"Tôi chống kịch liệt những đạo diễn vô học, mời diễn viên lên giường trước rồi lên phim sau. Những người đó, khi thắp hương Tổ nghiệp, họ có thấy xấu hổ không?", Trung Dân chia sẻ.

Nghệ sĩ Trung Dân: Những đạo diễn mời diễn viên lên giường trước rồi đóng phim sau, thắp hương Tổ nghiệp có thấy xấu hổ không?

mai huong | 13/09/2019, 13:49

"Tôi chống kịch liệt những đạo diễn vô học, mời diễn viên lên giường trước rồi lên phim sau. Những người đó, khi thắp hương Tổ nghiệp, họ có thấy xấu hổ không?", Trung Dân chia sẻ.

Năm nào cũng vậy, ngày giỗ Tổ nghề sân khấu, nghệ sĩ Trung Dân đều tổ chức ở nhà, chỉ tập hợp một nhóm nhỏ anh em nghệ sĩ. Bởi anh nghĩ, Tổ ở đâu cũng là Tổ, không cần phải tới những nơi quá tấp nập ồn ào.

Tầm bậy và ấu trĩ khi nói ông Tổ ngành sân khấu là ăn mày

Có nhiều người nói, ông Tổ ngành sân khấu là ăn mày, có ý nghĩa không được cao quý. Anh có đồng tình với cách nghĩ này không?

Đó chỉ là suy luận, truyền thuyết. Nói ông Tổ nghề sân khấu là ăn mày là tầm bậy và ấu trĩ. Những người làm nghệ thuật là người có tri thức vì có trí thức họ mới sáng tác được những tuồng tích vừa có ý nghĩa giải trí, vừa có ý nghĩa giáo dục, răn đe để phục vụ người dân.

Ăn xin, ăn mày là sự cho đi và nhận lại chứ không có lao động. Còn nghệ sĩ thì lao động, lương thiện, tử tế, chứ không lợi dụng rút tỉa tiền bạc của dân chúng. Ngay cả nghệ sĩ hát lề đường cũng thế, họ tự do sáng tạo.

Tôi quan niệm Tổ nghiệp là tập trung hết những ông bà, cô bác, anh chị em làm nghệ thuật đã khuất. Ngày 10, 11, 12 tháng 8 âm lịch hàng năm là ngày giỗ cho những người đó. Người làm nghệ thuật xa xưa, năm sinh, tuổi tác khác nhau nhưng cùng chung 1 nghề nghiệp nên lấy 3 ngày đó làm ngày giỗ cho tất cả.

Đây là ngày mà những người nghệ sĩ đang làm nghề tạm lắng mình lại để nhìn lại năm qua, mình làm được gì, tương lai mình sẽ thế nào. Quan trọng khi cầm cây hương thắp, khấn vái những điều tốt đẹp ở tương lai thì những người đi trước nghe lời khấn của mình.

Tôi cũng bày tỏ quan điểm này nhiều lần ở nhiều chương trình và bị chỉ trích không ít nhưng tôi không quan tâm. Tôi có sao nói vậy còn người ghét tôi đa số là người xấu.

Nhân ngày hôm nay, tôi cũng nói thẳng luôn, tôi chống kịch liệt những đạo diễn vô học, mời diễn viên lên giường trước rồi lên phim sau. Những người đó, khi cầm cây nhang thắp hương Tổ nghiệp, họ có thấy xấu hổ không?

Làm bất cứ nghề gì, cũng phải làm sao cho nghề mình đẹp để người ta tôn trọng. Trong tình hình này, tôi thấy nhiều nghệ sĩ có tên tuổi làm những điều mang tiếng và tôi thấy xấu hổ, vì mình chung bó đũa với họ.

Nguồn gốc về ông Tổ nghề sân khấu đến nay vẫn còn nhiều điều chưa xác thực nhưng những người làm nghề đều có đức tin vào Tổ nghiệp. Và hàng năm, tới ngày giỗ Tổ, các nghệ sĩ đều một lòng hướng Tổ, cúng lễ trang nghiêm và đầy đủ.

