Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 23.11 tuyên bố nước này không thực hiện bất kỳ sửa đổi gì với học thuyết quân sự của mình khi Mỹ có ý định rời bỏ Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF).

Nga không điều chỉnh học thuyết quân sự dù Mỹ dọa rút khỏi INF

Cẩm Bình | 24/11/2018, 16:37

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 23.11 tuyên bố nước này không thực hiện bất kỳ sửa đổi gì với học thuyết quân sự của mình khi Mỹ có ý định rời bỏ Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF).

Theo Thứ trưởng Ryabkov: “Học thuyết quân sự Nga đặt ra hai kịch bản mà chúng tôi có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Thứ nhất là khi kẻ địch dùng vũ khí hạt nhân hay loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác tấn công Nga, thứ hai là hành động xâm lăng bằng vũ khí thông thường nhưng có quy mô lớn đến nỗi đe dọa đến sự tồn vong của đất nước”.

“Rõ ràng đây hoàn toàn là kịch bản giả định và hiện học thuyết quân sự Nga không có thay đổi gì. Tuy nhiên chúng tôi sẽ thảo luận về các kịch bản thay thế khi tình hình châu Âu hoặc khu vực khác có chuyển biến mới”, Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ trích lời đe dọa rút khỏi INF đem lại hiệu ứng tiêu cực: “Ý định phá vỡ thế cân bằng chiến lược khiến giới chuyên gia bắt đầu đặt nghi vấn về việc liệu hiệp ước vũ khí này có nên được duy trì hay cần điều chỉnh không. Tâm lý bất ổn đang trỗi dậy”. Thứ trưởng Ryabkov khẳng định nếu lời đe dọa thành hiện thực thì Moscow có nghĩa vụ phải phản ứng lại.

“Các chuyên gia chịu trách nhiệm lập kế hoạch quân sự cùng những nhà phân tích sẽ làm điều này vào thời điểm thích hợp. Lúc này thì chưa phải”, theo Thứ trưởng Ryabkov.

Thứ trưởng Ryabkov đưa ra phát ngôn trên sau khi đài RT hai ngày trước đưa tin một nhóm thượng nghị sĩ Nga đề xuất điều chỉnh học thuyết quân sự theo hướng cho phép nước này sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh và vũ khí quy ước chiến lược khác. Họ cho rằng sửa đổi này là cần thiết trong bối cảnh khả năng xung đột bùng phát thành chiến tranh ngày càng cao.

INF được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, chính thức có hiệu lực năm 1988. Nội dung chính của văn kiện này cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc tiến hành phóng thử các loại tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500 - 5.500km phóng từ mặt đất.

Tổng thống Donald Trump vào tháng 10 tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước này với lý do Nga vi phạm thỏa thuận. Phía Moscow lên án ý định này đồng thời đe dọa tiến hành biện pháp đáp trả, bao gồm cả biện pháp quân sự.

Cẩm Bình (theo TASS, RT)
Bài liên quan
Ứng viên vị trí đặc phái viên của ông Trump phụ trách vấn đề Nga - Ukraine
Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc chọn cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Richard Grenell làm đặc phái viên phụ trách vấn đề Nga - Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga không điều chỉnh học thuyết quân sự dù Mỹ dọa rút khỏi INF