Một vụ tai nạn giao thông (TNGT), thi thể người bị nạn không còn nguyên vẹn. Một vụ án mạng hay một vụ chết lâu ngày, hiện trường bốc mùi khủng khiếp… Sau khi cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, ai sẽ là người thu dọn, đưa tử thi đến nhà xác?

Nghề thu dọn… tử thi

Một Thế Giới | 07/09/2015, 14:33

Một vụ tai nạn giao thông (TNGT), thi thể người bị nạn không còn nguyên vẹn. Một vụ án mạng hay một vụ chết lâu ngày, hiện trường bốc mùi khủng khiếp… Sau khi cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, ai sẽ là người thu dọn, đưa tử thi đến nhà xác?

Có duyên gặp… người chết!
Được sự chỉ dẫn của các giám định viên - bác sĩ pháp y Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Cứu hộ cứu nạn giao thông Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội), người chuyên hỗ trợ Cơ quan Công an trong giải quyết các vụ việc liên quan đến người chết.
Anh Đại tâm sự, công việc thu dọn… tử thi dường như là nghiệp ông trời sắp đặt. Khoảng hơn chục năm trước, anh Đại mua một chiếc ôtô 12 chỗ để kinh doanh chở khách. Chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của bà con trong thôn, xã và những người quen biết.
Chiều tối một ngày tháng 9.2006, khi đi đến ngã ba Quốc lộ 3 đoạn rẽ lên cầu Thăng Long thì anh Đại gặp một vụ TNGT. Trời mưa to, một người đàn ông trung niên đang đi xe máy trên đường thì tông vào đuôi xe tải phía trước. Nạn nhân ngã văng ra đường, tử vong tại chỗ. Xung quanh nạn nhân, máu chảy lênh láng. Phần vì tò mò, phần vì không có đường đi qua, anh Đại đánh xe ôtô của mình vào ven đường để chờ xem việc giải quyết ra sao. Lái xe tải do hoảng sợ đã bỏ đi mất.
Trên đường lúc đó chỉ có các đồng chí công an Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 6 làm nhiệm vụ đo đạc, chụp ảnh, khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn. Đánh bạo, anh Đại đến gần hiện trường, hỏi đồng chí công an tên Sơn (anh đọc trên biển tên) rằng tử thi sẽ được giải quyết như thế nào? Đồng chí công an cho biết đã báo tin cho nhân viên nhà xác Bệnh viện E đến để đưa nạn nhân về đó tổ chức công tác khám nghiệm, pháp y tử thi theo quy định.
"Trời tối dần. Đường mỗi lúc một vắng người. Khu nhà dân thì cách quá xa. Các đồng chí công an mang hương ra thắp cho nạn nhân nhưng trời mưa to nên chẳng có chỗ nào để cắm hương. Nhìn tử thi nằm lạnh lẽo trên mặt đường dưới trời mưa tầm tã mà xe ôtô của nhà xác chưa đến, các đồng chí công an cũng rất sốt ruột.
Mặc dù không quen biết nạn nhân nhưng tôi cũng thấy vô cùng xót xa cho tình cảnh của họ. Tôi liền nảy ra ý định dùng ôtô của mình để chở nạn nhân đến bệnh viện. Coi như mình làm phúc cho người ta. Tôi ra nói với các anh công an và đề nghị chở nạn nhân về Bệnh viện Đông Anh vì nơi đó cũng có nhà xác và khoảng cách gần hơn là đưa nạn nhân về Bệnh viện E.
Sau khi được các anh công an đồng ý, tôi cùng đứa cháu đi cùng chuyển nạn nhân lên ôtô. Tôi nhặt những mảnh thi thể của nạn nhân văng trên đường, cho vào túi nilon để cùng xác nạn nhân rồi đưa về bệnh viện. Khi tôi về nhà kể lại chuyện, vợ tôi lo lắm. Tôi cười bảo vợ, sinh dữ tử lành, mình làm việc phúc giúp người ta thì sợ gì" - Anh Đại kể lại vụ việc đầu tiên "có duyên" với người tử vong do TNGT.