Tạp nham lắm rồi, ai cũng có thể làm nghệ sĩ

Hiện tại, sân khấu kịch nói chung đang bị cạnh tranh quá nhiều vì các loại hình giải trí khác nên sức sống của sân khấu yếu đi, nhưng năm nào cũng vậy, tới ngày giỗ Tổ, nghệ sĩ cúng giỗ vẫn rất tươm tất. Theo anh thì tại sao?

Nghề nghiệp này còn thì còn những con người yêu nghề và còn thế hệ kế tiếp. Cúng Tổ là dịp tụ họp, chia sẻ, ước mơ nhưng ngày truyền thống đó không như xưa nữa. Giờ tạp nham lắm rồi. Đó là chuyện vĩ mô, thời cuộc đưa đẩy thành vậy. Tôi không làm được gì để thay đổi. Tôi 52 tuổi rồi, vài năm nữa sẽ nghỉ và nhìn lớp trẻ đi lên.

Dân tộc Việt Nam mình, nghề nào cũng có Tổ nghề, đó là văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn và tiếp nối. Hồi xưa có những đoàn hát đi hát đình chùa, họ chỉ cần bữa cơm chay thôi và chính những con người đó làm nên chiều dài lịch sử của sân khấu Việt Nam.

Còn giờ thì khác, người nghệ sĩ còn mang trên lưng trách nhiệm tuyên truyền. Tuyên truyền cái tốt đẹp thì quá tốt nhưng thời buổi này nhiều cái bất cập lắm, ai cũng có thể làm nghệ sĩ được.
Tùy theo điều kiện của từng người mà lễ cúng Tổ cũng muôn màu muôn vẻ. Trang trọng có, hoành tráng có. Ấm cúng có. Đơn giản có. Và tất cả nghệ sĩ đều thành tâm hướng Tổ.

Chính vì vậy mà đời sống nghệ thuật bị ảnh hưởng?

Chính xác là đời sống nghệ thuật xuống cấp. Hàng năm có bao nhiêu phim được phát, có bao nhiêu vở kịch được diễn. Nếu bạn nhìn vào những con số đó, nhìn vào chất lượng bạn sẽ thấy nó đang chựng lại, thậm chí thụt lùi.
Vì những người tham gia biểu diễn không phải là nghệ sĩ đích thực. Họ xuất hiện trên mạng nói nhăng nói cuội rồi được chú ý, được hốt vào showbiz rồi được mổ xẻ, được sơn son phết vàng rồi vỗ ngực xưng mình là trong showbiz.

Những người được đào tạo ở trường lớp thì bị thất nghiệp, ra trường không có cơ hội vì phần kia chiếm hết rồi. Đó không phải là phát triển. Tôi chỉ mong qua cái ngày này, có gì đó thay đổi nhưng xem ra chỉ là ước mơ thôi.

Nghĩa là khi cầm nén nhang thắp hương Tổ, anh khấn vái điều đó?

Tất nhiên, tôi mong cho học trò, đàn em, những người được đào tạo bài bản, có nghề có công việc, có chỗ đứng để họ làm.

Tôi không bài bác những con người kia. Tôi không chỉ trích họ. Họ cũng là 1 nhân tố để vườn hoa nghệ thuật này điểm thêm sắc màu nhưng nói gì thì nói, đã nghĩ mình là nghệ sĩ, nghĩ mình là con cháu Tổ nghiệp thì nên làm những điều tốt đẹp, để duy trì, cống hiến.

Còn xô bồ, làm những điều không hay, ảnh hưởng tới nghề thì tôi khuyên thật, cái ngày cúng Tổ, họ đừng nên có mặt.

Cám ơn sự chia sẻ tâm huyết của anh!

Nguyễn Huy - Nguyễn Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Trung Dân: Những đạo diễn mời diễn viên lên giường trước rồi đóng phim sau, thắp hương Tổ nghiệp có thấy xấu hổ không?