Chương trình Artemis của NASA chuẩn bị đưa con người trở lại Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, tạo tiền đề cho con người đặt chân lên bề mặt sao Hỏa.

NASA coi sứ mệnh Mặt trăng Artemis là bàn đạp để đưa con người lên sao Hỏa

Hoàng Vũ | 24/08/2022, 19:05

Chương trình Artemis của NASA chuẩn bị đưa con người trở lại Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, tạo tiền đề cho con người đặt chân lên bề mặt sao Hỏa.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) với 6 lần đưa con người lên Mặt trăng hiện đặt mục tiêu thực hiện bước nhảy vọt mới, đưa con người lên Mặt trăng một lần nữa. Cơ quan này sẵn sàng cho sứ mệnh Artemis 1 để khởi động một chuyến bay thử nghiệm không người lái quanh Mặt trăng vào tuần tới.

Vụ phóng tàu vũ trụ Orion bằng tên lửa cực mạnh mang tên Hệ thống phóng không gian (SLS) dự kiến được thực hiện từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở mũi Canaveral thuộc bang Florida (Mỹ) vào ngày 29.8.

Sứ mệnh Artemis 1 không người lái này sẽ kiểm tra mọi bộ phận mới giúp mục tiêu khám phá không gian sâu trong tương lai trở nên khả thi. Dự kiến khoang tàu không có phi hành đoàn bay xung quanh Mặt trăng và trở lại Trái đất trong vòng 6 tuần. Sau đó, các sứ mệnh tiếp theo là Artemis 2 và Artemis 3 với các phi hành gia sẽ lần lượt diễn ra vào năm 2024 và 2025.

space-232.png
Hệ thống phóng tên lửa cho sứ mệnh Artemis 1 của NASA trên bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida - Ảnh: Independent

NASA đã có dụng ý của mình khi đặt tên chương trình trở lại Mặt trăng là Artemis theo tên người chị sinh đôi của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp. Artemis sẽ tiếp nối sứ mệnh Apollo vốn đã kết thúc từ năm 1972 bằng cách phóng nhiệm vụ có người lái tới Mặt trăng nhưng theo cách mới.

Mục tiêu của chương trình Artemis bao gồm đưa phi hành đoàn đa sắc tộc lên Mặt trăng và lần đầu tiên khám phá cực Nam của Mặt trăng. Sứ mệnh này cũng hướng tới thiết lập sự hiện diện bền vững của con người trên và xung quanh Mặt trăng và phát triển cơ sở hạ tầng cho phép con người đi sâu hơn nữa vào hệ mặt trời, khám phá sao Hỏa.

Trên thực tế, NASA coi sứ mệnh Artemis là "cơ sở" để phát triển hành trình khám phá sao Hỏa của con người. Jim Free, phó quản trị viên của Ban giám đốc Nhiệm vụ Phát triển Hệ thống Thăm dò của NASA, cho biết trong một tuyên bố: "Những mục tiêu của Artemis sẽ thúc đẩy chúng tôi hướng tới sứ mệnh tương tự trên sao Hỏa cùng với phi hành đoàn trong không gian và chuẩn bị cho sứ mệnh đầu tiên của con người lên bề mặt hành tinh đỏ".

Lợi thế của việc sử dụng Mặt trăng làm bàn đạp để lên sao Hỏa là vị trí gần Trái đất. Phi hành đoàn có thể đến hoặc đi từ Mặt trăng chỉ trong 3 ngày, trong khi sứ mệnh đi thẳng từ Trái đất đến sao Hỏa hoặc ngược lại sẽ mất ít nhất 7 tháng. NASA sẽ chú ý đến tác động của trọng lực lên cơ thể con người trong các chuyến bay của phi hành đoàn lên Mặt trăng để đánh giá tác động của các chuyến hành trình dài đến sao Hỏa.

space-23.png
NASA dựa vào các sứ mệnh Artemis là bàn đạp để đưa con người khám phá sao Hỏa - Ảnh: NASA

Sứ mệnh Artemis 1 cũng sẽ mang 10 vệ tinh nhỏ lên không gian. Một số vệ tinh nhỏ này có nhiệm vụ lập bản đồ và phân bố của nước trên Mặt trăng. Điều này bao gồm việc tìm kiếm các nguồn dự trữ hydro trong băng ở các miệng núi lửa của các vùng cực mặt trăng.

