Bao giờ cũng vậy, cứ vào dịp đầu năm mới là mưa phùn lất phất rơi. Đó cũng là lúc các vườn bưởi ven thành phố ở quê tôi lại nở hoa, tỏa hương thơm ngào ngạt.
Văn hóa

Ngào ngạt hương bưởi mùa xuân

Lê Kết 10/02/2024 15:40

Bao giờ cũng vậy, cứ vào dịp đầu năm mới là mưa phùn lất phất rơi. Đó cũng là lúc các vườn bưởi ven thành phố ở quê tôi lại nở hoa, tỏa hương thơm ngào ngạt.

Ngày trước, những cánh đồng ở quê tôi chỉ trồng lúa, ngô, khoai; khi lại vun xới thì trồng đậu và rau màu… còn bưởi chỉ được trồng trong vườn nhà với mỗi hộ vài cây để ăn chơi. Thế nhưng, trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế của cây bưởi cao, có thể thu hoạch bền vững nhiều năm sau trồng nên các hộ gia đình đã trồng bưởi đại trà, phổ biến ngoài đồng. Nhiều ruộng lúa, đất bãi bồi ven sông, thậm chí là cả bờ vùng bờ thửa cũng được người dân tận dụng để trồng bưởi thay cho các loại cây khác. Không chỉ làng xã tôi, mà cả một miền quê rộng lớn trong vùng đều trồng bạt ngàn bưởi các loại. Vì vậy, vào dịp cuối năm khi bưởi bước vào mùa chín vàng rực rỡ, hay dịp đầu năm là thời điểm bưởi nở hoa trắng ngần, nó đã tạo ra một bức tranh trải dài trên các cánh đồng, đầy sắc màu và hương thơm, đẹp đến nao lòng…

Khi vào mùa bưởi trổ hoa, đi dưới những tán cây bưởi hay các vườn bưởi rộng mênh mông, bất cứ ai cũng đều thích thú và cảm thấy vô cùng khoan khoái. Những chùm hoa bưởi trắng ngần, bên trong lấp ló nhụy vàng. Hoa bưởi mộc mạc, giản dị, tinh khôi giống như những cô thôn nữ quê tôi. Khi chưa nở, bông bưởi có sắc trắng pha lẫn gân xanh, còn khi hoa bắt đầu bung nở thì có một màu trắng ngần khiến ai cũng đều ngẩn ngơ, xuýt xoa vì… đẹp!

Mùa hoa bưởi qua đi rất nhanh, chỉ chóng vánh trong khoảng hơn chục ngày là hoa bắt đầu tàn để đơm quả cho người trồng một mùa bội thu. Khoảng thời gian hoa bưởi bung nở không chỉ hấp dẫn ong bướm đến hút mật mà còn thu hút nam thanh nữ tú đến "làng bưởi" quê tôi để thưởng ngoạn và chụp ảnh. Ngay cả những người thân của tôi dù bận công việc trên thành phố, nhưng hễ đến mùa hoa bưởi thì họ đều tranh thủ về quê vào dịp cuối tuần để ngắm hoa cho thỏa thích.

Nếu như màu trắng ngần tinh khôi, tuyệt đẹp của các chùm bông bưởi khiến ai cũng phải ngẩn ngơ, các đôi tình nhân thì “… lòng bối rối…” (Hương thầm, lời thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ), thì hương thơm tỏa ra khi bưởi trổ bông mới quyến rũ làm sao! Đúng vậy, khi tới mùa hoa bưởi thì cả không gian rộng lớn quê tôi chẳng khác gì một “lọ nước hoa” khổng lồ, bởi chỗ nào cũng đượm mùi thơm của hoa bưởi.

Hương bưởi ngào ngạt, lan tỏa vào không gian các ngôi nhà trong xóm làng, bay xa ra muôn nơi. Thậm chí cách khu đồng trồng bưởi cả mấy cây số người ta vẫn có thể ngửi thấy hương bưởi thoang thoảng trong gió.

Ngày còn học ở trường làng, bọn trẻ con chúng tôi vẫn thường có trò "ướp" hương bưởi trong khăn mùi xoa hay cặp sách. Chúng tôi ngắt vài chùm hoa bỏ vào trong cặp, túi, ba lô rồi gói, đóng kín lại. Hôm sau khi chúng tôi đi học, hương hoa bưởi vẫn thơm ngào ngạt. Một trò vui nhộn và trở thành kỷ niệm khó quên là khi những bông bưởi rụng xuống (loại bông không đậu quả), lũ trẻ trong xóm chúng tôi thường nhặt rồi dùng kim chỉ xâu lại thành chuỗi đeo cổ, đeo tay hoặc kết vương miện đội đầu khi chơi trò đám cưới giả.

Khi chơi trò này thì "cô dâu" và "chú rể" luôn được tô điểm lộng lẫy bằng nhiều vòng hoa bưởi trên người. Ngoài ra, "chú rể" còn ôm một bông hoa bưởi rồi trao lại cho "cô dâu" lúc sang bên nhà gái đón dâu. Các "thành viên khách mời" dự đám cưới thì mỗi đứa cũng đeo theo một chuỗi hoa bưởi ở tay.

Thời nay, trẻ con ở quê tôi không còn chơi trò đám cưới giả gắn với hoa bưởi nữa. Thế nhưng, với thế hệ chúng tôi, khi mùa hoa bưởi tới, tôi chỉ muốn được quay về thời ấu thơ, dẫu có nghèo khó, vất vả nhưng cuộc sống vô cùng vui nhộn, đáng nhớ; con người ta sống tình cảm, gắn bó tình làng nghĩa xóm.

Tôi vẫn còn nhớ, mỗi mùa hoa bưởi đến, bà và mẹ vẫn thường bỏ hoa vào chung với sả, bồ kết khi nấu nước gội đầu, nước tắm. Thời ấy không có dầu gội, sữa tắm như bây giờ. Thế nhưng, dù là nước tắm mộc mạc với những nguyên liệu cây nhà lá vườn nhưng độ tẩy rửa sạch sẽ và hương thơm của chúng lưu lại rất lâu trên cơ thể, khó có loại mỹ phẩm của thời hiện đại nào sánh kịp.

Ngoài ra, khi bưởi trổ hoa thì cũng là lúc người dân làng tôi thường mang các cánh hoa bưởi đi ướp trà để dùng dần hay đãi khách, làm quà biếu. Trà ướp hoa ngâu, hoa sen, hoa nhài bấy lâu nay đã thành quen, thành phổ biến, nhưng trà hương bưởi lại mang một hương vị rất riêng, khiến những ai từng được thưởng thức khó lòng quên được. Bao năm ấu thơ tôi vẫn thường thấy cha mình luôn nhắc nhở các con nhặt những bông bưởi rụng vào sớm mai, trước lúc mặt trời mọc để ướp trà.

Trà mang ướp cùng là loại trà Thái Nguyên hảo hạng. Các bông hoa bưởi dùng để ướp trà cũng phải là hoa mới nở chúm chím, không được quá lâu, bởi một khi bông hoa bung nở qua mấy ngày thì mùi sẽ không còn đượm, hương thơm không còn nồng nàn nữa.

Hoa bưởi còn được dùng để “nêm” vào món cháo trắng, món chè đậu đỗ khiến món ăn có hương vị thật khó quên.

Ký ức tuổi thơ tôi có màu trắng tinh khôi của hoa bưởi, được “tẩm ướp” bằng mùi hương ngào ngạt của hoa bưởi, cùng với vô vàn những kỷ niệm. Những cây bưởi trong vườn nhà, trên đồng bãi mà cha mẹ đã bỏ mồ hôi, công sức, tiền bạc để vun trồng qua bao năm tháng không chỉ tạo nên các mùa hoa làm đẹp, mà nhờ những vườn bưởi ấy mà cha mẹ có thu nhập để nuôi mấy anh chị em chúng tôi lớn khôn, ăn học nên người.

Giờ đây, mỗi khi tới mùa bưởi trổ bông dịp đầu xuân, dù sống xa quê nhà cả ngàn cây số nhưng tôi vẫn có cảm giác mùi hương bưởi ngào ngạt phảng phất xung quanh mình…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngào ngạt hương bưởi mùa xuân