Sau đó ít lâu, khi đang chở khách đến đoạn ngã ba Phù Lỗ thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, anh Đại lại gặp một vụ TNGT khá hy hữu và thương tâm. Một chiếc xe tải chạy hướng Phù Lỗ - Phúc Yên đâm vào một thanh niên đi xe máy, sau đó đâm tiếp vào một xe tải chở đầy chai nước ngọt thủy tinh CocaCola.
Cú đâm mạnh, trực diện khiến đầu cabin xe tải chở nước ngọt sập xuống và bị phần thùng xe đè lên phía trên. Hậu quả vụ tai nạn thật thương tâm: thanh niên đi xe máy tử vong; lái xe tải chở nước ngọt cũng không thoát khỏi lưỡi hái tử thần, gục trên vô lăng.
Vụ tai nạn gây tắc cả đoạn đường dài. Người dân hiếu kỳ kéo đến xem rất đông khiến tắc càng thêm tắc. Anh Đại đánh xe vào ven đường, nói khó với mấy người khách trên xe đi "xe ôm" về nhà giúp. Sau đó, anh lại gần hiện trường xem chiều hướng bao giờ mới có thể thông xe. Tình cờ lại gặp đồng chí Sơn, cán bộ Đội CSGT số 6 đang làm nhiệm vụ tại đó.
Nhận ra người quen, anh Sơn vỗ vai anh Đại rồi chỉ vào chiếc xe tải chở nước ngọt bảo: "Chú xem có cách nào để đưa nạn nhân trong cabin ra được không?". Quan sát xung quanh, anh Đại nhận thấy hiện trường khá nguy hiểm. Thùng xe chở nước ngọt đang đè lên cabin có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
Với hàng tấn chai nước thủy tinh phía trên thì mức độ nguy hiểm càng tăng cao, không thể lại gần để đưa lái xe trong cabin ra. Sau khi xem xét, anh Đại đề nghị các đồng chí CSGT kiếm cho anh một đoạn dây cáp rồi dùng gậy luồn cáp qua vô lăng và khóa 2 đầu cáp lại, dùng một chiếc ôtô kéo dây cáp thật mạnh.
Khi phần cabin vừa được kéo ra cũng là lúc thùng xe tải sập xuống, chai thủy tinh chứa nước ngọt văng ra khắp nơi, vỡ vụn trên nền đường. Nguy hiểm đã qua, anh Đại cùng các đồng chí CSGT phá cửa cabin, đưa thi thể lái xe ra. Thật thương tâm, cú va chạm quá mạnh khiến người anh lái xe gần như đứt rời thành 3 đoạn.
Anh Đại bảo lúc đó khi bế nạn nhân ra ngoài, anh không còn cảm giác sợ hãi mà chỉ thương xót nạn nhân đã chết trong tình trạng vô cùng đau đớn. Chính vì vậy, mặc dù nhận được điện thoại của gia đình báo anh lên ngay Phú Thọ dự đám tang một người họ hàng nhưng anh đã ở lại giúp các đồng chí công an đưa 2 nạn nhân đã tử vong đến Bệnh viện huyện Kim Anh (Sóc Sơn). Bàn giao xong xuôi, anh mới lên đường đi Phú Thọ.
Không mong nhận được điện thoại…
Anh Đại bảo, dường như anh có duyên làm phúc với những nạn nhân chết do TNGT. Công việc thường xuyên đi qua tuyến Quốc lộ 3 thuộc địa phận Đông Anh, Sóc Sơn nên anh đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Nhất là các vụ có người chết, việc chờ xe cứu hộ đến thu dọn hiện trường cũng là một vấn đề nan giải vì xa trung tâm. "Người ta chết đường chết chợ đã khổ rồi, phải nằm chờ trên đường lại càng khổ hơn và còn ảnh hưởng đến giao thông".
