi người nghĩ rằng nếu khẩu trang được khuyến khích đeo ở không gian trong nhà thì có nghĩa là có thứ gì đó đáng sợ, vì vậy nên đeo cả ở ngoài trời. Vài người lại nghĩ đeo và tháo khẩu trang tùy địa điểm thật phiền phức nên không tháo ra nữa”.

Giới chuyên gia dịch tễ học chỉ ra duy trì đeo khẩu trang thời gian dài giúp giữ số ca nhiễm ở mức thấp suốt đại dịch. Tiến sĩ John Volckens (Đại học bang Colorado) cho biết quy định đeo khẩu trang được chứng minh góp phần làm chậm đà lây lan COVID-19 tại Mỹ.

Đeo khẩu trang đảm bảo an toàn cho người khác

Ở châu Á, đeo khẩu trang nơi công cộng là phép lịch sự phổ biến để tránh khiến người khác bị bệnh, đặc biệt khi không thể biết được những người xung quanh ai đang suy yếu miễn dịch hoặc đang sống chung với người nguy cơ cao.

Trong đám đông, người không đeo khẩu trang trở nên lạc loài. Tiến sĩ Kazunari Onishi (Đại học Quốc tế St Luke) cho biết: “Bạn sẽ bị nhìn chằm chằm nếu không đeo khẩu trang”.

Tiến sĩ Kim tiếp tục đeo khẩu trang khi ra ngoài để thể hiện hình tượng “không gây hại cho người khác” chứ không nhất thiết vì tin vào lợi ích về mặt sức khỏe của hành vi này.

“Người Hàn Quốc có thể xem việc không đeo khẩu trang là hành vi thiếu tôn trọng. Họ coi trọng việc không gây hại cho người xung quanh”, theo tiến sĩ Kim.

Khẩu trang bảo vệ khỏi ô nhiễm không khí

Mức độ bụi mịn ở Đông Á liên tục không đạt chuẩn nhiều năm qua. Vì vậy người dân lâu nay đã quen đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân trước ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí được cảm nhận rõ ở Hàn Quốc. Khẩu trang là phương tiện phòng thủ phổ biến vào những ngày bầu trời xám xịt vì bụi mịn.

Tiến sĩ Kim cho biết: “Văn hóa đeo khẩu trang hình thành kể từ khi bụi mịn trở thành vấn đề vào những năm 2010. Vì khẩu trang được dùng phổ biến nên các đơn vị sản xuất đủ sức sản xuất hàng loạt lúc COVID-19 bùng phát năm 2019”.

Tại Trung Quốc và Ấn Độ, nơi ô nhiễm không khí rất trầm trọng, quy định bắt buộc đeo khẩu trang được duy trì để phòng dịch COVID-19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Đông Á chưa chịu bỏ khẩu trang dù quy định đã được nới lỏng