Trên tạp chí The Strategist ngày 16.9 của Viện Chính sách chiến lược Úc, chuyên gia Abhijit Singh thuộc Quỹ nghiên cứu quan sát viên của Ấn Độ nhận định Nga và Trung Quốc đều nuôi dưỡng ý đồ chiến lược thông qua cuộc tập trận hải quân chung (từ ngày 12 đến 19.9.2016).

Nga-Trung bắt tay trên biển cùng lập lá chắn chống Mỹ

Đỗ Duy | 24/09/2016, 13:23

Trên tạp chí The Strategist ngày 16.9 của Viện Chính sách chiến lược Úc, chuyên gia Abhijit Singh thuộc Quỹ nghiên cứu quan sát viên của Ấn Độ nhận định Nga và Trung Quốc đều nuôi dưỡng ý đồ chiến lược thông qua cuộc tập trận hải quân chung (từ ngày 12 đến 19.9.2016).

Gần đây, mối quan hệ giữa hai quốc gia có lực lượng hải quân đứng đầu châu Á đang trở nên thân thiết khiến các nhà quan sát khu vực cũng như các chuyên gia chính sách hàng hải lo lắng.

Các nhà phân tích Ấn Độ, Mỹ và Đông Nam Á lo ngại việc thắt chặt quan hệ hợp tác trên lĩnh vực hàng hải của Nga và Trung Quốc sẽ tạo nên sức mạnh song phương ảnh hưởng đến cán cân quyền lực tại châu Á.

Bằng chứng gần nhất dẫn đến mối lo ngại trên là cuộc tập trận chung mang tên “Phối hợp hàng hải-2016”. Trung Quốc tuyên bố đây là cuộc tập trận hải quân với Nga có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh các bài tập thông thường, hải quân hai bên còn diễn tập chống ngầm và các nhiệm vụ đổ bộ.

Nga-Trung tham gia cuộctập trận "Phối hợp hàng hải-2016" - Ảnh: THX

Trung Quốc tăng cường diễn tập đổ bộ

Đây là lần đầu tiên lực lượng hải quân của Nga và Trung Quốc cùng thao dượt trên Biển Đông (khu vực tập trận thuộc vùng biển Quảng Đông, không thuộc vùng biển đang tranh chấp) nhưng đã có nhiều bằng chứng rõ ràng về việc gia tăng sức mạnh tổng hợp của hai nước tại nhiều vùng biển khác nhau thuộc lục địa Á-Âu.

Hồi tháng 8.2015, hai bên đã tiến hành cuộc tập trận chung “Phối hợp hàng hải-2015 II” tại vùng biển Nhật với diễn tập bắn đạn thật, chống tàu ngầm và chiến đấu hỗ trợ tầm gần. Trước đó hồi tháng 5, trong một cuộc diễn tập khác được tổ chức trên Địa Trung Hải và Biển Đen, các chỉ huy hải quân cấp cao cũng đưa ra tuyên bố thách thức sự thống trị chiến lược của Mỹ tại lục địa Á-Âu.

Thông qua các cuộc diễn tập trên biển này, các nhà lãnh đạo Nga-Trung mong muốn cảnh báo Washington rằng cán cân sức mạnh hải quân tại vùng biển châu Á sẽ được thiết lập lại. Bên cạnh đó, họ còn xem Mỹ không chỉ là nhân tố chính gây ra tình trạng bất ổn địa-chính trị trong khu vực mà còn là một phần trong hệ thống các chính sách ngăn chặn Moscow và Bắc Kinh.

Các cuộc diễn tập đổ bộ gần Biển Đông khiến các nhà quan sát khu vực lo ngại. Hồi tháng 8.2015, hải quân Trung Quốc và Nga đã mô phỏng một cuộc đổ bộ giả định với 400 lính thủy đánh bộ thuộc hải quân Trung Quốc tham gia bài tập đổ bộ trên một hòn đảo thuộc vùng Viễn Đông của Nga.

Thực tế từ tháng 5.2015, các bài diễn tập đổ bộ bờ biển và đổ bộ đường không đã được xem là hoạt động tiêu biểu trong các cuộc tập trận hải quân Nga-Trung sau khiTrung Quốc chính thức công bố Sách trắng về chiếnlược quân sự.

Quan hệ đối tác chiến lược bất đối xứng Nga-Trung

Thực tế, Nga và Trung vẫn đang có những khác biệt về mặt chính trị. Moscow đang quan ngại những bước tiến xâm lấn của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga và khu vực Trung Á đang dần rơi vào tay Bắc Kinh khi nước này mở rộng tầm ảnh hưởng. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Nga Putin buộc phải chấp nhận thực tế để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại các vùng đất của Nga.

