Từ khi nghệ sĩ Đức Minh qua đời năm 2014, hàng đêm, Mỹ Châu đau đáu nỗi nhớ chồng ở xứ người.

Nghệ sĩ Mỹ Châu: 'Chồng đột ngột mất khiến tôi cô quạnh'

mai huong | 29/03/2018, 15:03

Từ khi nghệ sĩ Đức Minh qua đời năm 2014, hàng đêm, Mỹ Châu đau đáu nỗi nhớ chồng ở xứ người.

Châu, chút tạ tình tri âmlà bút ký chân dung về Mỹ Châu -một trong những ngôi sao của thế hệ vàng cải lương Việt Nam, do Thanh Thủy chấp bút. Sách tái hiện cuộc đờiMỹ Châu từ khi còn là cô bé mê hát ở quê nhà Long An cho đến khi trở thành triệu phú với nghề hát ở Sài Gòn và sang Mỹ định cư với chồng. Không chỉ kể cuộc đời nghệ sĩ Mỹ Châu, sách còn khắc họa đời sống sân khấu cải lương đầy thăng trầm.
Trong căn nhà im ắng, chị nằm lắng nghe và chờ đợi. Sẽ có những tiếng động quen thuộc dưới garage. Rồi chị sẽ nhỏm dậy. Đã nhiều năm trên đất Mỹ, chị có thói quen như vậy. Người thân của chị sẽ về. Khanh - đứa cháu trai - sẽ bước vô nhà, mang theo chút hơi gió lạnh từ ngoài đường. Khanh sẽ nở nụ cười tươi tắn và ân cần với chị, hỏi han chị mấy câu trìu mến và ấm áp, trước khi đóng cửa phòng bước vào cái thế giới buồn vui riêng của nó. Chị sẽ yên tâm tìm giấc ngủ, kết thúc một ngày yên bình, tĩnh lặng và thảnh thơi.Đêm ở Atlanta

Nhưng đêm nay, Khanh nó đi đâu chắc về trễ. Chung quanh chị vẫn êm vắng. Chị khẽ khàng lui tới trong nhà, đếm những bước nhẹ nhàng, như mới ngày nào không xa, anh còn khỏe mạnh, luôn quẩn quanh và tươi cười bên chị. Nghe như có tiếng vòi nước chảy và tiếng chén đũa khua lách cách dưới bếp. Chị nhớ anh quá đỗi… Minh ơi!Sao anh bỏ em lại trong căn nhà ấm áp của đôi ta? Dù em vẫn thấy như anh chưa hề nhắm mắt mà ra đi vĩnh viễn. Em vẫn nghe thấy tiếng anh vừa nói vừa cười: “Thôi đi cô Năm Thủ Thừa ơi! Cô đừng giỡn với tui”…

Anh làm chị ấm áp và yên vui đến mức thỉnh thoảng chị quên mất thực tế cả hai đang đất khách quê người. Riêng anh luôn đau đáu nhớ quê nhà, nỗi niềm chính đáng của anh mà chị ưa giả bộ ít để ý đến. Với chị, chỉ cần có người yêu thương nhất ở bên cạnh là chị có cả thế giới: ăn đâu, ở đâu, cũng là thiên đường hết.

Đôi lúc chị quên mất, chị quên thiệt, rằng chị không phải là người đàn bà bình thường “nội tướng”, chị là một nghệ sĩ thở bằng những câu ca u buồn và ngọt lịm, từng sống hơn nửa đời người trong một ánh đèn mê hoặc khác thường, ánh đèn luôn phủ hào quang muôn sắc màu quanh chị. Khán giả nhìn ngắm chị, nói đúng hơn là ngưỡng vọng, ao ước.Chị, người đàn bà lạ lùng và cao vời đối với họ, dưới một ánh đèn đầy bí hiểm và thêu dệt.

Vậy mà chị quên hết, quên hết, chẳng mấy khi buồn nhớ hay tiếc nuối hào quang ấy, để có thể sống từng ngày bình thản và ấm áp bên anh. Chị không cần học nói tiếng Anh, không cần học lái xe, không cần bươn chải… như bao người phụ nữ tha hương khác. Anh vui vẻ chở che chị, việc lớn việc nhỏ chi anh cũng cười hả hê lẫn hạnh phúc mà làm tất tần tật cho chị.

