Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia đang triển khai chương trình tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm trong nỗ lực bảo vệ người dân chống lại biến thể Omicron.

Ngoài Việt Nam, các nước nào đã tiêm mũi vắc xin thứ 3 để đối phó Omicron?

Sơn Vân | 27/12/2021, 22:45

Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia đang triển khai chương trình tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm trong nỗ lực bảo vệ người dân chống lại biến thể Omicron.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tính đến ngày 27.12, Việt Nam đã tiêm hơn 144 triệu liều vắc xin COVID-19. Đến nay Việt Nam đứng vị trí 52 trong tổng số 63 quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện được mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 cho 66% dân số.

Tính về số liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm, Việt Nam xếp thứ 8 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Pakistan, Đức.

Trong tháng 12.2021, một số tỉnh thành Việt Nam đã triển khai tiêm mũi vắc xin thứ ba (tăng cường và bổ sung), ưu tiên cho người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; nhân viên y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng liệu trình vắc xin COVID-19 ban đầu (thường gồm hai liều) có thể không đủ để ngăn sự lây nhiễm biến thể Omicron, nhưng mũi tiêm tăng cường có thể hữu ích.

WHO từng khuyến cáo chỉ những người có vấn đề về sức khỏe hoặc từng nhận vắc xin COVID-19 bất hoạt mới nên tiêm mũi tăng cường, song nhiều nước không làm theo lời khuyên này.

1. Bắc Mỹ

Vào ngày 19.11, các cơ quan quản lý y tế Mỹ đã mở rộng khả năng đủ điều kiện tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho tất cả những người trưởng thành.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) có lập trường thận trọng hơn trước đây nhưng ngày 30.11 cho biết mọi người từ 18 tuổi nên tiêm mũi vắc xin tăng cường khi Omicron lây lan mạnh.

Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada đang khuyến nghị tiêm mũi vắc xin mRNA (Moderna/Pfizer) tăng cường cho những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng.

ngoai-viet-nam-nhung-nuoc-nao-da-tiem-mui-vac-xin-covid-19-thu-3.jpg
Rất nhiều nước đã triển khai tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ ba để đối phó biến thể Omicron - Ảnh: Internet

2. Châu Âu

Ngày 24.11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã khuyến nghị tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho tất cả người lớn, ưu tiên những người từ 40 tuổi. Trước đó, ECDC đã đề nghị nên cân nhắc tiêm mũi tăng cường cho những người già yếu và có hệ miễn dịch suy yếu.

Ủy ban châu Âu khuyến nghị nên nhận mũi vắc xin COVID-19 thứ ba 6 tháng sau liều thứ hai.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết vào ngày 9.12 rằng dữ liệu hỗ trợ tiêm mũi vắc xin tăng cường sau 3 tháng kể từ liều thứ hai.

Giám đốc Chiến lược vắc xin của EMA, Marco Cavaleri, cho hay: "Dù khuyến nghị hiện tại là sử dụng mũi vắc xin tăng cường sau 6 tháng, dữ liệu hiện có sẵn ủng hộ tiêm mũi này sớm nhất sau 3 tháng vẫn an toàn và hiệu quả.

Cần phải chuẩn bị đầy đủ cho việc xem xét bất kỳ loại vắc xin nào được thiết kế lại nhắm mục tiêu vào Omicron, nhưng sự lan rộng của biến thể Delta nổi trội hiện nay nên là tiền đề và trung tâm của cuộc chiến chống lại làn sóng dịch hiện tại".

“Tình hình miễn dịch vẫn cực kỳ đáng lo ngại ở châu Âu. Delta sẽ vẫn là trọng tâm chính của các hành động y tế cộng đồng để đối phó với đại dịch và hậu quả của nó", ông nói thêm.

