Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thường trực của Hạ viện Michael R. Turner hôm 7.4 cho biết một số thành viên đảng Cộng hòa tại quốc hội Mỹ đã có tư tưởng "thân Nga".
Theo Washington Post, Turner không nêu đích danh thành viên nào của phe Cộng hòa. Nhà lập pháp nói rằng ông đồng ý với quan điểm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul về việc thông điệp "thân Nga" đang được lan truyền trong đảng Cộng hòa dưới sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông bảo thủ.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thường trực của Hạ viện cho biết các thông điệp "thân Nga" đã khiến việc hỗ trợ Kyiv gặp khó khăn hơn. "Ukraine hiện cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của chúng tôi và đây là thời điểm rất quan trọng để quốc hội Mỹ đẩy mạnh viện trợ đó", Turner cho hay.
Nghị sĩ French Hill, một người ủng hộ thẳng thắn của đảng Cộng hòa đối với viện trợ Ukraine, nói với đài CBS ngày 7.4 rằng ông tin rằng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sẽ ưu tiên thông qua hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine, Israel và Đài Loan sau khi quốc hội Mỹ trở lại làm việc vào hôm 9.4 sau kỳ nghỉ hai tuần.
Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số đầu năm nay đã phê duyệt gói tài trợ trị giá 95,3 tỉ USD trong đó dành nhiều ngân sách hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Nhiều thượng nghị sĩ đã lặp lại cảnh báo của Nhà Trắng rằng nếu không được Mỹ cung cấp vũ khí mới, Ukraine có nguy cơ nhượng lại cuộc chiến của mình cho Nga. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho đến nay vẫn từ chối đưa gói ngân sách được Thượng viện thông qua ra biểu quyết tại Hạ viện.
Nhà lập pháp Cộng hòa Hill cho biết ông Johnson có thể sẽ giới thiệu một gói an ninh quốc gia bổ sung, bao gồm một điều khoản bổ sung để chuyển hướng một số tài sản bị đóng băng của Nga sang việc chi trả cho việc tái thiết Ukraine.
Hàng tỷ USD tài trợ quân sự rất cần thiết cho Ukraine đã bị đình trệ tại quốc hội Mỹ trong nhiều tháng qua - trong bối cảnh sự phản đối ngày càng tăng từ các đảng viên Cộng hòa.
Nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene đã đề xuất xây dựng một “hiệp ước hòa bình với Nga”, thay vì tiếp tục ủng hộ quân sự cho Ukraine.
“Tại sao không ai ở Washington nói về hiệp ước hòa bình với Moscow? Một thỏa thuận với Nga buộc nước này sẽ không tiếp tục bất kỳ cuộc chiến nào nữa. Washington muốn chiến tranh chứ không phải hòa bình”, bà Greene viết trên mạng xã hội X (Twitter).
Các đồng minh của Mỹ và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng ngày càng lo lắng về các chiến dịch quân sự của Nga trong tương lai.
Trong cuộc phỏng vấn được đài BBC đăng tải hôm 6.4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói Ukraine phải là bên đưa ra "các thỏa hiệp mà họ sẵn sàng thực hiện", nhằm chấm dứt cuộc xung đột với Nga.
Lãnh đạo NATO một lần nữa nhắc lại việc phương Tây phải hỗ trợ Ukraine về lâu dài, đồng thời nhấn mạnh vai trò của phương Tây là giúp Kyiv đạt vị thế đàm phán có thể tạo ra "kết quả chấp nhận được". Stoltenberg khẳng định ông không thúc ép Kyiv phải nhượng bộ bất kỳ điều gì và rằng "hòa bình thực sự" chỉ có thể đạt được khi Ukraine giành chiến thắng.