Nữ thống đốc Ngân hàng Trung ương liên bang Nga (CBR) Elvira Nabiullina sẽ được Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn làm người kế nhiệm, theo một dự báo năm 2018 của hãng tin Bloomberg.
Theo báo Moscow Times ngày 19.12, trong dự báo hằng năm “Hướng dẫn bi quan vào năm 2018” mà Bloomberg công bố ngày 18.12, ông Putin được đánh giá sẽ lại trúng cử tổng thống Nga trong cuộc bầu cử ngày 18.3.2018, và Hiến pháp Nga đã sửa nhiệm kỳ lãnh đạo từ 4 năm lên 6 năm, có nghĩa ông Putin sẽ nắm quyền lực đến năm 2024.
Kịch bản Nga hỗn loạn nghiêm trọng vì giá dầu rớt
Hồi đầu năm nay, tạp chí Bloomberg Businessweek cho rằng sau cuộc bầu cử tổng thống Nga, bà Nabiullina có thể được ông Putin chỉ định làm Thủ tướng.
Sau năm 2024, ông Putin sẽ về hưu, nhưng sẽ vẫn tiếp tục đứng ở hậu trường, sau khi ông thiết kế để bà Nabiullina trở thành nữ Tổng thống Nga đầu tiên.
Phần dự báo này thuộc một kịch bản được cho là “ngày tận thế”, khi nhu cầu sử dụng dầu mỏ - một tài nguyên xuất khẩu giúp Nga thu nhiều ngoại tệ bị giảm đáng kể, vì toàn cầu theo đuổi cuộc cách mạng điện tử.
Bloomberg dự báo, năm 2021 “sự hỗn loạn lớn nhất sẽ rơi vào Moscow và Riyadh (thủ đô Ả Rập Saudi), ngân sách của hai nước này bị cạn kiệt bởi giá dầu rớt mạnh. Những cuộc bạo loạn bùng phát bên ngoài các xí nghiệp Nga”.
Bloomberg còn dự báo đến năm 2028, Nga đối diện một cuộc khủng hoảng tồn vong, khi ông Putin rời hẳn khỏi sân khấu chính trị: “Trong nhiều năm, không ai còn thấy Putin, và bà Nabiullina sẽ phải chật vật ngăn chặn nước Nga bị tan vỡ”.
Người giải cứu nền kinh tế Nga èo uột
Hồi đầu năm 2017, tạp chí tài chính The Banker (Anh) đã bình chọn bà Nabiullina là “Thống đốc ngân hàng trung ương xuất sắc nhất châu Âu của năm 2016”.
Tạp chí này đánh giá cao bà Nabiullina thành công trong việc kiểm soát tỷ lệ lạm phát của Nga: “Nỗ lực của vị nữ thống đốc CBR đã dẫn tới thực tế là tỷ lệ lạm phát cuối năm 2016 giảm từ 12,9% trong năm 2015 xuống dưới mức 6%”.
Báo The Economist (Anh) cũng công nhận bà Nabiullina, cánh tay phải của Tổng thống Putin, đã có công giải cứu nền kinh tế Nga èo uột.
Tờ báo Anh viết nền kinh tế Nga tụt hậu nhiều năm vì nạn tham nhũng cùng sự tìm kiếm đặc lợi, gần đây còn vì bị phương Tây cấm vận cùng giá dầu-khí giảm mạnh, trong khi mảng năng lượng này là nguồn xuất khẩu chính của Nga.
Bà Nabiullina làm Thống đốc CBR từ năm 2013. Kể từ đó, bà đã đối mặt nhiều thách thức, gồm việc để tỷ giá đồng rúp nổi tự do năm 2014, tiếp đó đồng rúp mất giá trị nghiêm trọng vào cuối năm 2014. Nhưng với bà Nabiullina, CBR đã giúp giữ nền kinh tế Nga thoát khỏi sự tệ hại hơn.
Bà Nabiullina nói năng nhỏ nhẹ, xuất thân từ giai cấp lao động, mẹ là công nhân xí nghiệp, cha là tài xế. Lúc học đại học, Nabiullina từng học khóa trình “Phê phán học thuyết kinh tế phương Tây”.
Vào những năm 1990, Nga lâm tình trạng hỗn loạn khi chuyển mình qua nền kinh tế thị trường. Năm 2000, ông Putin trở thành tổng thống, tuyên bố phải chấm dứt sự hỗn loạn này. Nhưng về kinh tế, “Putin không hề có ý tưởng nào”, theo cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga Yevgeny Yasin.