Các quốc gia châu Âu này đang cung cấp mũi vắc xin tăng cường cho người lớn:

Áo (sẽ sớm được khuyến nghị cho trẻ em từ 12 tuổi 4 tháng sau liều thứ hai); Bỉ (tất cả trên 18 tuổi); Anh (cuối tháng 12.2021 tăng tốc chương trình cung cấp mũi tăng cường cho người trên 18 tuổi sau 3 tháng kể từ liều hai); Cộng hòa Séc, Đan Mạch (sẽ rút ngắn khoảng thời gian chờ tiêm mũi tăng cường xuống 4 tháng rưỡi từ 6 tháng với người 18-39 tuổi, vốn đã được áp dụng cho những người từ 40 tuổi); Pháp (đã cung cấp 12,5 triệu mũi vắc xin tăng cường và nhắm mục tiêu 20 triệu liều vào dịp Giáng sinh, rút ngắn khoảng thời gian chờ xuống 4 tháng và khuyến nghị giảm còn 3 tháng); Đức (tất cả người từ 18 tuổi, khuyến nghị tiêm mũi tăng cường sau 3 tháng); Hy Lạp (tiêm mũi tăng cường 3 tháng sau liều thứ hai, giảm so với 6 tháng trước đó); Hungary, Ireland (tất cả người lớn); Ý (đến nay dành cho những người trên 40 tuổi nhưng sẽ sớm cung cấp cho tất cả người từ 18 tuổi); Malta (tất cả người trên 12 tuổi); Hà Lan (bắt đầu từ những người từ 60 tuổi, khoảng cách tiêm mũi tăng cường là 3 tháng); Na Uy, Ba Lan, Nga, Romania (chỉ tiêm mũi vắc xin tăng cường Pfizer hoặc Moderna được phê duyệt); Serbia, Slovakia, Tây Ban Nha (tiêm mũi tăng cường Pfizer hoặc Moderna cho tất cả người từng nhận vắc xin Johnson & Johnson); Thụy Điển (sẽ bắt đầu triển khai dần dần cho tất cả người lớn).

Những nước này đang cung cấp mũi vắc xin tăng cường cho những người có hệ miễn dịch kém, người già hoặc dễ bị tổn thương:

Bungaria, Phần Lan (thời gian rút ngắn xuống còn 3 tháng); Lithuania, Bồ Đào Nha (sẽ được cung cấp cho 1/4 dân số vào cuối tháng 1.2022, bao gồm cả những người trên 50 tuổi từng tiêm vắc xin Johnson & Johnson); Slovenia, Tây Ban Nha (mở rộng ở những người từ 60 tuổi thành từ 40 tuổi); Thụy Sĩ (đề xuất mới cho những người dưới 65 tuổi dự kiến ​​trong vài tuần tới).

3. Châu Phi

Theo WHO, một số quốc gia châu Phi đang cung cấp mũi vắc xin COVID-19 tăng cường trong bối cảnh toàn châu lục này có tỷ lệ tiêm chủng thấp - chỉ 7,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Các quốc gia này đang cung cấp mũi vắc xin tăng cường cho người lớn:

Ai Cập phê duyệt vào ngày 16.12 tiêm mũi vắc xin tăng cường cho những người nhận liều thứ hai ít nhất 6 tháng trước. Trước đó, Ai Cập đã phê duyệt mũi vắc xin tăng cường cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Ma Rốc, quốc gia sử dụng nhiều vắc xin COVID-19 nhất ở châu Phi hiện nay, bắt đầu tiêm liều thứ ba vào tháng 10.

Nigeria bắt đầu cung cấp mũi vắc xin tăng cường từ ngày 10.12.

Nam Phi bắt đầu cung cấp mũi vắc xin tăng cường của Johnson & Johnson.

Zambia bắt đầu tiêm mũi vắc xin tăng cường từ ngày 27.12 cho những người từ 18 tuổi, ưu tiên nhân viên y tế và sau đó là những người dễ bị tổn thương.

