Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lặng lẽ lên kế hoạch đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai vào mùa Thu này khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành mạnh tại nhiều nước ở châu Âu và Mỹ.

NATO lên kế hoạch ứng phó làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai

03/05/2020, 11:07

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lặng lẽ lên kế hoạch đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai vào mùa Thu này khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành mạnh tại nhiều nước ở châu Âu và Mỹ.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg

Báo Đức Spiegel (Tấm gương) ngày 2.5 dẫn các nguồn tin cho biết đại sứ các nước NATO trong tuần qua đã nhất trí với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltelberg về việc lập tức đưa ra một kế hoạch hành động cho khối liên minh quân sự để có thể ứng phó tốt hơn khi virus SARS-CoV-2 bùng phát trở lại cũng như để có thể hỗ trợ hiệu quả hơn cho các nước đối tác của NATO bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Kế hoạch hành động sẽ do Tướng Tod Wolters, Tư lệnh Tối cao NATO, chỉ đạo.

Theo các nhà ngoại giao NATO, liên minh quân sự này cần phải được trang bị tốt hơn để ứng phó với dịch bệnh.

Bên cạnh kế hoạch hành động ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai vào mùa Thu cũng cần có một "kế hoạch dự phòng ứng phó với đại dịch" riêng biệt và dài hạn.

Theo báo Đức, Tổng Thư ký Stoltenberg đang nóng lòng thúc đẩy kế hoạch ứng phó với đại dịch nêu trên.

Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, một văn kiện sơ bộ sẽ được đưa ra thảo luận giữa các bộ trưởng quốc phòng NATO vào cuối tháng 6 tới và sau đó sẽ được thông qua.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh trong cuộc thảo luận với các đại sứ NATO rằng một kế hoạch ứng phó được phối hợp tốt hơn trước làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ là phép thử đối về độ tin cậy và hợp tác trong NATO.

Hồi tháng trước, NATO đã giao cho Tướng Wolters nhiệm vụ đẩy mạnh cuộc chiến chống COVID-19, cụ thể là nâng cao sự phối hợp giữa các nước thành viên trong hoạt động cung ứng vật tư y tế cho các nước bị dịch bệnh.

Theo báo Spiegel, NATO không mấy bị tác động bởi đại dịch COVID-19 và chỉ một phần hoạt động trong trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) bị hạn chế khi chỉ còn khoảng 1.200 nhân viên làm việc trong trụ sở thay vì mức 4.500 người trước đây.

Tuy nhiên trong thực tế, NATO bị ảnh hưởng ở quy mô khá lớn bởi đại dịch.

Việc hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt đã tác động tới mọi sứ mệnh ở nước ngoài của NATO, như có sứ mệnh "Hỗ trợ kiên quyết" tại Afghanistan hay sứ mệnh ở Baltic, trong khi nhiệm vụ tại Litva chỉ được đảm bảo một phần.

Hơn 1 triệu người đã được chữa khỏi

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 3.5 giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 3.481.465 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 244.666 ca tử vong.

Dịch bệnh hiện đã lây lan tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân hồi phục hiện nay là 1.108.389 người.

Tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn diễn biến phức tạp với 1.160.774 ca nhiễm và 67.444 ca tử vong.

Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 245.567 ca nhiễm và 25.100 ca tử vong, Italy với 209.328 ca nhiễm và 28.710 ca tử vong, Anh với 182.260 ca nhiễm và 28.131 ca tử vong, Pháp với 168.396 ca nhiễm và 24.760 ca tử vong.

Tại Mỹ, số ca tử vong do COVID-19 tại bang New York ngày 2/5 là 299 ca, tăng 10 ca so với ngày hôm trước và hầu hết các ca này xảy ra tại thành phố New York.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết tình hình dịch bệnh có một số tín hiệu tích cực, khi số người nhiễm và nhập viện tiếp tục giảm tại bang.

