Đây là tranh chấp giữa nhà đầu tư yêu cầu dân trả tiền, còn dân không chịu trả tiền vì cho rằng mình dùng đường cũ, không dùng đường mới do nhà đầu tư xây. Nhà đầu tư thấy mình có lý theo quy định về BOT thì cứ đưa sự việc ra thuyết phục công luận, hay kiện ra tòa xét xử công khai và công minh. Có đâu lại mật báo thông tin của người đang tranh chấp với mình?

Nghĩ gì, tâm thế nào mà 'nhà đầu tư chuyển 19 biển số xe khách hàng cho công an'?

17/08/2017, 14:09

Đây là tranh chấp giữa nhà đầu tư yêu cầu dân trả tiền, còn dân không chịu trả tiền vì cho rằng mình dùng đường cũ, không dùng đường mới do nhà đầu tư xây. Nhà đầu tư thấy mình có lý theo quy định về BOT thì cứ đưa sự việc ra thuyết phục công luận, hay kiện ra tòa xét xử công khai và công minh. Có đâu lại mật báo thông tin của người đang tranh chấp với mình?

Nhiều tài xế dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí Cai Lậy - Ảnh: Người Lao Động

Đọc trên Báo Mới:

…nhà đầu tư đã trích xuất dữ liệu camera tại trạm để tổng hợp thông tin 19 biển số xe mà tài xế có biểu hiện chống đối bằng cách đưa tiền mệnh giá nhỏ hay gây khó khăn cho công tác thu phí, gửi đến cơ quan công an điều tra, xử lý”. (baomoi.com, ngày 15.8.2017)

Nhà đầu tư đây là nhà đầu tư trạm thu phí đã nổi tiếng trong chiến dịch tiền lẻ của dân chúng bị nhà đầu tư moi tiền dù họ không dùng con đường nhà đầu tư xây. Sự việc đã khiến dư luận phản đối dự án BOT này và lôi ra các góc khuất.

Thông tin trích dẫn từ baomoi.com như trên cho thấy một khía cạnh khác, ngoài lãnh vực làm ăn. Nhà đầu tư đã cung cấp những thông tin theo kiểu mật báo, có tính cách báo cáo ngầm cho công an. Tôi dùng chữ mật báo vì cho dù sau này vụ việc có công khai, thế nhưng lúc chuyển thông tin cho công an thì không cho người có thông tin bị chuyển biết. Việc này làm dấy lên những câu hỏi xin trình bày dưới đây:

1) Việc tài xế trả tiền lẻ, có là hành vi vi phạm pháp luật không? Có gây nguy hiểm cho cộng đồng như gây hỏa hoạn, đặt chất nổ khủng bố không? Nếu không thì nhà đầu tư có quyền cung cấp thông tin đó cho công an không? Tôi hiểu rằng khi cần điều tra tội phạm nghiêm trọng và cấp bách, công an có quyền yêu cầu được cung cấp thông tin, vậy đây có phải thuộc trường hợp đó không, công an có yêu cầu cung cấp thông tin không?

2) Nếu là nhà đầu tư, ngoại trừ bị yêu cầu bởi luật pháp, tôi không dám cung cấp thông tin như thế. Tâm lý dân chúng rất ghét mật báo. Nếu mật báo để bảo vệ an ninh xã hội thì họ còn chấp nhận, còn mật báo để bảo vệ túi tiền riêng, để giành ưu thế trước đối thủ, để ép đối tác, khách hàng... thì tâm lý chung cho là không ngay thẳng. Đây là tranh chấp giữa nhà đầu tư yêu cầu dân trả tiền, còn dân không chịu trả tiền vì cho rằng mình dùng đường cũ, không dùng đường mới do nhà đầu tư xây. Nhà đầu tư thấy mình có lý theo quy định về BOT thì cứ đưa sự việc ra thuyết phục công luận, hay kiện ra tòa xét xử công khai và công minh. Có đâu lại mật báo thông tin của người đang tranh chấp với mình? Người dân thấy hành động đó là quân tử hay tiểu nhân? Dân chúng chính là khách hàng, khách hàng chính là thượng đế. Thông thườngnhà đầu tư nào cũng sợ khách hàng ghét bỏ, tẩy chay. Nhà đầu tư này dựa vào thế lực nào mà không sợ khách hàng?

3) Ngoài ra, sự việc còn cho dân chúng cảm nhận về một sợi dây ngầm nào đó liên kết các thế lực với nhau. Các nhân vật chức cao của Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải... liên tục có những phát biểu ác cảm với người dân “trả tiền lẻ”, cho rằng họ có ý đồ xấu, có dấu hiệu phạm pháp và giám đốc sở GT-VT Tiền Giang cho biết “Hiện, danh sách các xe này đã được gửi tới cơ quan công an”! Vị giám đốc này không thấy bản chất của sự việc vốn không cần tới “gửi đến cơ quan công an điều tra, xử lý” hay sao? Ông có muốn đe dọa ai không?

4) Sự việc còn cho thấy cách đối xử với sự phản đối của người dân. Sự phản đối của người dân không vi phạm pháp luật thì không thể mật báo công an. Đáng lý phải xem xét, cân nhắc vì sao dân phản đối, rồi tìm cách làm thuận lòng dân, hoặc thuyết phục dân. Ở đây mọi việc xảy ra khác hẳn. Dân phản đối thì đương nhiên là dân có ý đồ xấu, cần mật báo công an! Sự việc vốn có tính cách xung đột dân sự, tranh chấp kinh tế, cần cách giải quyết bằng thương lượng, thuyết phục... lại lôi công an điều tra theo tính cách hình sự vào. Nếu cứ áp dụng cách giải quyết các xung đột như thế, tôi e sợ thật lòng rằng từ loạn ít sẽ dẫn tới loạn nhiều. Từ tranh chấp ôn hòa sẽ dẫn tới tranh chấp bạo lực!

Tâm thế ảnh hưởng trên quyết định và hành động. Quyết định và hành động ảnh hưởng trên phản ứng. Chắc rằng dân chúng và chính quyền đều không muốn xã hội có tranh chấp bạo lực!

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan
Lần đầu tiên người dân Hà Nội trải nghiệm 'phở số' do robot phục vụ
Du khách có cơ hội thưởng thức các món phở truyền thống đặc trưng của Hà Nội và trải nghiệm "phở số" hoàn toàn mới lạ và hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ gì, tâm thế nào mà 'nhà đầu tư chuyển 19 biển số xe khách hàng cho công an'?