4. Châu Á, Trung Đông

Ấn Độ sẽ bắt đầu tiêm mũi vắc xin tăng cường cho nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu từ tháng 1.2022.

Kuwait sẽ yêu cầu du khách đến nước này phải tiêm mũi vắc xin tăng cường nếu đã trải qua hơn 9 tháng kể từ khi nhận liều hai.

Các nước và vùng lãnh thổ này đang cung cấp mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho người lớn:

Bahrain (Sputnik V, tất cả người từ 18 tuổi ít nhất 6 tháng sau liều thứ hai); Campuchia (AstraZeneca); Indonesia (chỉ dành cho nhân viên y tế, dân số ​​rộng hơn dự kiến vào năm 2022); Israel (tất cả những người từ 12 tuổi; khuyến nghị tiêm liều thứ tư cho những người từ 60 tuổi và những người đã được tiêm mũi nhắc lại cách đây ít nhất 4 tháng); Malaysia (từ 18 tuổi; bắt buộc với những người từ 60 tuổi, những ai từng nhận vắc xin Sinovac và các nhóm nguy cơ cao); Philippines (giảm một nửa thời gian chờ xuống còn 3 tháng); Singapore (khoảng thời gian chờ còn 5 tháng); Hàn Quốc (giảm thời gian chờ cho tất cả người lớn từ 4 - 5 tháng xuống còn 3 tháng); Đài Loan (khoảng thời gian chờ giảm xuống còn 5 tháng); Thái Lan (tiêm mũi vắc xin tăng cường AstraZeneca hoặc mRNA cho người từng nhận Sinovac sau liều thứ hai 3 tháng); Thổ Nhĩ Kỳ, UAE (bắt buộc với những người từng nhận vắc xin Sinopharm).

Các nước này và vùng lãnh thổ đang cung cấp mũi vắc xin tăng cường cho những người có hệ miễn dịch kém, người già hoặc dễ bị tổn thương:

Bhutan (những người trên 65 tuổi trở lên cũng như các nhóm ưu tiên như nhân viên y tế, những người bị bệnh nền); Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản (tiêm mũi vắc xin tăng cường cho nhân viên y tế vào đầu tháng 12.2021 và cho người cao tuổi kể từ tháng 1.2022, sau 6 tháng kể từ liều hai).

Úc bắt đầu tiêm mũi vắc xin tăng cường Pfizer vào tháng 11.2021 cho người lớn, giảm thời gian chờ từ 6 tháng xuống còn 5 tháng.

5. Trung Mỹ và Nam Mỹ

Các nước này đang cung cấp mũi vắc xin tăng cường cho người lớn:

Brazil, Panama (giảm thời gian chờ từ 6 tháng còn 3 tháng với người từ 16 tuổi); Uruguay (cung cấp một mũi tăng cường Pfizer cho những người từng nhận 2 liều Sinovac).

Nước này chỉ cung cấp mũi vắc xin tăng cường cho những người bị ức chế miễn dịch:

Ecuador (lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường chi dân số nói chung từ tháng 1.2022).

Những nước đang cung cấp mũi vắc xin tăng cường cho những người cao tuổi, dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao:

Chile, Brazil, Cộng hòa Dominica, El Salvador (người cao tuổi, nhân viên y tế, những người có bệnh nền).

Riêng Mexico có kế hoạch sớm triển khai mũi vắc xin tăng cường, bắt đầu từ những người cao tuổi.

Bài liên quan
Mũi vắc xin tăng cường của Pfizer, Moderna bảo vệ chống nhiễm Omicron có triệu chứng trong bao lâu?
Nghiên cứu ở Anh phát hiện ra rằng mũi vắc xin tăng cường của Pfizer và Moderna giúp chống nhiễm Omicron có triệu chứng trong khoảng 10 tuần.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoài Việt Nam, các nước nào đã tiêm mũi vắc xin thứ 3 để đối phó Omicron?