Tính đến nay, New York đã tiến hành được hơn 15.000 xét nghiệm kháng thể, trong đó có 12,3% cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Trung Mỹ, thống kê cho thấy so ca nhiễm của các nước trong khu vực gồm Mexico, Panama, Costa Rica, Guatemala, Honduras và El Salvador, đã tăng lên 31.900 ca, trong đó có 2.366 ca tử vong.

Giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm và phân tích sức khỏe của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), Marcos Espinal, cảnh báo chính phủ các quốc gia trong khu vực không nên buông lỏng cảnh giác cho tới khi dịch đạt đỉnh điểm và số ca nhiễm bắt đầu giảm.

Trong 24 giờ qua, Mexico đã ghi nhận thêm 1.349 ca nhiễm và 89 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 22.088 ca nhiễm và 2.061 ca tử vong.

Dự báo đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra trong tuần tới và kéo dài 3 tuần. Panama là quốc gia đứng thứ 2 trong khu vực Trung Mỹ bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19, với 7.090 ca bệnh, trong đó có 197 ca tử vong.

Tại châu Âu, Nga tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày tăng mạnh, hơn 9.000 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 124.054 ca.

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho hay chính phủ sẽ không triển khai dự án thiết lập ứng dụng mang tên StopCovid trên điện thoại thông minh nhằm tìm kiếm các mối tiếp xúc của những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Thay vào đó là một hệ thống theo dõi chính thức, cho phép Bảo hiểm y tế, các cơ quan y tế khu vực, các bác sỹ bệnh viện và gia đình có quyền truy cập để tìm kiếm thông tin về tình trạng dịch bệnh tại Pháp.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ nước này ngày 2/5 đã dỡ bỏ các quy định hạn chế xuất khẩu vật tư, thiết bị y tế. Một nguồn tin từ văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quyết định này đã phản ánh khả năng kiềm chế dịch COVID-19 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại châu Phi, Bộ Y tế Nam Phi ngày 2.5 đã ghi nhận tổng cộng 6.336 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 385 trường hợp so với một ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ khi Nam Phi thông báo trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 hôm 5.3.

Maroc và Algeria là 2 quốc gia có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất ở khu vực Bắc Phi trong 24 giờ qua. Hai nước đã liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 3 con số trong khoảng 1 tuần qua.

Cụ thể, Algeria đã ghi nhận thêm 141 ca nhiễm mới và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 4.295 ca và 459 ca.

Trong khi đó, Bộ Y tế Maroc cho hay nước này cũng ghi nhận thêm 160 ca mắc COVID-19 và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt là 4.729 ca và 173 ca.

Hiện Maroc xếp thứ ba và Algeria ở vị trí thứ tư về số người mắc COVID-19 ở châu Phi, chỉ sau Ai Cập và Nam Phi. Algeria là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất châu lục này, trên 10%, song trong vài ngày gần đây đã giảm xuống mức một con số.

Đức thúc đẩy nghiên cứu vắcxin chống virus SARS-CoV-2

Ngày 2.5, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết vắcxin phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch triển khai sẽ có mặt trên toàn cầu.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi gây quỹ trị giá 7,5 tỉ euro (khoảng 8,3 tỉ USD) để phục vụ công tác nghiên cứu và điều chế vắcxin chống SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo bà Merkel, số tiền này thực tế vẫn chưa đủ.

Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh Berlin sẽ nhận trách nhiệm cũng như đóng góp một khoản tài chính đáng kể cho việc phát triển vắcxin, thuốc cũng như những lựa chọn chẩn đoán tốt nhất cho tất cả mọi người trên thế giới.

Ngoài ra, Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ hoan nghênh khi không chỉ có các cơ quan chính phủ mà còn có các quỹ tài trợ tư nhân, các nhà sản xuất thuốc và điều chế vắcxin cùng tham gia vào hoạt động này. Dự kiến ngày 4/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tham dự hội nghị các nước tài trợ cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 theo lời mời của Ủy ban châu Âu (EC).

Bên cạnh đó, bà Merkel cũng cho biết thêm Đức dự định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong vấn đề này.

Theo TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO lên kế hoạch ứng phó làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai