Kim ấn được đúc bằng vàng ròng nguyên khối nặng gần 9kg dưới thời vua Minh Mạng (1927) tượng trưng cho đế quyền triều Nguyễn.
Ngày 23.4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức trưng bày kim ấn và kim sách bằng vàng thời Nguyễn.
Kim ấn (hay còn gọi là kim bảo tỷ) là loại ấn tín được làm bằng vàng của bậc hoàng đế, tượng trưng cho đế quyền triều Nguyễn. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn lưu giữ 25 chiếc ấn bằng vàng, 7 chiếc ấn bạc mạ vàng và 12 chiếc ấn bạc của các bậc hoàng đế thời Nguyễn. Bên cạnh đó còn có 8 chiếc ấn vàng, 16 chiếc ấn bạc mạ vàng và 3 chiếc ấn bạc của các bậc vương hậu.
Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt được làm bằng vàng hoặc bạc dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích… Lời sách do đích thân các hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn. Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn lưu giữ 94 cuốn kim sách triều Nguyễn.
Tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế sáng nay, ban tổ chức cho trưng bày kim ấn nặng gần 9kg được đúc dưới thời vua Minh Mạng (1927). Chiếc ấn được nhà vua dùng để đóng trên các văn dùng để khuyến giáo dân chúng hoặc sắc bằng khen tặng các nhân vật hiếu nghĩa (con cái có hiếu với cha mẹ) và những người tiết nghĩa. Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày kim sách triều Nguyễn.
Năm 2010, tại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lần đầu tiên bộ hiện vật bằng vàng này được Bảo tàng Lịch sử quốc gia mang ra trưng bày. Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, sau cách mạng tháng 8.1945, ấn tín và sách vàng được đưa ra khỏi hoàng cung Huế.
Lê Đình Dũng