Bộ KH-ĐT vừa công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch do chủng mới của coronavirus (Covid-19) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Ngành du lịch có thể thiệt hại từ 2-5 tỉ USD do dịch Covid-19

13/02/2020, 06:06

Bộ KH-ĐT vừa công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch do chủng mới của coronavirus (Covid-19) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề do dịch - Ảnh minh họa

Báo cáo cho hay, dịch đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Dịch đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu.

Theo đó, Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ..

Theo Bộ KH-ĐT, cùng với dịch tả lợn châu Phi và dịch cúm gia cầm cũng như thẻ vàng xuất khẩu thủy sản sang châu Âu chưa được gỡ bỏ, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nay lại càng gặp khó khăn khi phải đối mặt với dịch Covid-19.

Ngành sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp điện - điện tử có kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 37,5 tỉ USD năm 2019. Trong đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc.

Do đó, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.

Đối với ngành da giày, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý 2 sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu theo đường biên giới (đường bộ), ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giầy Việt Nam.

Ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, nếu dịch kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may của Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí sản xuất.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,2 tỉ USD (đứng thứ 5 sau Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc), chiếm 10,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; do đó, theo Bộ KH-ĐT, khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước.

"Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư", Bộ KH-ĐT nêu.

Cũng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm coronavirus. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Theo điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, bình quân 1 khách Trung Quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/khách, do vậy nếu dịch kéo dài hết quý 1, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỉ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỉ USD.

Riêng đối với ngành vận tại, vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch gây ra. Trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian dịch thì đã hủy toàn bộ chuyến.

Vận tải đường bộ và đường sắt, xe buýt, taxi cũng bị sụt giảm về sản do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Các ngành dịch vụ khác như kinh doanh lưu trú, du lịch gặp nhiều khó khăn do khách hàng hủy tour, hủy đặt phòng, hoạt động kinh doanh nhà hàng trầm lắng do tâm lý người dân ngại đến những nơi đông người.

Đố với kim ngạch xuất - nhập khẩu, tính toán của Bộ KH-ĐT cho hay, trong trường hợp dịch kéo dài hết quý 2/2020 thì ước tính quý 2 đạt kim ngạch xuất khẩu 58,5 tỉ USD, giảm 8,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 61,0 tỉ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong trường hợp dịch kết thúc trong quý 1/2020, CPI bình quân năm 2020 có thể tăng 3,96% so với cùng kỳ năm 2019, kết thúc trong quý 2/2020 dự báo CPI bình quân năm 2020 tăng 4,86%.

Do ảnh hưởng của dịch, dự báo số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ giảm ở hầu hết các lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2019 (15/17 ngành), trong đó giảm mạnh lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 23%); Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (giảm 11,8%), Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 14,5%) dẫn tới số lao động đăng ký mới giảm mạnh như nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 50,2%), vận tải kho bãi (giảm 37,9%).

Bộ KH-ĐT nêu ra 2 kịch bản. Trong trường hợp khống chế được dịch trong quý 1/2020 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, quý 1 tăng 4,52%; quý 2 tăng 6,08%; quý 3 tăng 6,92% và quý 4 tăng 6,81%.

Trường hợp dịch được khống chế trong quý 2/2020 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm% so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020. Trong đó, quý 1 tăng 4,52%; quý 2 tăng 5,1%; quý 3 tăng 6,70% và quý 4 tăng 6,81%.

Lam Thanh

Bài liên quan
Du lịch TP.HCM thu về hơn 173.500 tỉ đồng trong 11 tháng năm 2024
Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu về du lịch TP.HCM tháng 11 và 11 tháng năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành du lịch có thể thiệt hại từ 2-5 tỉ USD do dịch Covid-19