Đọc tiêu đề, có người vội la toáng lên tác giả “giật tít câu like”. Dạ, xin thưa, trăm ngàn lần không phải vậy. Tôi chưa bao giờ tham gia mấy trò đó. Có chứng cớ hẳn hoi. Trong dịp khai giảng tại vùng lũ Quan Sơn, Thanh Hóa năm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau khi hỏi han thân mật và nhận được những câu trả lời thật thà của trẻ, đã hứa “Sẽ trả lại ngay khai giảng đúng nghĩa cho học sinh”.

Ngày khai giảng vẫn bị đánh cắp...

06/09/2019, 10:03

Đọc tiêu đề, có người vội la toáng lên tác giả “giật tít câu like”. Dạ, xin thưa, trăm ngàn lần không phải vậy. Tôi chưa bao giờ tham gia mấy trò đó. Có chứng cớ hẳn hoi. Trong dịp khai giảng tại vùng lũ Quan Sơn, Thanh Hóa năm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau khi hỏi han thân mật và nhận được những câu trả lời thật thà của trẻ, đã hứa “Sẽ trả lại ngay khai giảng đúng nghĩa cho học sinh”.

Lễ khai giảng 45 phút ở Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường

Trong tiếng Việt, động từ “Trả lại” được dùng khi một vật, một sự kiện bị quên, bị chiếm đoạt, lấy cắp hoặc bị cướp. Nói như Bộ trưởng thì lễ khai giảng lâu nay của ai? Quên, chắc là không. Chỉ có thể bị lấy hoặc chiếm đoạt mà không xin phép, vì nghĩ rằng học sinh và cả sinh viên vẫn chưa phải là “người lớn” nên không biết gì. Nhưng ai là thủ phạm? Phải chỉ đích danh. Nếu nguy hại phải truy tố theo pháp luật. Trẻ em Việt Nam vốn hiền lành, dễ thương nên chẳng đứa nào nghĩ ra chuyện kiện tụng. Bao năm nay, bị mất ngày khai giảng, vẫn ngoan ngoãn vâng lời, không dám thắc mắc, dù hơi khó chịu.

Chẳng những trả lại ngày khai giảng bình thường mà là “Ngày khai giảng đúng nghĩa”. Mới nghe, đám “Trẻ con lớn tuổi” như tôi muốn nhảy cẫng lên vì sướng. Có đứa bị nhiễm phim Tàu quỳ mọp xuống đất, gập đầu tung hô “Bộ trưởng vạn tuế”. Mấy đời Bộ trưởng, chưa ai nghĩ đến chuyện đó. Đứa bi quan thì can “Mới hứa thôi, đừng vội mừng”. Bằng chứng phổ biến, lễ khai giảng bao năm qua vẫn “của ai, của ai”; chứ không phải của học trò. Chuyện này đâu có gì mới.

Cách đây mấy năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trăn trở trước những lễ khai giảng "làm khổ" học sinh. Nào là "Ngày giờ khai giảng phụ thuộc vào thời gian của các lãnh đạo cấp trên". Nào là "Bất kể thời tiết nắng hay mưa, học sinh - nhất là các cháu tiểu học - phải tập dượt để chuẩn bị khai giảng". Nào là “Kính thưa lòng vòng, phát biểu lê thê”. Nào là “Người lớn (thật ra là lãnh đạo) có bàn ghế ngồi tươm tất. Còn trẻ con ngồi đất, thầy cô thì đứng”…

Phó Thủ tướng cho rằng “Cần thay đổi để lễ khai giảng ngắn gọn, làm thực sự vì học sinh. Tôi đề nghị chúng ta làm vì các cháu, nhất định không để các cháu nhỏ đứng nắng xếp hàng, vẫy cờ chào đại biểu. Như vậy rất nhiêu khê, rất khổ sở, phải nghe bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện, sở, phòng trong khi các cháu không hiểu gì cả...".

Nghe những lời gan ruột đó, nhiều người hi vọng lễ khai giảng những năm học tiếp theo sẽ thực sự vì học sinh, bớt đi nhiêu khê phụ thuộc vào người lớn. Nhưng rồi năm học mới đến, lễ khai giảng vẫn “Của ai, của ai”, bản chất vẫn không thay đổi. Vẫn nặng nề hình thức khoa trương của người lớn.

Năm nay tình hình có đỡ hơn nhưng nhiều nơi, trong vòng 2 - 3 tuần trước ngày 5.9, ở nhiều trường, buổi nào đến lớp, học sinh cũng căng mình dưới cái nắng gay gắt để tập dượt, nào đi, đứng, chào vẫy cờ hoa, đánh trống, tập đủ hiệu lệnh cho buổi lễ hoành tráng theo ý của dăm người quản lý và lãnh đạo. Có bé vừa bước chân vào lớp 1 ngơ ngác hỏi: "Sao ngày nào cũng khai giảng thế hả mẹ". Có em học sinh tiểu học nhận xét “Thầy hiệu trưởng chỉ lễ phép với cán bộ”. “Sao con lại nói vậy?”. “Vì thầy chỉ kính thưa với mấy cán bộ. Ông ngoại rất già dự lễ nhưng không ai kính thưa?”…

Năm 1945, nhân ngày khai giảng đầu tiên của quốc gia độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gởi thư cho “Các cháu học sinh”, dặn dò những điều nhẹ nhàng cụ thể. Truyền thống đó vẫn đang dược tiếp tục nhưng đã biến tướng. Thay vì gởi cho học sinh nhân ngày khai giảng thì gởi cho cả “Ngành giáo dục”. Chủ thể thay đổi thì nội dung phải thay đổi là đương nhiên. Ngày khai giảng đúng nghĩa chỉ còn trong “miền cổ tích” của đám “trẻ con lớn tuổi” ở miền Nam trước 1975.

Xin đừng hứa nữa mà hãy làm đi. Tại sao Phó Thủ tướng và Tư lệnh ngành, không “Ra lệnh” hay “Chỉ thị” mà chỉ “Đề nghị” và “Hứa”. Trong khi chờ đợi “Ngày khai giảng” được “Trả lại”, học sinh và cả phụ huynh ngày nay, cứ mơ về “Lễ khai giảng của học sinh” như “Ngày xưa”, khi đám “Trẻ con lớn tuổi”, hơn nửa thế kỷ trước, còn cắp sách đến trường. Ước mơ không tốn tiền và cũng không cần chỉ đạo, chẳng cần xin phép nên cứ tha hồ MƠ và thoải mái ƯỚC.

Vi Văn Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày khai giảng vẫn bị đánh cắp...