Nghề báo có nhiều nguy cơ sụt giảm số lượng, “báo chí đứng trước tương lai đáng sợ”, nhưng thật ra, tin tức thì bao giờ cũng cần, và càng tràn ngập càng cần tin tức có giá trị.

Nghề báo thay đổi...

24/06/2016, 12:24

Nghề báo có nhiều nguy cơ sụt giảm số lượng, “báo chí đứng trước tương lai đáng sợ”, nhưng thật ra, tin tức thì bao giờ cũng cần, và càng tràn ngập càng cần tin tức có giá trị.

Ảnh minh họa.

Báo chí công dân – ai cũng có thể đưa tin. Vậy có cần nhà báo nữa không?

Thông tin về sự đóng cửa những tờ báo lớn trên thế giới và sự giảm số lượng ghê gớm của báo in, khiến nhiều người trẻ bây giờ không đổ xô vào học Báo chí nữa.

Thậm chí trong một lớp sinh viên học báo chí hẳn hoi, có khi vẫn phải hỏi, có bao nhiêu em học xong chọn nghề làm báo. Nghe có vẻ mâu thuẫn. Thực tế là, nhiều người học truyền thông, không chọn làm báo in. Hoặc là học báo chí ra làm doanh nghiệp.

Các tòa báo phải cấu trúc lại, làm Tòa soạn tích hợp và tất cả đều phải có báo điện tử.

Nhưng sự thay đổi lớn lao nhất không chỉ là công cụ. Giờ đây khẩu hiệu là “Content is king - Technology is queen” (Nội dung là vua, công nghệ kỹ thuật là hoàng hậu).

Từ các thay đổi đó, các nhà báo gạo cội của thế giới đưa ra nhiều cách mới mẻ để phát triển trong thực tế mới tràn ngập công nghệ và Internet phát triển như vũ bão.

Nghề báo có nhiều nguy cơ sụt giảm số lượng, “báo chí đứng trước tương lai đáng sợ”, nhưng thật ra, tin tức thì bao giờ cũng cần, và càng tràn ngập càng cần tin tức có giá trị. Vậy là “tin tức vẫn ổn”.

Trong cuốn sách “Hơn cả tin tức” của Mitchell Stephens có hẳn một chương lấy tiêu đề “Tạm biệt công thức kinh điển Ai - Cái gì - Khi nào - Ở đâu”. Nó làm thay đổi cả công thức viết tin tức.

Cách nay ít năm khi có người tiên đoán là “cả thế giới sẽ ở trong túi của bạn” thì ta ngỡ ngàng, nhưng bây giờ với cái smartphone điện thoại thông minh, điều ấy đã trở thành sự thật dễ hiểu. Một đám cháy, tai nạn hay bất kỳ sự kiện gì, ý kiến ai, lời phát biểu nào cũng có thể được người dân đưa lên tức khắc. Mạng xã hội tràn ngập ý kiến, tràn ngập hình ảnh tại chỗ. Vì thế, khẩu hiệu của hãng CNN trước đây “Be the first to know” (người đầu tiên biết chuyện) đã phải thay đổi. Người đầu tiên nhìn thấy chứng kiến chưa chắc đã là nhà báo, mà là người dân thường sống ở khắp nơi.

Ai cũng có thể đưa tin, vậy có cần nhà báo chuyên nghiệp nữa không?

Trước đây, công thức tiêu chuẩn chuyên môn của Billkeller từ 2009: “Báo chí chất lượng liên quan tới công việc của những phóng viên dày dạn kinh nghiệm đi đến nơi này nơi nọ chứng kiến, đào xới các hồ sơ, phát triển nguồn tin, kiểm tra rồi tái kiểm tra” (nhà báo – đi - chứng kiến – điều tra - kiểm tra).

Nay, Mitchell Stephens định nghĩa lại: “Báo chí là hoạt động thu thập, trình bày, diễn giải hoặc bình luận về tin tức cho một bộ phận công chúng”. Ông cho rằng “chỉ tương lai báo chí là khó khăn nhưng tương lai của tin tức vẫn ổn”.

Bây giờ ai cũng có thể đưa tin tức và hình ảnh lên mạng. Cho nên cái công thức 5W +1H mà các trường báo chí, các thế hệ nhà báo đã áp dụng, giờ đây phải thay đổi. Có 4W không còn quan trọng như trước nữa, nhà báo có thể được xã hội làm giùm 4 W đó rồi (Ai - Cái gì - Ở đâu - Khi nào).

Các “nhà báo công dân” chỉ nhanh nhậy được những thứ đó, nhà báo chuyên nghiệp tận dụng nó, chỉ kiểm tra thôi chứ không phải mất quá nhiều công sức đi tìm nó nữa. Các nhà báo công dân bị điểm yếu về danh xưng, dễ bị sai lạc, không có chức năng tiếp cận các nguồn tin, các nhà lãnh đạo với tư cách xác định nguyên nhân sâu sa và những diễn biến bên trong, rất dễ sai lạc. Chính vì thế nhà báo chuyên nghiệp giờ “độc quyền How – Thế nào và Why - Tại sao.

Vì thế, khẩu hiệu của CNN giờ đây không còn Be the first to know - tôi là người biết trước nhất - nay đổi thành “Be There” - Sẽ tới đó tìm sự thật và nhiều thứ sâu sa phía sau.

Tính khách quan mà trước đây được hiểu là “chỉ có sự thật, không có quan điểm cá nhân “giờ đây nhà báo” không chỉ là người tường thuật điều đang xảy ra nữa, mà là những cá nhân có khả năng cung cấp một góc nhìn khôn ngoan về điều đang xảy ra”.

