Với tư cách công dân Việt Nam, tôi chưa được thuyết phục rằng sự giới hạn các nguồn lực cho TP.HCM phát triển là có ích cho đất nước. Nơi mà suất lợi tức cao trên đồng vốn đầu tư lại nhận sự đầu tư ít ỏi thì tôi không thấy đó là chính sách có hiệu quả nếu xét trên mục đích là sự giàu mạnh chung của đất nước.

Nếu TP.HCM bị lấy đi quá nhiều nguồn lực, đà phát triển của cả nước sẽ chậm lại

03/11/2016, 10:16

Với tư cách công dân Việt Nam, tôi chưa được thuyết phục rằng sự giới hạn các nguồn lực cho TP.HCM phát triển là có ích cho đất nước. Nơi mà suất lợi tức cao trên đồng vốn đầu tư lại nhận sự đầu tư ít ỏi thì tôi không thấy đó là chính sách có hiệu quả nếu xét trên mục đích là sự giàu mạnh chung của đất nước.

(Nguồn: Fb Vũ Thành Tự Anh)

Tôi luôn luôn tin rằng TP.HCM nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung là điểm rất sáng của đất nước.

Hãy xem lại lịch sử phát triển của Sài Gòn sau khi Pháp tới, năm 1885. Luôn luôn Sài Gòn là trung tâm phát triển của cả miền Nam (nếu không muốn nói cả Việt Nam). Trung tâm kinh tế, trung tâm khoa học-công nghệ, trung tâm giao thương, nơi tri thức và nguồn vốn đổ về để sau đó sự giàu có tỏa đi mọi miền… Với vai trò nào Sài Gòn cũng xứng danh trong thời Pháp thuộc lẫn thời kỳ trước 1975.

Từ năm 1975 trở đi, TP.HCM tiếp nối danh hiệu Sài Gòn trước đó, và Sài Gòn gian khó cùng cả nước gian khó, Sài Gòn sa sút cùng cả nước sa sút. Đà trượt dốc chỉ dừng lại khoảng 5-6 năm sau đó, chuẩn bị cho sự ra đời chính sách đổi mới năm 1986 đưa cả nước rời bỏ nền kinh tế chỉ huy tập trung, trở về vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Sự phát triển bứt phá của TP.HCM, Đồng Nai, Bà-Rịa Vũng Tàu và sau đó một nhịp, là Bình Dương, thực sự đóng vai trò đầu máy kéo các toa tàu còn lại của đất nước. Chính nguồn lực kinh tế từ nơi đây kéo các vùng miền khác phát triển tiếp theo. Điều này càng xác nhận vai trò dẫn đầu của TP.HCM: khi nơi này gỡ bỏ được các kìm hãm, nó sẽ phát triển mạnh và nhanh, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế cả nước. Và không chỉ về kinh tế.

Chính vì vậy, tôi đón nhận tin “cắt giảm nguồn cân đối ngân sách” đối với TP.HCM trong một tâm trạng không đồng tình. Không đồng tình trong tư cách một công dân thành phố lẫn tư cách công dân Việt Nam.

Không có cách tiếp cận với các nguồn thông tin và số liệu gốc từ nhà nước, tôi tìm đọc qua bài viết của các tác giả Huỳnh Thế Du, Vũ Thành Tự Anh, các tài liệu của IMF, WB về kinh tế Việt Nam… Qua đó tôi thấy:

Mức thu ngân sách của Việt Nam trên GDP quá lớn so với các nước chung quanh, trong một thời gian dài gần như gấp hai. Mức chi ngân sách cũng cao như vậy.

So với GDP của mình, TP.HCM chịu một sự đóng góp quá sức nếu so với Hà Nội. Phần tỷ lệ ngân sách giữ lại của TP.HCM và Hà Nội từ suýt soát nhau 29% - 32% (năm 2004-2006) cho tới lớn hơn phân nửa một chút 23% - 42% (năm 2011-2015), và nay thì còn phân nửa 18% - 35% (năm 2017-2020) (FB Vũ Thành Tự Anh, 24.10.2016).

Hiện nay, dân số và diện tích của cả hai vùng gần bằng nhau, nhưng GDP của vùng TP.HCM gấp hai lần của Hà Nội. Trong khi đó, chi ngân sách/đầu người cho Hà Nội là gấp 1,31 lần cho TP.HCM. Vốn ODA thì Hà Nội hưởng 6 lần cao hơn TP.HCM nếu tính trên số ki lô mét đường cao tốc được xây dựng (FB Huỳnh THế Du, 31.10.2016).

Qua những thông tin và số liệu đó, với tư cách công dân của TP.HCM, tôi chưa được thuyết phục rằng TP.HCM được đối xử công bằng và sòng phẳng trong mối liên hệ giữa tạo ra của cải cho tổ quốc và nguồn lực được giữ lại cho sự phát triển địa phương.

