Sự xuất hiện của các tỉ phú (và cả triệu phú) đô la có thể xem như một góc nhìn mới mẻ về nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân – tiền đề cho sự xuất hiện của các tỉ phú đô la Việt.

Nền kinh tế Việt Nam qua lăng kính tỉ phú đô la

26/03/2017, 14:03

Sự xuất hiện của các tỉ phú (và cả triệu phú) đô la có thể xem như một góc nhìn mới mẻ về nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân – tiền đề cho sự xuất hiện của các tỉ phú đô la Việt.

Trong tuần vừa qua, tạp chí nổi tiếng Forbes đã công bố bản danh sách những người giàu nhất thế giới, và lần đầu tiên Việt Nam có tới 2 gương mặt nằm trong số những tỉ phú đô la của thế giới, đó là ông Phạm Nhật Vượng – chủ tịch Vingroup có khối tài sản lên tới 2,4 tỉ USD; và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO hãng hàng không giá rẻ Vietjet với mức tài sản khoảng 1,2 tỉ USD.

Về nhiều khía cạnh, các tỉ phú đô la vẫn được xem là một câu chuyện mới mẻ đối với Việt Nam dù chúng ta đã là một trong những nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây. Sự xuất hiện của các tỉ phú (và cả triệu phú) đô la vì thế có thể xem như một góc nhìn mới mẻ về nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân – tiền đề cho sự xuất hiện của các tỉ phú đô la Việt.

Có nhiều điều để nói về nền kinh tế Việt Nam xung quanh câu chuyện 2 tỉ phú đô la mới được lọt vào danh sách những người siêu giàu trên thế giới của tạp chí Forbes. Thứ nhất, đó là cả 2 trường hợp đều thuộc lĩnh vực kinh tế tư nhân. Dĩ nhiên, sẽ rất khó có chuyện xuất hiện một tỉ phú đô la từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), không hẳn là do hiệu quả kinh doanh mà còn về các quy định về sở hữu lợi nhuận và cổ phần một cách tương đối đặc thù.

Tuy nhiên, việc kết quả này cho thấy thực tế rằng doanh nghiệp tư nhân vẫn là một trong những khu vực năng động và hiệu quả nhất trong nền kinh tế Việt Nam là điều không có gì phải bàn cãi. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi số lượng các DNNN thiếu hiệu quả cùng các dự án ngàn tỉ thua lỗ ngày càng trở nên nhiều hơn trong thời gian vừa qua.

Theo thống kê của Wealth-X (tổ chức chuyên nghiên cứu thống kê tài sản giới siêu giàu trên thế giới) và Ngân hàng Thụy Sĩ, thì từ năm 2014 Việt Nam có khoảng 210 cá nhân thuộc giới siêu giàu thế giới với tổng tài sản khoảng trên 20 tỉ USD. Còn theo báo cáo mới nhất của tổ chức tư vấn Anh quốc Knight Frank, Việt Nam hiện có khoảng trên 200 người có tài sản trên 30 triệu USD trở lên.

Việt Nam hiện cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số lượng người siêu giàu thuộc diện nhanh nhất thế giới, tăng khoảng 1,7 lần so với năm ngoái (theo CafeF). Phần lớn số lượng cá nhân siêu giàu kể trên đều thuộc khu vực kinh tế tư nhân, do cách tính tài sản thông dụng nhất là dựa trên tổng giá trị lượng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán mà những cá nhân này sở hữu, thường là ở chính những doanh nghiệp tư nhân mà họ làm chủ và đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Kết quả này cũng nói lên phần nào cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong những năm vừa qua: các lĩnh vực phát triển nhất thường là bất động sản hoặc dịch vụ thay vì sản xuất công nghiệp. Cả 2 tỉ phú đô la của Việt Nam đều hoạt động ở một mức độ nhất định trong lĩnh vực bất động sản: tỉ phú Phạm Nhật Vượng là chủ tịch Vingroup – một tập đoàn chuyên về bất động sản, còn tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trước khi thành lập hãng hàng không Vietjet cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và tài chính-ngân hàng, bản thân hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng được xếp vào lĩnh vực dịch vụ.

