Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 08 chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đang sụt giảm nghiêm trọng.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính sáng 10.3 đã lên tiếng cho biết, bên cạnh các giải pháp chính sách tại Nghị định số 08, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Trong đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc/lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Về phía nhà đầu tư, cần hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng và đảm bảo nhà đầu tư phải đáp ứng đủ điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong những tháng gần đây, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để khôi phục niềm tin và giảm áp lực thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Về khung khổ pháp lý, ngày 5.3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, nói về hiệu quả của Nghị định 08, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng Nghị định 08 sẽ đem lại những điều kiện phù hợp với tình hình thị trường hiện tại, giúp minh bạch hóa các quy định của pháp luật có liên quan và đặc biệt là tạo điều kiện cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành có thể có những quy định rất rõ ràng về mặt pháp lý để xử lý những vấn đề liên quan đến thị trường phát sinh trong thời gian vừa qua.
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc nếu hoãn nâng quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc thì liệu thị trường có rơi vào tình trạng thiếu minh bạch và thiếu thông tin hay không, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định đối với vấn đề này khi xây dựng Nghị định thì Bộ Tài chính cũng đã cùng với các bộ ngành liên quan báo cáo với Chính phủ rất kỹ lưỡng.
Bên cạnh việc tạm thời cho ngưng quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành thì doanh nghiệp khi phát hành ra thị trường vẫn phải tuân thủ các quy định khác có liên quan. Doanh nghiệp phải công bố thông tin cho các nhà đầu tư một cách rõ ràng, minh bạch, trong đó có xác nhận của bên thứ ba là kiểm toán độc lập. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin về việc sử dụng tiền trái phiếu đã huy động.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cần thực hiện các quy định khác tại Nghị định 65 như nhà đầu tư phải hiểu về doanh nghiệp, phải hiểu các rủi ro có liên quan khi tham gia đầu tư và ký cam kết chấp nhận tất cả rủi ro phát sinh nếu có. "Trên thực tế, hiện nay chúng ta mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép trong nước để thực hiện định giá xếp hạng tín nhiệm, cho nên việc tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm cũng hoàn toàn phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay", lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Các nội dung cơ bản của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP bao gồm:
Thứ nhất, theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (khoản 3 điều 34) doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm: "Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu". Nghị định số 08/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc sau: (i) Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan; đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó; (ii) Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; (iii) Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 16.9.2022) và còn dư nợ thì việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc sau: (i) Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận; (ii) Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư; (iii) Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
Thứ ba, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau đây tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31.12.2023: (i) Quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP; (ii) Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP; (iii) Quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 9 điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.