Nước được tìm thấy trên bề mặt Mặt trăng có thể không chỉ được sử dụng để duy trì sự sống cho các phi hành gia. Các nhà khoa học hiện đang phát triển các phương pháp chuyển đổi nước Mặt trăng thành nhiên liệu tên lửa. Điều này có thể giúp tiết kiệm nhiên liệu cũng như chi phí cho các tàu vũ trụ khám phá, cho phép mang nhiều hàng hóa và các thiết bị khoa học hơn.

Các sứ mệnh sắp tới của Artemis cũng sẽ cho phép các công nghệ mới được thử nghiệm ngoài Trái đất và cuối cùng cũng có thể được triển khai trên sao Hỏa. Theo NASA, một số công nghệ mới được áp dụng để hỗ trợ tìm kiếm tài nguyên trên khắp Mặt trăng, cho phép con người hoạt động trên bề mặt Mặt trăng trong tối đa 45 ngày.

Đáng chú ý, một phần không thể thiếu trong kế hoạch đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng của NASA trong thập kỷ này là Cổng Mặt trăng - Lunar Gateway - một trạm vũ trụ nặng 40 tấn đóng vai trò là tiền đồn lâu dài đầu tiên của con người ở bên ngoài quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO).

Gateway sẽ nhỏ hơn đáng kể so với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), ban đầu chỉ bao gồm hai module với các module bổ sung sẽ được bổ sung theo thời gian. Các phần đầu tiên của trạm tiếp cận quỹ đạo Mặt trăng sẽ là Phần tử Sức mạnh và Lực đẩy (PPE) gắn với Tiền đồn Hậu cần và Môi trường (HALO), dự kiến phóng cùng nhau trên tên lửa Falcon Heavy của SpaceX vào tháng 11.2024.

Các quan chức NASA cho biết, Gateway sẽ bổ sung tính bền vững cho các hoạt động trên Mặt trăng và cho các chuyến hành trình không gian sâu của phi hành đoàn. Nó cũng sẽ cho phép tiếp nhiên liệu cho các chuyến đi kéo dài vào không gian.

Gateway cũng sẽ giúp NASA và các cơ quan không gian khác điều tra ảnh hưởng của các sứ mệnh không gian sâu dài hạn đối với cơ thể con người. Gateway cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển vật liệu lên mặt trăng, giúp phát triển cơ sở hạ tầng trên bề mặt Mặt trăng.

Cơ sở hạ tầng này sẽ thiết lập một hệ thống giao thông có thể chuyển tải trọng lớn từ Trái đất đến sao Hỏa qua Mặt trăng, tạo tiền đề cho việc phát triển các hệ thống năng lượng trên bề mặt sao Hỏa có thể cho phép con người lưu trú lâu dài trên hành tinh đỏ.

Đây không phải là những mục tiêu ngắn hạn. NASA hiện ước tính rằng con người sẽ không sẵn sàng đặt chân lên sao Hỏa cho đến ít nhất là cuối những năm 2030 hoặc đầu những năm 2040. Tuy nhiên, rõ ràng Artemis 1 đại diện cho một bước quan trọng đầu tiên trên con đường dài dẫn đến sao Hỏa.

Bài liên quan
Tàu vũ trụ Trung Quốc sẽ thu thập mẫu đá sao Hỏa để đưa về Trái đất thế nào?
Trung Quốc tiến thêm một bước nữa trong việc đưa những mẫu vật đầu tiên của sao Hỏa trở về Trái đất với việc phát triển một thiết bị nhẹ để thu thập mẫu đá hành tinh đỏ trên quỹ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NASA coi sứ mệnh Mặt trăng Artemis là bàn đạp để đưa con người lên sao Hỏa