Một khía cạnh khác cũng thú vị không kém, đó là nếu so sánh với các nước trong khu vực thì Việt Nam kém xa về số lượng tỉ phú được Forbes xếp hạng. Theo đó, hầu hết các nước trong khu vực ASEAN đều vượt Việt Nam khá xa về số lượng tỉ phú có tài sản trên 1 tỉ USD: Singapore là 21, Thái Lan và Indonesia là 20, Philippines có 14 và Malaysia có 12 (theo CafeF).

Điều đáng nói là về quy mô nền kinh tế thì Việt Nam không thua kém nhiều so với các nước nói trên: GDP Việt Nam chỉ kém từ 1,5 đến 2 lần, còn GDP đầu người Việt Nam chỉ kém hơn từ 1,5-5 lần. Dù đại diện Forbes Việt Nam là bà Nguyễn Lan Anh đã lý giải rằng, số lượng tỷ phú không phải luôn tỷ lệ thuận với quy mô nền kinh tế, nhưng kết quả trên cũng cho ta thấy rằng: so với các nước trong khu vực, ít nhất thì Việt Nam cũng đang kém hơn về những điều kiện cần thiết hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực tư nhân.

Trước hết, thời gian mở cửa nền kinh tế của Việt Nam ít hơn hẳn (và đồng nghĩa với việc các doanh nhân Việt Nam có ít thời gian để kinh doanh và xây dựng khối tài sản cá nhân) và các điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam vì thế cũng thiếu đầy đủ và chưa hoàn thiện bằng các nước trong khu vực.

Như đã thống kê, Việt Nam có khoảng trên 200 cá nhân có tài sản từ ít nhất là 30 triệu USD trở lên, trong số đó hẳn có không ít những người có tài sản ở mức hàng trăm triệu USD; nếu có thêm thời gian và sự hỗ trợ doanh nghiệp từ phía Nhà nước thì hẳn họ hoàn toàn có thể vượt mốc 1 tỉ USD để trở thành tỉ phú đô la, qua đó rút ngắn khoảng cách về số lượng tỉ phú với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, sự chênh lệch về số lượng tỉ phú giữa Việt Nam với các nước trong khu vực này cũng cho thấy: nền kinh tế Việt Nam về một khía cạnh nhất định đang có mức độ thị trường thấp hơn. Như đã nói, phương pháp thống kê tài sản chủ yếu của Forbes là tính trên tổng giá trị số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán mà các cá nhân sở hữu, thường là cổ phiếu của chính doanh nghiệp họ đang điều hành.

Điều đó đồng nghĩa với việc, Việt Nam mới có ít nhất là 2 cá nhân thuộc giới siêu giàu thuộc diện có thể thống kê tài sản dựa trên thị trường chứng khoán mà thôi. Như đại diện Forbes Việt Nam đã thừa nhận, Việt Nam có thể có nhiều hơn 2 tỉ phú đô la trong danh sách đã công bố vì có nhiều cá nhân siêu giàu nhưng không thể thống kê được tài sản thực của họ. Điều này nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, khi cho rằng có rất nhiều trường hợp cá nhân sở hữu những doanh nghiệp lớn nhưng không niêm yết trên thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy độ mở và tính thị trường của nền kinh tế Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Việc Forbes công bố danh sách giới siêu giàu thế giới trong đó có 2 tỉ phú Việt Nam ở thời điểm hiện tại mang một ý nghĩa khá thú vị. Đó là, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang bắt đầu chương trình tái cơ cấu nền kinh tế sau khoảng 3 thập kỷ mở cửa, thì việc có 2 tỉ phú đô la tính đến thời điểm hiện tại ít nhiều cũng cho thấy thành quả của thời kỳ đổi mới đó.

Nhưng nó cũng cho thấy rằng, tiềm năng thực sự của kinh tế Việt Nam còn lớn hơn thế rất nhiều: 3 thập kỷ vừa qua Việt Nam cũng có tới 2 tỉ phú dù doanh nghiệp tư nhân chưa được coi là động lực của nền kinh tế và phải chịu đựng nhiều hạn chế và kỳ thị, thì giờ đây khi mọi thứ đã thay đổi chúng ta có đủ lý do để hy vọng rằng trong tương lai gần nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn và cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều tỉ phú đô la hơn.

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nền kinh tế Việt Nam qua lăng kính tỉ phú đô la