Không biết có phải vì "duyên số" hay không mà sau một vài vụ việc khác nữa, từ đó các đồng chí CSGT và Công an các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Long Biên… đều biết anh là người chuyên công việc thu dọn, vận chuyển người chết trong các vụ TNGT. Mỗi khi có việc, họ đều gọi anh đến hỗ trợ.
Một lần, khi đang lúi húi thu dọn một vụ TNGT chết người ở ngã tư Nam Hồng, anh Đại bất ngờ bị mấy thanh niên người nhà nạn nhân cầm tuýp nước đuổi đánh vì nhầm tưởng anh là người gây ra tai nạn. Sau lần đó, anh nghĩ công việc làm phúc là chính nhưng cũng phải đúng pháp luật.
Sau khi được tư vấn, năm 2006, anh thành lập Công ty TNHH Trung tâm Cứu hộ cứu nạn, đăng ký đồng phục của công ty và lôgô xe tham gia cứu hộ, rủ thêm một vài anh em cùng tham gia. Vợ anh lúc đầu cũng sợ lắm, nhưng được chồng động viên "sinh dữ tử lành, người chết sẽ phù hộ cho mình nếu mình giúp họ", chị mạnh dạn đi làm cùng chồng.
Nghe thu don… tu thi-hinh-anh-1
 Những cuốn sổ ghi chép vụ việc đã giải quyết được anh Đại lưu giữ cẩn thận.
Sau khi công ty thành lập, tại xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn xảy ra vụ treo cổ tự vẫn. Anh Đại được Công an huyện Sóc Sơn gọi đến cùng Cơ quan Công an giải quyết. Hiện trường xảy ra trên đồi cao, người chết treo cổ trên một cành cây cao, xác đã phân hủy, mùi tử khí bốc lên nồng nặc.
Anh Đại bảo trước đây chỉ thu dọn tử thi các vụ TNGT chứ chưa thu dọn tử thi phân hủy thế này bao giờ. Lúc đầu cũng ngại lắm. Nhưng ở khu vực vắng vẻ thế này cũng khó tìm được ai khác. Anh động viên vợ cùng phụ giúp. Thông thường, những vụ mới phát hiện, để đưa người chết xuống đất, một người cắt dây để những người phía dưới đỡ xuống. Nhưng với xác đã phân hủy thì chẳng ai dám đứng phía dưới ôm một xác người đã thối rữa như vậy. Nhưng nếu cắt dây mà không có người đỡ thì xác rơi xuống sẽ không nguyên vẹn.
Anh Đại nghĩ ra cách quấn một sợi thừng khác quanh tử thi rồi treo lên. Sau khi cắt dây treo cổ, mới từ từ hạ sợi thừng xuống để vợ ở dưới đỡ rồi cùng đưa tử thi lên cáng, chuyển từ đồi cao xuống mặt đất.
Mới đây, Công an phường Ngọc Thụy (Long Biên) cũng gọi anh Đại đến giải quyết một vụ chết lâu ngày trong nhà. Nạn nhân là một người đàn ông gần 80 tuổi, sống độc thân, vợ con ở nước ngoài. Nạn nhân sống biệt lập, không quan hệ với hàng xóm, lúc nào cũng khóa cổng, khóa cửa nên chết mà không ai biết.
Cho tới khi người em họ đến chơi, gọi không được, điện thoại không liên lạc được mới báo công an. Khám nghiệm xác định khả năng nạn nhân tắm xong lên giường ngủ và bị cảm chết. Thời gian chết khoảng 10 ngày. Nơi phát hiện nạn nhân ở phòng ngủ tầng 2. Khi anh Đại được gọi đến, tử thi đang giai đoạn phân hủy mạnh. Những người họ hàng không dám vào.
Khi hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho chi phí dọn sạch hiện trường, mãi mới có một người phụ nữ. Chị này đưa cho anh Đại 2,5 triệu đồng, nói chỉ có thế, nhờ anh làm phúc đưa nạn nhân đến nơi hỏa táng chứ vợ con ông ấy không biết bao giờ mới về.
