Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh triển khai máy bay quân sự đến quần đảo Nam Kuril (tên do Nga đặt) mà Nga có tranh chấp với Nhật Bản.
Báo Moscow Times ngày 2.2 đưa tin sắc lệnh này cho phép máy bay quân sự Nga sử dụng một sân bay dân sự xây năm 2014 trên đảo Iturup (đảo Etorofu, theo cách đặt tên của Nhật) thuộc quần đảo Nam Kuril vào mục đích quân sự.
Chính quyền NhậtBản chưa bình luận về quyết định của Nga. Một nguồn tin quân sự Nhật nói với nhật báo thương mại Kommersant: ''Việc quân sự hóa Lãnh thổ phương Bắc không là chuyện mới”.
TheoNewsweek, quyết định của Nga diễn ravào lúc đang có căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Nga đã liên tục phản đối những biện pháp an ninh do Mỹ dẫn đầu tại khu vực này, như các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với Nhật và với Hàn Quốc.
Các quan chức cấp cao Nga chỉ trích những cuộc tập trận rầm rộ này, khi Mỹ triển khai khí tài quân sự “thứ dữ” để dọa nạt chính quyền CHDCND Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Nga nói muốn củng cố sự hiện diện ở khu vực Sakhalin.
Quyết định của Thủ tướng Medvedev được đưa ra trước cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao Nga-Nhậtđể bàn sự hợp tác tại quần đảo tranh chấp này, cùng quyết định của Nhật cho phép Mỹ xây dựng căn cứ quân sự ở Lãnh thổ phương Bắc, theo cách gọi của Nhật đối với quần đảo tranh chấp.
Hồi cuối năm 2016, báo Asahi Shimbun (Nhật) đưa tin sau cuộc gặp ngày 9.11 tại Moscow giữa hai lãnh đạo Hội đồng an ninh quốc gia Nga-Nhật, các ông Nikolai Patrushev-Shotaro Yachi, Nhật có thể cho Mỹ lập căn cứ trên hai đảo ở Lãnh thổ phương Bắc.
Nhật cũng có Ngày Lãnh thổ phương Bắc, để kỷ niệm một thỏa ước ký năm 1855 với Nga, qua đó khẳng định Nhật có chủ quyền quần đảo, một khu vực có nguồn cá phong phú ở phía bắc vùng biển Hokkaido (Nhật), và gần những mỏ dầu khí dưới biển. Ban đầu, chỉ có cộng đồng thiểu số Ainu sống trên các đảo, chứ người Nhật và người Nga không đến sống.
HồiThế chiến 2, sau khi quân phiệt Nhật đầu hàng, Hồng quân Liên Xô chiếm quần đảo ở ngoài khơi vùng Hokkaido (Nhật), không cho người Ainu ở lại. Từ đó hai bên không đạt được một thỏa ước hòa bình, khi Nga-Nhật tranh chấp chủ quyền 4 đảo Kunashir (Nhật gọi là Kunashiri) Irutup (Etorofu), Shikotan vàHabomai.
Trong hiệp định hòa bình 1951 mà phe Đồng Minh ký với Nhật (Liên Xô không tham gia) không khẳng định Nhật có chủ quyền quần đảo. Năm 1956, Liên Xô đề nghị trả lại hai đảo Habomai và Shikotan để đòi lấy một thỏa ước hòa bình. Nhưng chỉ có một tuyên bố kết thúc chiến tranh, hai đảo này vẫn do Nga kiểm soát, và hiện có 19.000 quân Nga trú đóng tại 4 đảo.
Những năm gần đây, đã có những cuộc gặp hữu nghị giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, mỗi khi hai nhà lãnh đạo dự các hội nghị thượng đỉnh. Nhưng hai nước vẫn chưa đạt được một thỏa thuận hòa bình nào, và Nga cũng liên tục triển khai khí tài quân sự đến vùng tranh chấp.
Nga đã dàn một hệ thống tên lửa di động trên 2/4 đảo tranh chấp, khiến Nhật chỉ trích. Hồi cuối tháng 10.2017, Nghị sĩ Frank Klintsevich, phó chủ nhiệm Ủy ban an ninh-quốc phòng thuộc Thượng viện Nga, cho biết hải quân Nga sẽ xây một căn cứ mới trên Thái Bình Dương, chính xác là tại quần đảo Nam Kuril. Ông Klintsevich không cho biết căn cứ hải quân sẽ được xây ở đảo nào.
Năm 2017, lực lượng quân sự Nga tăng cường hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương, khi chương trìnhtên lửa Triều Tiên gây căng thẳng với Mỹ. Quân đội Nga cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận quanh cảng Vladivostok trong vài tháng qua. Năm 2016, Nga tổ chức một cuộc tập trận ở khu vực với 3.500 quân tham gia.
Năm 2016, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: đang tìm hiểu khả năng nâng cấp cơ sở hạ tầng trên đảo Kunashir, không chỉ xem xét hướng nâng cấp cảng, mà còn tính chuyện nâng cấp đường băng sân bay ở đảo này.
Hồi cuối năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quân đội đang “tích cực tiến hành xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo Iturup và Kunashir”, nhưng hạm đội Thái Bình Dương vẫn đặt trụ sở chính ở Vladivostock.
Hãng tin Tass dẫn lời ông Shoigu: “Tổng cộng 392 tòa nhà và cơ sở đang được xây, chỉ sử dụng vật liệu tiền chế để dễ dựng nhà. Điều này cho phép có nơi ở cho quân nhân, cất giữ khí tài quân sự phần cứng và sẵn sàng tiến hành các hoạt động”.
Ông Shoigukhẳng định các cơ sở quân sự sẽ giúp “nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu của bộ binh ở vùng biên giới phía đông Nga”.
Ông cũng nói có xây cả trường, khách sạn và nhà trẻ. Nguyên vật liệu cần thiết đã được chuyển đến đảo để tiến hành xây dựng suốt mùa đông.
Hồi năm 2010, khi là Tổng thống Nga, ông Medvedev từng là lãnh đạo Nga đến thăm quần đảo Kurils. Ông tuyên bố Nga không có kế hoạch từ bỏ chủ quyền, khiến chính phủ Nhật phản đối. Tháng 7.2012, ông Medvedev lại có chuyến thăm quần đảo này.
Từ sau đó, quan điểm của Nga-Nhật hầu như không có sự thay đổi đáng kể, nhưng Nga vẫn cấp visa cho người Nhật đến thăm và câu cá tại các đảo.
Bảo Vĩnh (theo Newsweek, Moscow Times)