Trong bối cảnh vốn tín dụng không ra được nền kinh tế, ngân hàng cũng rất đau đầu vì vẫn phải huy động vốn và trả lãi vay, áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn.

Ngân hàng ‘đau đầu’ vì DN không muốn vay

Sơn Lam | 08/09/2023, 06:00

Trong bối cảnh vốn tín dụng không ra được nền kinh tế, ngân hàng cũng rất đau đầu vì vẫn phải huy động vốn và trả lãi vay, áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn.

Gặp khó trong sản xuất, DN không muốn vay tiền

Tại cuộc họp ngày 7.9 về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp (DN), tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung của tổng cầu hiện nay, khả năng hấp thụ vốn thấp, việc triển khai giải ngân tín dụng chưa được như kỳ vọng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc sản xuất gặp khó khăn không chỉ ở tín dụng mà là do thiếu đơn hàng và đơn giá thấp. DN không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì không vay tiền để làm gì dù lãi suất có thấp.

Theo hiệp hội, trước mắt nhu cầu của thị trường hàng dệt may chưa thể một sớm một chiều tăng được. Tuy nhiên, về lâu dài, có rất nhiều cơ hội kinh doanh và nhu cầu vốn rất lớn, nhất là trong "chuyển đổi xanh”. Nhà nước và ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn cho DN dệt may đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai.

tien-5.jpeg
Ông Đậu Anh Tuấn, Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI - Ảnh: VGP

Ông Đậu Anh Tuấn, Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp với bức tranh chung của nền kinh tế. Lý do chính của tăng trưởng tín dụng chưa cao là do thị trường xuất khẩu giảm, nên DN thận trọng trong các kế hoạch đầu tư sản xuất.

Ông Tuấn cũng đề xuất các giải pháp liên quan đến khôi phục niềm tin thị trường, tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và DN, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu…

Nền kinh tế đang ở trạng thái không bình thường

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, DN, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.

Theo ông Thành, để có lời giải cho bài toán này, chỉ riêng hệ thống ngân hàng khó giải quyết được vấn đề.

Theo đó, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất), cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.

tien-3.jpeg
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành

Về tư duy, ông Thành cho rằng "không được đánh đồng" giữa vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.

Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.

PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh chưa bao giờ Chính phủ, các cấp, các ngành điều hành quyết liệt như thời gian vừa qua, nhưng kết quả chưa như mong đợi.

“Rõ ràng là nền kinh tế đang ở trong trạng thái không bình thường. Trong bối cảnh đó, cần phải phân tích kỹ các nguyên nhân từ bên trong bộ máy hành chính cũng như cấu trúc của hệ thống DN Việt Nam để nhận diện đúng và có biện pháp xoay chuyển”, ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, vấn đề khó nhất đối với DN hiện nay là vấn đề thị trường. Do đó, phải mở được các thị trường cho DN, "thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông được".

Ông Thiên cũng nhấn mạnh, đối với việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường, phải có những giải pháp khác thường. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng can đảm hơn, tiếp cận DN bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ hỗ trợ tín dụng DN phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo…

tien-4.jpeg
PGS-TS Trần Đình Thiên phát biểu - Ảnh: VGP

Ông Thiên cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ"… Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế, nhưng cần phải làm.

Ngân hàng cũng rất đau đầu

TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, trong bối cảnh rất khó khăn, "chúng ta vẫn có lợi thế là nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định". Đây là vấn đề rất quý và "chúng ta cũng phải vui một tí".

Về điều kiện cho vay, ông Nghĩa cho rằng đây là quyền của các ngân hàng thương mại. Quyền lựa chọn theo "khẩu vị rủi ro" của từng ngân hàng và Nhà nước chỉ nên đưa ra khuyến cáo, không nên bắt buộc.

Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng thương mại cũng chia sẻ những khó khăn với cộng đồng DN, cho biết trong bối cảnh thanh khoản dồi dào nhưng vốn tín dụng không ra được nền kinh tế. "Ngân hàng cũng rất đau đầu vì vẫn phải huy động vốn và trả lãi vay, áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn".

Thực tế do nhu cầu thị trường không có nên DN cũng không có nhu cầu vốn. Nếu vay vốn về sản xuất mà hàng tồn kho nhiều hơn, lại phải trả lãi thì DN còn khó khăn hơn nữa.

Về tín dụng, các ngân hàng thương mại cho biết có thể chấp nhận rủi ro hơn, nhưng phải thu hồi được vốn và các dự án phải có cơ sở pháp lý chắc chắn…

Trong bối cảnh các cơ chế liên quan đến tín dụng "đã mở hết rồi", các ngân hàng trao đổi với DN để nói rõ "khẩu vị", đồng thời tư vấn cho DN về cách làm để tìm tiếng nói chung.

tien-1.jpeg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh cần phải tìm cơ hội trong khó khăn để vượt qua thách thức; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa. Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên cũng phải quan tâm cung ứng tín dụng cho các khu vực khác để "góp gió thành bão", thúc đẩy kinh tế hồi phục, phát triển…

Phó thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, “tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Quan trọng nhất hiện nay là phải tìm điểm cân bằng, thiết kế lãi suất mặt bằng hợp lý…”.

Phó thủ tướng cũng cho rằng cần khẩn trương nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân, DN. Trong bối cảnh hiện nay, cần nghiên cứu đề xuất chính sách mang tính đột phá.

Bài liên quan
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng
Ngày 21.11, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng ‘đau đầu’ vì DN không muốn vay