Vì thế, ông Putin tin tưởng giao chính sách kinh tế cho một nhóm cán bộ chuyên nghiệp có quan điểm bảo thủ, gồm bà Nabiullina, người trở thành Thứ trưởng Bộ Kinh tế năm 2000 rồi làm Bộ trưởng bộ này năm 2007.
Cuộc khủng hoảng 2008-2009, khi giá dầu rớt mạnh và kinh tế thế giới suy thoái, đã cho thấy kinh tế Nga lệ thuộc các nhà đầu tư nhỏ lẻ cùng các quỹ cho vay nước ngoài vốn rất hay thay đổi.
Khi các nhà đầu tư và các quỹ trên rút tiền khỏi Nga, CBR ráng nâng trị giá đồng rúp, nên chỉ trong vài tháng đã cạn mất 200 tỉ USD trong các quỹ dự trữ ngoại tệ. Việc vay tiền làm nền kinh tế bị thắt lại, GDP giảm 8% vào năm 2009.
Nga buộc phải tiến hành 2 sự thay đổi lớn. Trước tiên là đa dạng hóa nguồn vay vốn, giúp kinh tế Nga không còn bị thiếu vốn. Nguồn vốn tư nhân rút khỏi Nga trong năm 2014-2015 nhỏ hơn so với năm 2008-2009. GDP cũng chỉ giảm 4% trong năm 2015, khá hơn so với năm 2008-2009, bất chấp giá dầu rớt mạnh.
Thứ 2 là Nga quan tâm đến nguồn dự trữ ngoại tệ: số tiền này tăng từ 140 tỉ USD năm 2009 đến 2013 đạt hơn 500 tỉ USD (khoảng 1/5 GDP Nga) nhờ giá dầu cao.
Theo The Economist, đó là một lý do giúp Nga có thể theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn chống phương Tây, từ lúc Nga không cần phải nhờ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bảo lãnh để vay tiền, việc Nga từng phải làm năm 1998.
Để duy trì nguồn ngoại tệ dự trữ khi giá dầu bắt đầu giảm, vị nữ thống đốc CBR tăng tốc một kế hoạch thả nổi đồng rúp. Riêng năm 2015, giá trị đồng rúp “rớt” 40% so với đồng USD.
Việc tăng tỷ giá đồng rúp đồng nghĩa lại “đốt” thêm nguồn ngoại tệ dự trữ, nên CBR quyết chuyển nguồn USD vào các ngân hàng và công ty năng lượng bị phương Tây cấm vận, giúp họ trả nợ nước ngoài.
Nguồn ngoại tệ dự trữ cũng giúp bù đắp sự thâm thủng ngân sách. Khi giá dầu phục hồi, CBR lại tăng nguồn dự trữ ngoại tệ, với chỉ tiêu lại đạt mức 500 tỉ USD.
Việc đồng rúp rớt giá gây ra lạm phát, hàng nhập khẩu trở nên đắt tiền hơn. Hậu quả là khoản lương thực lãnh giảm hơn 10% kể từ năm 2014.
Việc tăng lãi suất lên 17% trong năm 2014 là công cụ duy nhất mà CBR sử dụng để chặn việc đồng rúp rớt giá. Tăng lãi suất cũng giúp kéo giảm lạm phát xuống mức chỉ tiêu của CBR là 4%.
Các quyết định này “phản ánh khả năng làm điều cần phải làm của CBR cho đất nước, bất kể tình hình chính trị thế nào”, theo một quan chức Ngân hàng Thế giới (WB) là bà Birgit Hansl.
Theo cách bà Nabiullina nói, đó là những bước “đau đớn nhưng cần thiết”. Để kéo giảm “cơn đau”, chính phủ Nga chi 3% GDP cấp vốn cho các ngân hàng hoạt động hiệu quả, và bồi thường cho công dân Nga “lỡ” gửi tiền tiết kiệm vào những ngân hàng bết bát.
CBR cũng cho phép các ngân hàng hoãn thu hồi các khoản nợ lớn, một quyết định mà IMF hoan nghênh một cách cẩn trọng. Tất cả các biện pháp này có thể có hiệu quả: những khoản vay xấu vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2008-2009.
Cùng lúc, bà Nabiullina siết chặt khâu giám sát. Từ năm 2014 trở đi, khoảng 200 ngân hàng đã bị rút giấy phép. Oleg Vyugin, chủ tịch ngân hàng MDM Bank và từng là Phó thống đốc CBR, nói “bà ấy được Tổng thống Nga trao toàn quyền truy các ngân hàng trước đây thuộc diện bất khả xâm phạm”.
Trung Trực (theo Moscow Times, The Economist)