Báo Guardian ngày 14.8 đưa tin chính phủ New Zealand quyết cải tạo tội phạm trẻ ở quân trường suốt 1 năm, nhằm ngăn chặn sự tái phạm bạo lực.
6 tháng trước kỳ tổng tuyển cử, đảng Quốc gia cầm quyền tuyên nếu trúng cử, chính phủ sẽ xử lý tình trạng tội phạm trẻ gia tăng nghiêm trọng, bằng cách đưa 150 tội phạm trẻ vào quân trường, nơi họ phải rèn luyện cùng các tân binh.
Ngoài ra, chính phủ sẽ xử phạt tiền 200 đôla New Zealand, đối với phụ huynh “cẩu thả”, nếu con trẻ từ 14 tuổi trở xuống lêu lổng ngoài đường từ 12 giờ trưa đến 17 giờ chiều, không có người trông nom.
Người phát ngôn của đảng Quốc gia nói có khoảng 150 tội phạm trẻ liên tục phạm pháp, liên tục hầu tòa nhưng không có ý chí hoặc khả năng thay đổi hành vi. Và chính quyền không thể ngồi yên để chúng tiếp tục làm khổ các nạn nhân cho đến khi chúng trưởng thành.
Chương trình cải tạo tội phạm trẻ này sẽ tốn tổng cộng 60 triệu đôla New Zealand trong 4 năm, buộc các tội phạm từ 12 đến 17 tuổi đến quân trường Waiouru để học quân sự suốt 12 tháng.
Tội phạm nào không vượt qua được khóa huấn luyện này sẽ bị tuyên án như một người trưởng thành.
Ngay sau khi chính phủ công bố kế hoạch, đã có nhiều phản ứng khác nhau. Một số người nói chủ trương này lạc hậu. Nhà văn nữ Elizabeth Knox nói đây là một “kế hoạch trừng phạt để bào chữa cho nét văn hóa trừng phạt của chúng ta”.
Nhưng người ủng hộ hoan nghênh chủ trương cứng rắn của chính phủ, nói đời sống quân đội có tính kỷ luật cao có thể cải tạo được nhiều thanh thiếu niên hư hỏng, khi họ phải dậy sớm, tự dọn giường, phải cắt tóc, đánh giày, sinh hoạt tập thể và phải lao động như nấu cơm, lau dọn”.
Công đảng đối lập cho rằng chính phủ nên giải quyết tình trạng đói nghèo và rối loạn hành vi của giới trẻ, thay vì đổ tiền vào quân trường, nơi mà “chẳng có ích gì ngoài việc chuyển biến tội phạm trẻ thành tội phạm trẻ chính hiệu”.
Công đảng còn nói quân trường và xử phạt phụ huynh là phản tác dụng.
Nhà tội phạm học Jarrod Gilbert của đại học Canterbury (New Zealand) nói không có chứng cứ quân trường giúp cải tạo được tội phạm trẻ, ngược lại là càng khiến tội phạm trẻ “dữ dằn hơn”, tiếp tục phạm pháp.
Bích Ngọc (theo Guardian)