So với kỳ nghỉ lễ trước, lượng người ra đường vẫn chưa đông bằng nhưng lại kẹt xe trầm trọng. Năm trước, khách đông hơn nhưng chỉ kẹt xe cục bộ.

Nghỉ lễ giữa cơn dịch hạn chế đi lại mà vẫn kẹt xe, do đâu?

Nguyễn Văn Mỹ | 01/05/2021, 14:55

So với kỳ nghỉ lễ trước, lượng người ra đường vẫn chưa đông bằng nhưng lại kẹt xe trầm trọng. Năm trước, khách đông hơn nhưng chỉ kẹt xe cục bộ.

Dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay trùng vào cuối tuần nên được nghỉ bù 4 ngày. Người dân rộn ràng xuất hành du lịch, về quê, bù lại cho thời gian trước đây bị giãn cách. Gần sát ngày lễ, gần như cả thế giới tái bùng dịch. Từ Nam Mỹ, châu Âu đến Ấn Độ, rồi Thái Lan, Campuchia láng giềng… Anh em ngành du lịch lo ngay ngáy. Bóng ma tái dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán vừa qua đang rình rập tái diễn.

Nhờ sự hợp lực, cảnh giác của nhà nước và toàn dân, dịch bệnh tạm thời bị khống chế. Nhiều hoạt động đại chúng bị hủy bỏ nhưng lượng khách đi du lịch, về quê vẫn khá đông. Bất ngờ nhất là việc "đồng khởi" kẹt xe, từ TP.HCM lan ra các vùng phụ cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre…

Lượng khách ở các bến xe và quốc lộ đông gấp 2 - 3 lần cùng kỳ năm ngoái. So với trước dịch, vẫn chưa bằng 80% nhưng lại kẹt xe trầm trọng. Những năm trước, khách đông hơn nhưng chỉ kẹt xe cục bộ. Sáng 30.4, đoàn đua xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM 2021 bị kẹt cứng ở Bảo Lộc, dù có lực lượng mở đường.

Thời gian di chuyển cùng chặng đường trong ngày 30.4 kéo dài gấp đôi, thậm chí gấp ba. Khởi hành từ sáng sớm nhưng tới trưa vẫn kẹt ở Tiền Giang, chiều tối mới lên tới Đà Lạt. Cầu Rạch Miễu (Bến Tre - Tiền Giang), dù đã có 3 chiếc phà tăng viện vẫn kẹt cứng, CSGT phải chặn xe, biến thành đường một chiều. Nhiều đoàn khách du lịch phải dời dịch vụ.

Chưa hết dịch bệnh đã kẹt xe như vậy, không biết sắp tới sẽ thế nào?

Phải tìm được nguyên nhân mới có thể khắc phục. Vậy đâu là thủ phạm của nạn kẹt xe trầm trọng ngày 30.4 vừa rồi. Theo tôi, có mấy nguyên nhân sau đây.

- Lượng khách ước tính chưa bằng 80% so với ngày 30.4.2019 nhưng lượng xe tăng hơn 20%. Đa phần là xe gia đình tự lái. Đây là thói quen du lịch mới sau dịch, đang ngày càng phát triển. Vì nhiều lý do, lượng xe này có khuynh hướng chen lấn, giành đường, không ai chịu nhường ai, tự tạo nên nạn kẹt xe liên hoàn.

- Sự chủ quan của các công ty du lịch. Do lượng khách chưa quá đông nên vẫn khởi hành cùng giờ. Những năm trước, các đoàn khởi hành nhiều khung giờ khác nhau, giảm tải cả giao thông lẫn dịch vụ ăn uống, tham quan.

- Sự chủ quan của các cấp quản lý, dẫn đến bị động, lúng túng giải quyết. Các trạm thu phí đều thiếu chủ động. Nhà nước đã quy định nếu ùn tắc dài trên 750m là phải xả trạm. Hôm qua, mặc dù ùn tắc kéo dài mấy cây số, bị phản ứng, trạm thu phí cao tốc Sài Gòn - Long Thành vẫn không xả trạm, đến khi lực lượng chức năng xử phạt, buộc xả trạm, đường mới thông thoáng. Đáng nói trạm vẫn thu phí kiểu thủ công, nhất quyết không chịu thu phí tự động theo chỉ đạo của chính phủ.

- Nếu lực lượng CSGT chủ động chốt chặn các trọng điểm, xử phạt mạnh tay các xe chen lấn, giành đường thì nạn kẹt xe căn bản được giải quyết trong trật tự chứ không trầm trọng như vừa qua. Cầu Rạch Miễu phải được điều phối từ xa chứ không để kẹt cứng mới chặn xe.

Nói tóm lại, nước nào cũng kẹt xe vì xe quá nhiều nhưng trật tự và tự động giải tỏa mà không cần tới CSGT. Kẹt xe ở Việt Nam, đa phần do con người. Người tham gia giao thông kém ý thức, thiếu văn hóa, thích chen lấn, giành quyền đi trước. Quản lý chưa nghiêm, lắm lúc còn dĩ hòa vi quý.

Không thể hô hào hay kêu gọi.

Luật định phải nghiêm khắc hơn mới răn đe được.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghỉ lễ giữa cơn dịch hạn chế đi lại mà vẫn kẹt xe, do đâu?