"Mình xác định làm phúc là chính nên họ bồi dưỡng bao nhiêu mình đều vui vẻ nhận. Chứ nếu tính tiền công để thu dọn một vụ việc như vậy thì chẳng ai muốn làm". Một mình anh Đại mặc quần áo bảo hộ lao động vào thu dọn. Sau khi bốc xác nạn nhân đưa đi, anh phải dùng tới 5 tạ vôi bột rắc vào phòng để khử trùng.
Anh Nguyễn Văn Đại tâm sự, công việc đặc biệt của anh luôn đòi hỏi cái tâm. Nhất là đối với những vụ TNGT, nạn nhân chết thường không toàn thây. Những người làm công việc thu dọn tử thi phải tỉ mẩn tìm từng mẩu tử thi trên đường, gom lại, cố gắng không bỏ sót để người chết và gia đình được yên lòng.
Trong các vụ việc đã giải quyết, anh Đại nhớ nhất 2 trường hợp. Đó là vụ một cụ ông bị tàu hỏa cán chết tại khu vực xã Tiên Dược, Sóc Sơn lúc rạng sáng. Khi được Cơ quan Công an gọi tới, anh Đại cùng vợ vừa soi đèn vừa thu dọn. Khi đưa về nhà xác, lắp ghép từng mảnh tử thi vào phát hiện ông cụ bị thiếu mất 3 ngón tay và bộ quai hàm. Hai vợ chồng lại quay ra hiện trường, soi đèn đi tìm. Run rủi thế nào mà anh nhanh chóng tìm thấy những bộ phận còn lại, mang về cho vào quan tài. Vợ chồng anh còn mua một bộ quần áo mới thay cho nạn nhân.
Thương tâm nhất là vụ một bà cụ người Nghệ An ra Hà Nội, bị TNGT trên cầu Thanh Trì xảy ra khoảng hơn 1 năm trước. Chiếc ôtô tông chết bà cụ rồi bỏ chạy. Sự việc xảy ra vào đêm, không ai biết nên các xe sau tiếp tục cán qua nạn nhân. Nạn nhân chỉ còn là những mảnh vụn kéo dài trên đường khoảng nửa cây số. Hai vợ chồng anh Đại cố gắng thu gom nhưng kết quả chỉ gói gọn trong chiếc túi nilon.
Sau khi đưa về nhà tang lễ ở Long Biên, con gái của bà cụ từ Phú Thọ xuống nhận. Chị trình bày hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chị phải bán thóc mới có tiền đi lại. "Thôi thì mình lại làm phúc, bàn giao tử thi cho người ta và hướng dẫn họ đưa đi hỏa táng".
Anh Đại cho tôi xem mấy quyển sổ dày, ghi chép cẩn thận những việc anh đã tham gia giải quyết trong những năm qua. Anh cho biết, trung bình mỗi tháng, anh được Cơ quan Công an gọi đến giải quyết khoảng trên 60 vụ việc liên quan đến người chết. Chủ yếu là TNGT, rồi chết đuối nước, chết lâu ngày… "Có trường hợp chưa rõ tung tích, sau khi chôn cất, giờ vẫn chưa có người đến nhận nên tôi phải ghi chép tỉ mỉ đặc điểm quần áo, đồ vật họ mang theo để khi có người hỏi, mình cho họ biết mà nhận dạng".
Anh bảo nhiều lúc cũng buồn, muốn bỏ nghề vì có người không nhìn nhận đúng về công việc của anh. Nhưng rồi khi có điện thoại của Cơ quan Công an, anh lại lên đường. "Tôi không mong có điện thoại gọi hàng ngày. Nhưng khi các đồng chí công an cần người hỗ trợ, tôi đều sẵn sàng. Người chết nằm lạnh lẽo một chỗ đã khổ rồi. Tôi không muốn họ phải nằm lâu thêm nữa. Trời cho tôi khỏe ngày nào thì ngày đó tôi vẫn còn làm công việc này. Việc làm phúc là chính nên mỗi khi xong việc, tôi về ngủ rất thanh thản" - anh Đại chia sẻ.
Theo Hương Vũ/ CAND
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề thu dọn… tử thi