Hàng ngày trên các mạng xã hội, người ta bình luận, comment ý kiến khắp nơi, trên mọi việc. Nhiều khi đối chọi, chửi bới, chứng minh, nghe ai cũng có lý. Vậy sự thật đúng nhất, cần nhất, tốt đẹp nhất cho con người nó nằm ở đâu? Chính là ở nền “báo chí trí tuệ “ (Wisdom journalism).

Theo Mitchell Stephens, “đó là một thuật ngữ nói về báo chí mang phong cách cao hơn chuyên môn, chuyên nghiệp về báo chí khao khát mang lại nhiều điều hơn là chỉ đơn thuần kể lại tin tức, tường thuật lại những gì đã xảy ra”. (Hơn cả tin tức).

Những người làm báo có thể coi hướng đi và quan niệm này để càng trở nên chuyên nghiệp bằng sự diễn giải thông minh và hữu ích của mình. Nó là con đường để báo chí có một chất lượng mới.

Sáng tạo lại giá trị mới

Dường như nhiều dấu hiệu cho thấy nghề báo đang sa sút khó cưỡng lại? Tổ chức PEW ra báo cáo tình hình năm 2016 chưa bao giờ khó khăn đến thế. Giảm số phát hành 7%, giảm nhân sự thêm 10% và giảm quảng cáo thêm 8% trên báo in và cả báo điện tử nữa.

Số liệu về Digital tăng 20% nhưng thực chất chỉ béo bở mấy ông khổng lồ về công nghệ như FB, Google, Microsoft, Yahoo… Báo chí chẳng được bao nhiêu.

Các báo điện tử đã từ lâu tìm cách câu view, làm báo giật gân coi như phương thức tồn tại và phát triển. Cuộc tranh luận lên án lá cải cuối cùng vẫn chưa đi đến đâu. Thậm chí thực tế luôn chứng minh “làm lá cải là con đường thoát duy nhất”. Là vì, cứ thử điều tra thăm dò mà xem. Một bài về giảm thuế là quan trọng hơn chuyện một cô chân dài mặc váy xuyên thấu hở hang, gây xì can đan tình ái chứ gì? Thế nhưng kết quả điều tra sao cũng cho thấy cái tin vớ vẩn kia nhiều người đọc hơn. Dù rằng đọc xong, họ quay lại la mắng báo chí là thấp kém và vớ vẩn.

Ngay dù những người tò mò, đọc tin giật gân cũng thấy mình cần được đọc cái gì đó tử tế hơn. Vì sao vậy?

Là bởi vì, bản chất của truyền thông không thay đổi. Bất cứ xã hội nào cũng phải tồn tại trên những nền tảng. Truyền thông là một trong những nền tảng ấy. Là bởi vì “Không có truyền thông, một tập đoàn người đông đến mấy cũng không thành xã hội được”. Không phải cứ đông đúc là tự nhiên thành xã hội. Mà phải có kết nối. Truyền thông làm điều đó.

Trong nghề báo, dạng thức báo chí quan trọng nhất – các nhà báo phương Tây gọi là “Hạt nhân thép”. Hiểu đơn giản đó là những tin tức được kiểm chứng bằng kỹ thuật nghiệp vụ báo chí cẩn trọng. Và là những tin tức về vấn đề nghiêm túc cần cho cuộc sống chứ không là giải trí.

Giải trí có cần không? Cần, nhưng giải trí không nằm trong “hạt nhân thép”. Cần, nhưng không đem lại sức mạnh công lợi của báo chí. Sản xuất ra tin tức nghiêm túc, làm điều tra luôn tốn kém, nhà báo phải giỏi mới có khả năng buộc cơ quan công quyền phải giải trình. Chính vì thế báo chí viết những vấn đề nghiêm túc sẽ có quyền lực lớn.

Ngày nay cho dù con người đã thay đổi cách thức đọc tin tức, không có nghĩa là con người không còn vấn đề quan trọng để quan tâm và hiểu biết.

Chính vì giá trị đó, vai trò quan trọng đó của báo chí khiến giới báo chí đang tìm mọi cách để thay đổi cách viết cho phù hợp với việc con người dùng công nghệ tiếp cận với tin tức.

Người đọc bây giờ là “thợ lướt và quét” (Scanners and Surfers), không còn là “thợ lặn”, họ lướt qua trang web, mạng xã hội, các trang điện tử và mobile. Cách thức đưa tin tức, cách viết phải sáng tạo lại.

Ngày nay, tin tức không còn là độc quyền của báo chí. Thời đại này báo chí không còn là cung cấp thông tin một cách thuần túy, mà là cung cấp một cách ấn tượng về tin tức.

Chính vì thế báo chí không dừng lại ở việc đưa tin chính xác nhanh nhất nữa (vì việc này có nhiều cách công chúng đã biết) và cũng không thể đưa đơn thuần sự kiện một cách “khách quan lạnh lùng” như trước đây, mà họ cần những cảm xúc, ý kiến dẫn giải thông minh đúng với sự thật nhất.

Chính điều đó là nhu cầu mới của người đọc và nghề báo phải tìm cách sáng tạo lại, không thể làm như cũ.

Nguyễn Thị Ngọc Hải - Tạp chí Thời Trang Trẻ

Bài liên quan
Mời tham gia sáng tác logo kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam
Hội Nhà báo Việt Nam vừa có công văn 582/VC-NBVN về việc hưởng ứng sáng tác mẫu logo 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam cùng nhiều hoạt động hướng tới ngày kỷ niệm này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề báo thay đổi...