Nói cách khác, để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu năng lượng không phụ thuộc vào châu Âu, Tổng thống Putin có rất ít lựa chọn và buộc phải chuyển sang phát triển quan hệ đối tác chiến lược bất đối xứng với Trung Quốc, đồng thời chia sẻ nhiều lợi ích hơn với Bắc Kinh thông qua một quan hệ đồng minh ‘đặc biệt’.

Tuy nhiên, Moscow vẫn có thể an tâm vì Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc về khí tài và công nghệ quân sự của Nga. Bởi kể từ khi Moscow và Bắc Kinh ký kết thỏa thuận hợp tác công nghệ quân sự hồi tháng 12.1992, Trung Quốc đã mua vũ khí quốc phòng của Nga nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Các loại vũ khí Trung Quốc từng mua của Nga gồm tàu ngầm lớp Kilo, tàu khu trục lớp Sovremenny, máy bay tiêm kích Su-27 cùng nhiều loại đạn dược và tên lửa.

Nga-Trung tham gia cuộctập trận "Phối hợp hàng hải-2016"- Ảnh: THX

Mặc dù mức độ phụ thuộc của Bắc Kinh vào công nghệ quân sự của Nga đã giảm những năm gần đây nhưng Moscow vẫn duy trì vị thế là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị hàng hải chủ chốt cho Bắc Kinh. Vì thế, tăng cường quan hệ hàng hải chính là biểu hiện của mối quan hệ quốc phòng ngày càng thắt chặt của hai nước.

Địa-chính trị kết hợp hàng hải

Dù vậy, các cuộc tập trận hải quân gần đây cho thấy quan hệ đối tác Nga-Trung đã vượt ra khỏi khuôn khổ hợp tác quân sự thông thường khi quy môcủa các đơn vị tham gia tập trận ngày càng tăng và chất lượng của cuộc tập trận cũng được cải tiến rõ rệt.

Quan hệ quân sự Nga-Trung đã được Tổng thống Putin đầu tư lớn về chính trị và Putin cũng thu về được lợi ích cá nhân khi nuôi dưỡng quan hệ đối tác này. Còn Bắc Kinh dường như đã tìm cho mình được một đồng minh đủ sức mạnh làm đối trọng với hải quân Mỹ.

Sức mạnh tổng hợp trên biển của Nga và Trung Quốc cho thấy một mối quan hệ chiến lược lâu dài giữa địa-chính trị và hàng hải được thúc đẩy bởi động cơ chính trị và mong muốn hợp lực đối đầu với áp lực quân sự của Mỹ.

Bằng chứng rõ nhất cho động cơ chính trị trên chính là phát biểu của Tổng thống Putin ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague ngay tại hội nghị thượng đỉnh G20 mới đây ở Trung Quốc.

Đáng chú ý hơn, nhiều người tại Moscow bắt đầu xem các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông là một lá chắn mới bảo vệ Nga khỏi Mỹ. Không ngạc nhiên khi hải quân Nga lựa chọn Trung Quốc trở thành ‘đối tác cốt lõi’ trong học thuyết hàng hải mới của nước này với mong muốn đạt được ảnh hưởng hàng hải lớn hơn tại châu Á-Thái Bình Dương.

Ấn Độ dè chừng Nga-Trung

Bức tranh Nga-Trung cùng bắt tay nhau trên biển không phải là viễn cảnh New Delhi mong muốn. Ấn Độ cũng đang “mất ăn mất ngủ” với dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 46 tỉ USD và sự kiện Trung Quốc thông báo bán 8 tàu ngầm lớp Nguyên cho nước này.

Ấn Độ “mất ăn mất ngủ” khi Trung Quốc thông báo bán 8 tàu ngầm lớp Nguyên cho Pakistan - Ảnh: defence.pk

Không chỉ vậy, các nhà hoạch định Ấn Độ còn lo ngại quan hệ quân sự đang được hâm nóng giữa Pakistan và Nga. Đặc biệt sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí hồi tháng 6.2014, Nga đã ký với Islamabad một thỏa thuận hợp tác quân sự song phương, thậm chí đồng ý bán máy bay trực thăng Mi-35 cho quân đội Pakistan.

Đáng lo ngại hơn, Nga đã quyết định nhập khẩu động cơ máy bay JF-17 đồng sản xuất với Trung Quốc. Theo một báo cáo gần đây, Nga và Pakistan còn dự kiến tổ chức tập trận chung lần đầu tiên trong vài tháng tới.

Người ta dự đoán New Delhi sẽ khó xoay chuyển được cán cân quyền lực hàng hải khu vực nếu Nga-Trung, đang có quan hệ gần gũi thân thiện với Pakistan, tạo sức ép lên khu vực Ấn Độ Dương. Kịch bản trên đã được nhiều nhà quan sát nghĩ đến ngay sau khi Mỹ và Ấn Độ ký thỏa thuận hậu cần quân sự vào cuối tháng 8.2016.

Đỗ Duy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga-Trung bắt tay trên biển cùng lập lá chắn chống Mỹ