Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp thật vinh dự, rất vui trong “ngày Tết tinh thần” của nhà giáo. Thế nhưng chúng tôi không khỏi mủi lòng khi báo chí và dư luận đặt nặng chuyện phong bì trong dịp này.

Ngày nhà giáo sao đặt nặng chuyện phong bì?

20/11/2018, 13:25

Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp thật vinh dự, rất vui trong “ngày Tết tinh thần” của nhà giáo. Thế nhưng chúng tôi không khỏi mủi lòng khi báo chí và dư luận đặt nặng chuyện phong bì trong dịp này.

Nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa niềm vui quà tặng ngày 20.11 là

“Đến hẹn lại lên”, mỗi dịp 20.11 đến, xã hội tôn vinh nghề giáo. Báo chí, truyền thông đăng tải nhiều bài viết ngợi ca người thầy, ghi nhận những đóng góp của thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn thử thách của người thầy trong cuộc vật lộn mưu sinh với nghề.

Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp thật vinh dự, rất vui trong “ngày Tết tinh thần” của nhà giáo. Thế nhưng chúng tôi không khỏi mủi lòng khi báo chí và dư luận đặt nặng chuyện phong bì trong dịp này.

Cũng như các năm trước, trước thềm Ngày nhà giáo năm nay, nhiều trang báo mạng đã đăng tải không ít bài viết liên quan đến chuyện “phong bì” ngày Nhà giáo. Nhiều báo không ngần ngại giật tít rất ... “giật gân” như “Nhận phong bì ngày nhà giáo”, “Hãy tặng chúng tôi phong bì ngày 20.11, đừng tặng hoa”, “Thầy giáo kêu gọi mọi người tặng nhiều “phong bì” nhân ngày 20.11”, “Ngày 20.11 nên cho con tặng quà hay tặng phong bì thầy cô?”, “Cô giáo bật khóc nhắc kỷ niệm “phụ huynh chưa kịp tặng phong bì”... Không phải tất cả những bài viết này đều phê phán chuyện nhà giáo nhận phong bì, mà ngược lại nêu mặt tích cực của phong bì (như chuyện một thầy giáo kêu gọi góp phong bì để làm quỹ từ thiện). Nhưng cách giật tít như thế thật không nên. Thứ nhất, nó gây hiểu nhầm cho người đọc, người xem. Thứ hai, vô hình trung báo chí đặt nặng chuyện phong bì ngày Nhà giáo, vô hình trung tạo sự phản cảm, vô tình làm tổn thương danh dự nhà giáo.

Ngày nhà giáo đặt nặng chuyện phong bì để làm gì? Có phải các báo quan tâm đến đời sống nhiều giáo viên hiện đang rất khó khăn hay muốn đem chuyện tế nhị ấy để câu like, thu hút người đọc, người xem?

Chiếc phong bì liên quan đến tiền - phương tiện để trao đổi mua bán. Có lẽ điều ấy dễ làm người ta nghĩ tới chuyện tiêu cực trong quan hệ phụ huynh, học sinh với thầy cô giáo. Người ta dễ nghĩ tới quan hệ thương mại hóa trong giáo dục.

Theo tôi, người ta chỉ ngại thôi, thật ra chuyện “phong bì” Ngày nhà giáo không có gì quá trầm trọng. Tôn sư trọng đạo, tri ân thầy cô là truyền thống xưa nay. Ngày 20.11 là dịp để học sinh tri ân, phụ huynh quan tâm chúc mừng thầy cô giáo. Thầy cô giáo không ai đòi hỏi, yêu cầu gì từ phía phụ huynh hay học sinh. Bó hoa hay phong bì suy cho cùng cũng chỉ là món quà mang ý nghĩa tinh thần là chính. Món quà nọ quà kia suy cho cùng cũng là tiền, dù trị giá ít hay nhiều. Vậy không có chuyện tặng quà “tế nhị” hơn tặng phong bì. Trước đây Ngày nhà giáo người ta tặng hoa, quà cho thầy cô. Những năm gần đây người ta tặng phong bì. Thiết nghĩ đây hoàn toàn là sự linh động từ phía phụ huynh, chứ không có nhà giáo nào đề xuất phụ huynh phải tặng phong bì cho mình. Đã qua rồi cái thời thiếu thốn hàng hóa, vật dụng, ngày Nhà giáo người ta tặng thầy cô bộ ấm chén, hộp xà phòng, quyển sổ, cây bút, cái cà vạt, dây thắt lưng, xấp vải quần áo... Nhu cầu sử dụng của con người ngày nay đa dạng hơn, cá tính hơn, có lẽ vì thế mà phụ huynh đi phong bì cho tiện.

Khách quan mà nói, trong giáo dục thi thoảng vẫn có chuyện “phong bì chống trượt”, “phong bì xin việc”, “phong bì thuyên chuyển công tác”... Nhưng số đó không nhiều. Riêng chuyện phong bì Ngày nhà giáo khác với chuyện “bôi trơn”, “lại quả”, “bảo kê”, “quan hệ - hậu duệ - tiền tệ” trong các ngành, lĩnh vực khác.

Cần nói thêm, chuyện tặng “phong bì” là quá cũ ở nhiều thành phố, đô thị lớn, nhưng là chuyện rất hiếm hoặc tuyệt nhiên không hề có ở nhiều vùng nông thôn, miền núi. Có nhiều thầy cô “cắm bản” vùng sơn cước, vùng nông thôn nghèo, ngày 20.11 họ không hề có một bó hoa, một tin nhắn chúc mừng từ phụ huynh hay học sinh, nói chi đến quà cáp, phong bì. Ban đầu chắc họ cũng buồn nhưng rồi quen dần, họ vẫn rất vui và tự hào, hạnh phúc trong ngày hội của nghề. Các cấp chính quyền, đoàn thể của địa phương đâu có quên họ, họ đâu có “cô đơn” trong lòng dân !

Rất nhiều thầy cô giáo cả đời đi dạy không bao giờ được nhận phong bì trong ngày 20.11 từ phụ huynh, học sinh, thế nhưng họ vẫn say mê tâm huyết với nghề, hết lòng với trẻ, sống chuẩn mực và lao động sáng tạo không ngừng. Thầy cô giáo không phải là thần thánh gì nhưng với đặc thù nghề nghiệp (trừ một số trường hợp rất ít, ngoại lệ biến chất tha hóa), không ai vì chuyện phong bì ngày 20.11 mà buồn vui, mà phân biệt đối xử với phụ huynh, học sinh. Thế nên, trước thềm Ngày nhà giáo đặt nặng chuyện phong bì là điều hoàn toàn không nên.

Lê Xuân Chiến (GV trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước, Quảng Nam)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày nhà giáo sao đặt nặng chuyện phong bì?