Không như Iraq, Bình Nhưỡng có vũ khí phản công, nên Mỹ sẽ không dám đánh Triều Tiên, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Ngoại trưởng Nga: Mỹ sẽ không dám đánh Triều Tiên

Trần Trí | 27/09/2017, 05:31

Không như Iraq, Bình Nhưỡng có vũ khí phản công, nên Mỹ sẽ không dám đánh Triều Tiên, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Khi trả lời phỏng vấn của đài ​truyền hình nhà nước NTV hôm 25.9, ông Lavrov nhắc hồi năm 2003, Mỹ chỉ xâm lược Iraq, lật đổ chế độ Tổng thống Saddam Hussein, sau khi biết chắc 100% rằng quân đội Iraq không thể đánh lại Mỹ.

Ngược lại, Mỹ cũng biết rõ CHDCND Triều Tiên có vũ khí để đánh trả đũa, để chống lại việc Mỹ dùng vũ lực quân sự. Ông Lavrov còn nói năm 2003, Mỹ biết rõ Iraq không hề có vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng vẫn dùng cớ này để xâm lược Iraq.

Ông Lavrov nói thêm: “Người Mỹ sẽ không đánh Triều Tiên, vì không chỉ nghi ngờ, mà còn biết rõ Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân. Ngay lúc này, tôi không bênh Triều Tiên, tôi chỉ nói là thực tế mọi người đều đồng ý với sự phân tích này”.

Vị Ngoại trưởng còn nói tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên có thể trở thành xung đột vũ trang, thì “hàng chục ngàn người, nếu chưa nói là hàng trăm ngàn người dân vô tội ở Hàn Quốc và Triều Tiên, Nhật Bản và các nơi khác đều phải gánh chịu tổn thất”.

Nga-Trung Quốc đều ủng hộ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, nhưng Moscow-Bắc Kinh cũng phản đối các hành động chống lại Bình Nhưỡng mà không qua đàm phán ngoại giao.

Về nguyên tắc, Nga-Trung đều phản đối Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin xem ra chấp nhận điều không thể tránh khỏi là Triều Tiên có khả năng hạt nhân.

Ngày 25.9, Nga-Trung cũng kết thúc giai đoạn 2 cuộc tập trận hải quân chung ở vùng biển Thái Bình Dương gần bán đảo Triều Tiên.

Mỹ dọa Bình Nhưỡng, Triều Tiên đòi bắn hạ máy bay Mỹ

Cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng McMaster nói tại một hội thảo về an ninh do Viện Nghiên cứu chiến tranh tổ chức ở Washington: Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương cần phải sẵn sàng đối phó một cuộc chiến tranh với Triều Tiên: “Chúng ta hy vọng tránh được chiến tranh, nhưng cũng không thể hoàn toàn loại trừ khả năng đó”.

Trung tướng McMaster nói: các cố vấn an ninh quốc gia và quốc phòng đều đã chuẩn bị một loạt phương án quân sự và ngoại giao để xử lý Triều Tiên ngày càng có thái độ cứng rắn với Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương.

Tuyên bố của vị tướng 3 sao bộ binh Mỹ được đưa ra vài giờ sau khi Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói tại New York ngày 25.9: việc Tổng thống Mỹ bình luận “Triều Tiên sẽ không quanh quẩn lâu hơn nữa nếu còn tiếp tục dọa Mỹ” chính là một lời tuyên chiến của chủ nhân Nhà Trắng.

Ngoại trưởng Ri cũng tuyên bố sẵn sàng bắn rụng máy bay ném bom Mỹ, dù các chiếc này bay gần không phận Triều Tiên, trong và quanh bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, ngày 23.9, máy bay ném bom hạng nặng B-1B của không quân Mỹ đã bay từ đảo Guam, có các chiến đấu cơ F-15C Đại bàng hộ tống từ Okinawa (Nhật Bản), đã bay vào không phận quốc tế trên vùng biển phía đông Triều Tiên để thị uy.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Dana White cho biết: đó là điểm cực bắc của khu phi giới tuyến phi quân sự (DMZ) máy bay quân sự Mỹ có quyền bay bên ngoài để chứng tỏ Mỹ sẵn sàng trừng phạt ‘hành vi ẩu’ của Triều Tiên.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố không hề tuyên chiến với Triều Tiên. Ngược lại, Mỹ chỉ muốn tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói không có quốc gia nào được phép bắn hạ tàu bè hoặc máy bay của nước khác ở vùng không-hải phận quốc tế.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc tuyên bố có quyền bay ngoài vùng biển Triều Tiên và sẽ tiếp tục làm thế. Đại tá Robert Manning, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: Mỹ có các giải pháp quân sự để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.

Triều Tiên tuyên bố vùng không phận quốc gia là hơn 50 dặmtính từ bờ biển, trong khi Mỹ chỉ công nhận chuẩn mực quốc tế là 12 hải lý.

Chưa thể rõ tên lửa phòng không KN-06 của Bình Nhưỡng đủ sức bắn hạ máy bay ném bom Mỹ hay không. Tên lửa này có tầm bắn ước tính 100 dặm, nhưng chưa thể biết nó có thể bắn trúng một máy bay ở ngoài khơi xa hay không.

Đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ tuyên chiến. Triều Tiên cũng từng bắn rơi một máy bay tuần tra biển của hải quân Mỹ năm 1969 làm chết 31 quân, và năm 1994 bắn rơi một trực thăng, làm chết viên phi công.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek, Washington Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoại trưởng Nga: Mỹ sẽ không dám đánh Triều Tiên