Hãng Reuters đưa tin, tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 tới, các nhà lãnh đạo NATO sẽ thông qua kế hoạch quân sự bí mật hàng nghìn trang chỉ rõ liên minh phản ứng như thế nào trước một cuộc tấn công từ Nga.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh, NATO làm vậy. Động thái này đánh dấu một thay đổi quan trọng: liên minh đã bỏ suy nghĩ không cần vạch ra các kế hoạch quân sự lớn vì họ chỉ tham gia vài cuộc chiến nhỏ ở Afghanistan và Iraq, hơn nữa nước Nga hậu Xô viết không còn là mối đe dọa.
Với cuộc chiến tại Ukraine, NATO nhận ra họ phải sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh với đối thủ ngang hàng như Moscow nổ ra. Theo quan chức quân sự NATO Rob Bauer: “Khác biệt cơ bản giữa quản lý khủng hoảng và phòng thủ tập thể là kẻ địch nắm quyền quyết định thời điểm tấn công. Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế xung đột có thể xuất hiện bất cứ lúc nào”.
Bằng cách lập kế hoạch, liên minh cũng hướng dẫn các nước thành viên cách nâng cấp nhân lực lẫn năng lực hậu cần. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Các đồng minh sẽ biết chính xác lực lượng và năng lực nào cần thiết, triển khai lực lượng nào, ở đâu và triển khai thế nào”. Ông còn tiết lộ một số khu vực nhất định sẽ có lực lượng bảo vệ.
Thay đổi so với quá khứ
Kế hoạch nêu trên làm liên tưởng đến bố trí quân sự mà NATO triển khai trước kia. Nhưng giờ đây liên minh đã mở rộng khoảng 1.000km về phía đông và số thành viên tăng lên 31 nước.
Chỉ riêng việc Ba Lan gia nhập cũng làm tăng gấp đôi phần biên giới giáp Nga của NATO lên 2.500km. Hơn nữa hiện tại Đức được xem là chiến trường chính, đòi hỏi phương thức triển khai lực lượng linh hoạt hơn.
Nhà sử học Ian Hope (tổ chức SHAPE thuộc NATO) cũng chỉ ra liên minh không còn cần chuẩn bị cho tình huống chiến tranh hạt nhân quy mô lớn với Nga cùng đồng minh như thời Chiến tranh lạnh, mà chỉ cần nhanh chóng triển khai lực lượng ngăn chặn xung đột cấp khu vực. Đồng thời internet, máy bay không người lái, vũ khí siêu thanh cùng việc lan truyền thông tin nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức mới.
Thách thức
Cải thiện năng lực sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ đầy thách thức. Năm ngoái NATO nhất trí tăng số quân đặt trong tình trạng báo động cao từ 40.000 lên 300.000.
Cuộc chiến tại Ukraine phơi bày năng lực sản xuất vũ khí và đạn dược hạn chế của NATO. Liên minh cũng phải nâng cấp năng lực hậu cần để có thể nhanh chóng triển khai lực lượng bằng đường sắt hoặc đường bộ.
Nhằm phục vụ kế hoạch quân sự, Tổng thư ký Stoltenberg dự tính kêu gọi các nước thành viên nâng cao mục tiêu chi tiêu quân sự của liên minh tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 tới.