Chẳng buồn nhớ làm chi đến hàng trăm vai phụ nữ anh hùng, diễm lệ, bất khuất, huyền thoại, đau khổ, trầm bi… mà chị từng hóa thân rất xuất sắc trên sân khấu. Những số phận phụ nữ ấy không vận vào đời chị. Họ không biết người nghệ sĩ có cuộc sống xuôi chèo mát mái như vậy mà diễn vai đau khổ thiệt là hay ho, hay tuyệt vời “trần ai khoai củ”. Bao nhiêu năm trường, chị sống giùm họ, hát giùm họ, khát khao cùng với họ và đau đớn tan nát, quằn quại sinh ly - tử biệt thay cho họ…

Rồi chị gặp anh, hai người sống cuộc đời của chính mình, đẹp và thật hơn cái sân khấu hư ảo, phù vân kia quá nhiều. Chị bước chập chững bên cạnh anh, chập chững vì còn phải dò dẫm thấp cao để quen với ánh nắng, cơn mưa, những âm thanh trần trụi ngoài đời, chứ không phải là âm thanh, ánh sáng cách điệu của sân khấu. Từ nhỏ tới lớn, chị có Vú (tức mẹ của chị), có chị Hồng Châu (chị gái của chị) lo toan mọi thứ, chị hồn nhiên hát, hồn nhiên kiếm tiền. Nhưng chị không quen nhìn mặt đồng tiền. Chuyện cầm tiền, đếm tiền, đi chợ mua bán… chị cũng không cần phải biết luôn.Rồi anh đến bên đời chị.

Chị đi từ ngỡ ngàng đến hạnh phúc viên mãn, dẫu có chút muộn màng, Ôi, cuộc đời của chính chị, sao ông Trời cho nó đẹp long lanh bằng cách ban cho chị một người bạn đời hiếm có như vậy!

Nhưng chị có ngờ đâu, hạnh phúc thật của chị, mà chị đã nhất định nắm chắc trong tay, ngỡ nó không thể nào là phù vân… thì rốt cuộc nó còn phù vân hơn cả cái sân khấu mờ ảo xa xăm kia. Anh dạo chơi bên chị nhiều ngày tháng ngắn dài, yêu thương chị đậm sâu, nồng thắm, rồi bỗng dưng lặng lẽ buông tay chị, nhắm mắt chìm sâu vào cõi đâu đâu…

Trời ơi! Lại khúc sinh ly - tử biệt, lần này là tiếng gào thét vô vọng trong lòng chị, chứ không phải là những khúc ca ai oán, lên bổng xuống trầm, làn hơi đầy đặn nấc nghẹn mà chị từng thả hồn trên sân khấu. Chị đau, đau bằng, không, chính xác là đau hơn nhiều, những nỗi đau của tất cả nhân vật chị hóa thân cộng lại.Một ngày nào đó, có thể chị sẽ thôi đau…

Nỗi đau ơi, mi cũng là một loại phù vân thôi mà…Nhưng còn nỗi quạnh vắng, còn khoảng trống mà người ra đi, dù yêu thương chị cách mấy cũng không thể mang nó theo, hoặc đổi chác nó thành một thứ khác cho chị?Vậy là cuối cùng, có một góa phụ hiên ngang trong số những nhân vật của chị, đã vận được vào đời thực của chị rồi sao?

Đêm ở Atlanta... quạnh vắng.

(Trích sáchChâu, chút tạ tình tri âm,Saigon Books)

Nghệ sĩ Mỹ Châu, tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu, sinh năm 1950 tại Thủ Thừa, Long An. Với chất giọng trầm đặc biệt, vẻ đẹp đậm chất Á Đông, bà được mệnh danh là ngôi sao của thế hệ vàng cải lương Việt Nam, cùng thời nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Minh Vương… Bà nổi tiếng qua các vở tuồng như:Hai lần thu hẹn, Trinh nữ lầu xanh, Khi rừng mới sang thu, Kiếp nào có yêu nhau, Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Khách sạn hào hoa...Mỹ Châu từng diễn chung với Minh Cảnh, Thành Được, Minh Phụng, Minh Vương...

Sau năm 2002, nghệ sĩ Mỹ Châu sang Mỹ để đoàn tụ với gia đình (chồng bàđã sang Mỹ từ trước). Bà sống tại tiểu bang Georgia và từ chối mọi lời mời đi hát. Trước khi ra đi, Mỹ Châu tạm biệt khán giả qua hai vở tuồng gây tiếng vang làVõ Tắc Thiên(sân khấu) vàTơ vương sầu ly biệt(Hãng phim Tây Đô). Bà nhận Huy chương vàng triển vọng Thanh Tâm vào năm 1967, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1993. Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam 1999.

Chồng bà là nghệ sĩ Đức Minh, tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh năm 1952 tại Bến Tre. Hai người kết hôn từ năm 1990. Ngày 14/1/2014, nghệ sĩ Đức Minh qua đời tại Atlanta(Mỹ) sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư gan,hưởng thọ 62 tuổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Mỹ Châu: 'Chồng đột ngột mất khiến tôi cô quạnh'