Iran có trữ lượng khí lớn thứ 2 thế giới và tham vọng xuất khẩu sang châu Âu, thế nhưng, các trường học và cơ quan chính quyền ở Iran lại phải đóng cửa trong mùa đông lạnh giá vì nguồn cung khí đốt thấp.

Nghịch lý ở Iran: Thiếu khí đốt dù sở hữu nguồn gas lớn thứ nhì thế giới

Bảo Vĩnh | 16/01/2023, 17:12

Iran có trữ lượng khí lớn thứ 2 thế giới và tham vọng xuất khẩu sang châu Âu, thế nhưng, các trường học và cơ quan chính quyền ở Iran lại phải đóng cửa trong mùa đông lạnh giá vì nguồn cung khí đốt thấp.

Hồi đầu tháng 9.2022, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji đã cảnh báo nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông giá lạnh ở châu Âu. Khi trả lời phỏng vấn truyền hình, ông dẫn việc châu Âu lo ngại và người dân sẽ phải chịu đựng một mùa đông giá lạnh do lệnh trừng phạt Nga từ phương Tây và khiến nguồn khí đốt từ Nga bị giảm. 

Lúc đó, Iran được cho là có nguồn khí tự nhiên thay thế và quốc gia này tự tin trong các cuộc đàm phán quốc tế nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.

iran-gas-pa.jpg
Người Iran đi bộ dưới trời tuyết giá ở thủ đô Tehran - Ảnh: PA

Hồi đầu tháng 9.2022, người phát ngôn Nasser Kanaani của Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: “Chúng tôi có các nguồn dự trữ khí đốt lớn thứ nhì thế giới và có thể cung cấp qua châu Âu”. Nhưng việc cung cấp khí đốt này chỉ diễn ra khi lệnh trừng phạt kinh tế Iran của Mỹ được dỡ bỏ.

Ngoài ra, Iran đã không đáp ứng yêu cầu của các nhà đàm phán về hợp tác chặt chẽ hơn với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), và kế hoạch trở thành nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu của Tehran đã thất bại.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng ở “lục địa già” đã lắng dịu. Các nhà chức trách cho biết rằng nguồn cung hiện ổn định ở Đức, quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt Nga trước khi xung đột vũ trang ở Ukraine bắt đầu.

Người dân Iran được khuyên mặc ấm hơn ngay cả khi ở trong nhà

3 tháng sau đó, nạn thiếu khí đốt xảy ra ở Iran, chủ yếu do cơ sở hạ tầng cũ kỹ. Bộ Dầu mỏ xác nhận có các vấn đề về kỹ thuật ở khâu sản xuất khí đốt, và đầu tuần này, Bộ đã khuyến cáo người dân tiết kiệm nguồn cung cấp khí đốt.

Khi trả lời phỏng vấn của hãng tin chính thức, Shana, Bộ trưởng Dầu mỏ Owji khuyên các công dân Iran “hãy mặc ấm hơn ngay cả khi ở trong nhà và giảm dùng khí. Những người nào dùng quá nhiều khí đốt có thể bị cắt nguồn cung. Không ai được quyền nói “Tôi đã đóng tiền thì phải được dùng”.

Ngày 12.1, để tiết kiệm điện và khí đốt, chính quyền ở một tỉnh phía đông bắc Iran phải đóng cửa tất cả các cơ quan chính quyền - gồm cả trường học cho đến ngày 15.1.

Trước đó, từ giữa tháng 12.2022, các cơ quan chính quyền và trường học ở nhiều tỉnh trên toàn đất nước có 84 triệu dân ở Iran đã phải đóng cửa nhiều tuần trong cùng thời gian để tiết kiệm khí đốt, và người dân cũng được khuyên mặc ấm hơn ngay cả khi ở trong nhà.

Iran có trữ lượng khí đốt lớn nhưng sử dụng không hiệu quả, theo các chuyên gia. David Jalilvand, người đứng đầu Công ty tư vấn chính sách Orient Matters ở Đức nói: “Iran đang bị tình trạng sử dụng quá nhiều khí tự nhiên cùng các nguồn năng lượng khác, do hiệu quả sử dụng năng lượng cực kỳ kém. Các mức trợ giá - nhằm kéo giảm khó khăn kinh tế cho người dân và kích cầu nền kinh tế - là một yếu tố quan trọng. Iran đã nhiều lần thất bại trong việc cắt giảm trợ giá do tình hình khó khăn của nhiều hộ dân Iran”.

Iran còn phải vật lộn với mức tiêu thụ năng lượng cao trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành thép, sắt và xi-măng. Theo Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Thiên nhiên Liên bang Đức (BGR), Iran xếp thứ 4 trong danh sách các quốc gia tiêu thụ khí gas cao nhất thế giới hồi năm 2020, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Chuyên gia Jalilvand nói: “Trong 20 năm qua, Iran đã có thể mở rộng đáng kể việc sản xuất khí đốt. Nhưng khâu sản xuất vẫn chưa được khai thác tốt so với tầm cỡ các mỏ khí của nước này. Việc không được tiếp cận các công nghệ then chốt một phần do bị Mỹ cấm vận. Trong tương lai gần, Iran sẽ không có khả năng đáng kể để tăng xuất khẩu khí đốt”.

iran-gas-ap.jpg
Một nhà máy khí đốt ở mỏ khí South Pars tại Iran - Ảnh: PA

Cạnh tranh hay hợp tác với Nga?

Iran và Nga đã lập kế hoạch hợp tác chặt chẽ, nhằm phản ứng với lệnh cấm vận của Mỹ áp lên cả hai nước. Hồi tháng 7.2022, công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom đã ký một thỏa thuận hợp tác trị giá 40 tỉ USD (36,8 tỉ euro) với công ty dầu khí NIOC của Iran để giúp Iran khai thác hai mỏ khí và 6 mỏ dầu.

Chuyên gia Jalilvand tỏ ý nghi ngờ về thỏa thuận này: “Trên hết, Nga không có ý tạo ra một đối thủ tầm cỡ trên các thị trường cấp toàn cầu, nhất là khi các thị trường bán hàng của Nga ngày càng thu hẹp hơn do bị cấm vận”.

Nga đã rao bán dầu - khí giá rẻ cho các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là các khách hàng truyền thống của Iran. Ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, thời gian gần đây đã nhập khẩu khí đốt từ Iran, nhưng nay lại đang đàm phán để mua khí từ Nga với mức giá giảm 25%.

Hồi tháng 12.2022, hãng tin Bloomberg cũng đưa tin, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn trích chiết khấu hồi tố đối với khí đốt nhập khẩu đã thanh toán cho mùa thu này.

Theo Deutsche Welle
Copy Link
Bài liên quan
Nga, Trung Quốc phản đối việc trừng phạt Iran
Nga và Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ với Iran sau khi phương Tây tìm cách trừng phạt Tehran do liên quan tới tình trạng bạo lực ở các cuộc biểu tình trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghịch lý ở Iran: Thiếu khí đốt dù sở hữu nguồn gas lớn thứ nhì thế giới