Với tư cách công dân Việt Nam, tôi chưa được thuyết phục rằng sự giới hạn các nguồn lực cho TP.HCM phát triển như kể trên là có ích cho đất nước. Nơi mà suất lợi tức cao trên đồng vốn đầu tư lại nhận sự đầu tư ít ỏi thì tôi không thấy đó là chính sách có hiệu quả nếu xét trên mục đích là sự giàu mạnh chung của tổ quốc. Trái lại tôi nghĩ rằng khi TP.HCM bị lấy đi quá nhiều nguồn lực, sự phát triển của nó sẽ không xứng với tiềm năng, và do đó làm chậm đà phát triển cả nước.

Tôi cũng chưa được thuyết phục rằng sự đóng góp của TP.HCM sẽ giúp ích cho đất nước này vượt qua khó khăn tài chính nhất thời. Với tư cách công dân Việt Nam, tôi tin rằng còn những nơi chính phủ có thể rút nguồn lực ra để cân bằng ngân sách.

Nơi thứ nhất: Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Hiện nay ai cũng thấy mức độ thất thoát tiền bạc tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là quá lớn. Và mức độ sinh lời của khu vực tư nhân cao hơn hẳn khu vực nhà nước.

Nơi thứ hai: Bộ máy nhà nước. Bộ máy quá cồng kềnh và hiệu quả dịch vụ công thì thấp. Nếu tính theo tỷ lệ số người trong khu vực dịch vụ công trên dân số như các nước có nên hành chính công hiệu quả, chính phủ có thể giảm 30-50% quy mô bộ máy. Đó là chưa kể người ăn lương trong các đoàn thể và hội đoàn rất đông đảo. Việc tinh giản này có ít nhất hai lợi ích: trước hết là giảm chi phí lương, chi phí hoạt động cho chính phủ, kế đó, khi bộ máy tinh gọn sẽ phục vụ dân chúng tốt hơn, giảm phiền hà và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nền công thương nước nhà từ đó lớn mạnh tạo nhiều của cải cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động và thuế cho nhà nước.

Nơi thứ ba: Các dự án tốn kém mà không hay chưa đem lại lợi ích kinh tế. Các dự án công có giá thành cao gấp vài lần so với nước khác.

Tôi tin rằng nếu lập những dự án nghiêm túc như các dự án sau:

1) Dự án rà soát và thu hồi các thất thoát trong các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

2) Dự án rà soát và cải tổ toàn bộ các quy trình làm việc nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

3) Dự án tinh giản hệ thống bộ máy nhà nước và các hội đoàn.

4) Dự án cắt giảm chi phí cho các công trình xây dựng lớn.

5) Dự án đánh giá lại mức độ cần thiết của các dự án chưa kịp triển khai để xem có thể loại hay hoãn một số dự án quá tốn kém không...

Thì chính phủ sẽ có số tiền dôi ra không nhỏ thay cho số tiền mà ngân sách TP.HCM được yêu cầu góp thêm cho trung ương. Xin đừng quên rằng số tiền thu được từ các dự án nói trên là tiền thất thoát, tiền không hiệu quả, còn tiền thu từ ngân sách TP.HCM là tiền làm ăn sinh lợi cho đất nước.

Do đó, trong khi chân thành đón nhận lời kêu gọi của Thủ tướng “mong nhân dân thành phố “đồng cam cộng khổ” với những khó khăn chung của cả nước, vượt qua giai đoạn khó khăn về ngân sách hiện nay”, tôi cũng mong Thủ tướng và Chính phủ:

1) Tìm những nguồn khả thu khác để tránh ăn vào đồng vốn đang sinh lợi.

2) Quản lý hiệu quả hơn tài sản và các công trình lớn của đất nước.

3) Tích cực chống tham nhũng hiệu quả.

Những biện pháp lớn trên sẽ giúp đất nước trụ lại giữa cơn khó khăn trong lúc chờ những giải pháp căn cơ hơn như chuyển giao dần hoạt động kinh tế quốc dân sang khu vực tư nhân; xác định các chính sách trụ cột cho một nền kinh tế phát triển và tự chủ; giải pháp kiểm soát quyền lực và độc quyền một cách hiệu quả thực chất…

Tôi xin thưa với Thủ tướng lòng tin mạnh mẽ của tôi vào nội lực của người dân Việt Nam và của TP.HCM, rằng một khi các biện pháp và chính sách lớn trên được tiến hành, dân chúng Việt Nam sẽ tự biết cách tạo nên giàu mạnh và ấm no.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan
Xác định vai trò của TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình
Tại Tọa đàm “TP.HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” do Học viện cán bộ TP.HCM tổ chức ngày 26.11, các đại biểu cho rằng, TP.HCM chưa bao giờ có cơ hội tốt như bây giờ để khơi dậy truyền thống năng động sáng tạo, đi đầu trong thực hiện các mục tiêu của dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu TP.HCM bị lấy đi quá nhiều nguồn lực, đà phát triển của cả nước sẽ chậm lại