Các tỉnh Nam Trung Bộ đang hạn nặng, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát và chỉ đạo các tỉnh đang gặp thiên tai tuyệt đối không để dân đói, khát, dịch bệnh do hạn hán gây ra.
Hàng trăm ngàn ha bị hạn
Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho hay, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta gây ra các hiện tượng thời tiết bất thường. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Tính riêng năm 2015, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có gần 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000 ha cây trồng bị hạn hán và hàng chục ngàn người bị thiếu nước sinh hoạt.
Tại khu vực Nam Trung Bộ hiện tại, một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện có dung tích trữ thấp, không đủ đáp ứng cho cây trồng vụ đông xuân 2015-2016. Tình trạng hạn hán, thiếu nước khả năng kéo dài đến hết vụ hè thu năm 2016 ở một số địa phương.
Đơn cử tại lưu vực sông Cái Nha Trang, sông Cái Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), các hồ chứa thủy lợi hiện có dung tích trữ đạt trung bình 50-60% dung tích thiết kế, dự kiến đến đầu vụ hè thu năm 2016, dung tích trữ các hồ còn khoảng dưới 30-40%.
Tại lưu vực sông Cái Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), các hồ chứa thủy lợi hiện có dung tích trữ đạt 30-35%, dự kiến đến đầu vụ hè thu dung tích trữ còn lại khoảng 25%. Theo tính toán có 11/21 hồ đủ đáp ứng tưới cho vụ đông xuân, 1 hồ đáp ứng 1 phần và 9/21 hồ không đủ khả năng tưới cho vụ đông xuân (phải dừng sản xuất).
Vụ đông xuân hiện tại, diện tích phải dừng sản xuất là 5.775 ha, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 1.031 ha. Dự kiến, diện tích dừng sản xuất ở vụ hè thu hơn 10.000 ha.
|
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tại hồ Song Sắt huyện Bác Ái (Ninh Thuận) |
Ở lưu vực sông La Ngà, sông Lũy (tỉnh Bình Thuận), các hồ chứa thủy lợi hiện có dung tích trữ đạt 50-55%. Vụ hè thu một số hồ sẽ không đủ khả năng cung cấp tưới. Hồ chứa thủy điện Đại Ninh hiện tại có mức trữ 71 triệu m3 (đạt 28% so với dung tích thiết kế), hồ Hàm Thuận 334 triệu m3 (đạt 64%), đều ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015.
Theo cân đối nguồn nước, các hồ chứa thủy điện không đủ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp năm 2016, ở vụ đông xuân, đã có 15.423 ha lúa (chiếm hơn 40% diện tích lúa trong điều kiện bình thường) phải dừng sản xuất do không đủ nước tưới, 50 ha lúa bị mất trắng và 461 ha cây trồng (lúa, màu) đang bị thiếu nước. Có khoảng 3.000 ha lúa và nhiều diện tích cây lâu năm như cao su, thanh long, hồ tiêu, điều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán. Dự kiến, vụ hè thu diện tích phải dừng sản xuất gần 20.000 ha.
Tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, mùa khô sẽ tiếp tục đến hết tháng 4.2016. Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi đang có dung tích trữ thấp hơn thiết kế, đạt từ 50-60%, nhiều hồ thấp hơn cùng kỳ năm 2015.
Ở khu vực này, khả năng hạn hán sẽ xảy ra ở những vùng hồ chứa nhỏ phụ trách và vùng ngoài công trình thủy lợi phục vụ tưới. Đến thời điểm hiện tại, diện tích phải dừng sản xuất là 2.865 ha, gồm: 2.650 ha ở Gia Lai, 215 ha ở Đắk Nông.
Dự kiến trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước khoảng 180.000 ha (Đắk Lắk 70.000 ha, Đắk Nông 22.000 ha, Kon Tum 5.000 ha, Lâm Đồng 45.000 ha, Bình Phước 36.000 ha...). Tình trạng thiếu nước sinh hoạt khả năng xảy ra ở một số địa phương, nặng nhất là Đắk Lắk, có khoảng 25.000 hộ bị ảnh hưởng.
Không để dân đói, khát
Tại tỉnh Bình Thuận, hiện nay nắng hạn đang diễn ra gay gắt. Theo báo cáo từ tỉnh này, lượng nước tích trữ ở tất cả các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn còn khoảng 111 triệu m3, chỉ đạt xấp xỉ 51% dung tích thiết kế. Vì thiếu nước, tỉnh Bình Thuận chỉ đủ bố trí sản xuất khoảng 18.700 ha lúa đông xuân, phải cắt giảm hơn 15.400 ha so với cùng vụ năm ngoái.
Đến nay, đã có khoảng 50 ha lúa bị chết. Hơn 460 ha lúa, hoa màu ở huyện Đức Linh thiếu nước trầm trọng do lưu lượng xả từ nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi tụt thấp. Nhiều nhà máy nước ở Hàm Tân và Tánh Linh chuẩn bị ngưng hoạt động vì thiếu nguồn cấp. Hơn 40.000 hộ dân của tỉnh đang thiếu nước sinh hoạt hằng ngày.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, dự kiến có khoảng 168 ha mì ở Hàm Tân và 3.000 ha lúa trong kế hoạch ở các xã vùng cao huyện Tánh Linh và nhiều diện tích cây lâu năm của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Bình Thuận cho biết: "Các ngành chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương cần đánh giá lại tài nguyên nước. Trên cơ sở đó bố trí lại lịch thời vụ và sử dụng nguồn nước một cách hợp lý nhất, giảm thiệt hại cho nhân dân".
|
Phó thủ tướng đến thăm bà con tại thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận). |
Trước tình hình hạn hạn ngày càng gay gắt, chiều ngày 22.2, tại tỉnh Ninh Thuận, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Bình Phước về công tác chống hạn và đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Trước mắt, các địa phương kiến nghị tạm ứng ngân sách Trung ương cho các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, với mức hỗ trợ bằng 70% nhu cầu cho các nội dung được hỗ trợ theo quy định.
Về lâu dài, các địa phương kiến nghị Chính phủ bố trí đủ vốn thực hiện các dự án đầu tư trong các vùng khô hạn, ưu tiên hoàn chỉnh các công trình để tích nước hồ chứa, hoàn thiện hệ thống kênh mương để phát huy ngay hiệu quả công trình.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực, triển khai các biện pháp ứng phó hạn hán, đảm bảo nguồn nước, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để cùng Trung ương cấp gạo cứu đói, chống thiên tai cho người dân.
Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh tiếp tục những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn nữa để đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Trước hết, tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động tất cả các đối tượng sử dụng tiết kiệm các nguồn nước, có giải pháp thay đổi cơ cấu cây trồng, triển khai phòng chống cháy rừng. Tuyệt đối không để dân khát, dân đói, dịch bệnh và cháy rừng xảy ra.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, tăng cường khả năng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Dự báo thủy văn hạn vừa các sông Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 21-29.2.2016: Trung Bộ và Tây Nguyên Trong tuần tới, mực nước các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm; trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng, sông ĐakBla tại KonTum có khả năng xuống mức thấp nhất lịch sử. Dòng chảy trung bình tuần trên phần lớn các sông chính ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên ở mức thấp và thiếu hụt từ 25-95%. Nam Bộ Mực nước sông Cửu Long biến đổi theo triều và đạt mức cao nhất vào đầu tuần. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu ở mức: 1,4m, cao hơn TBNN cùng kỳ: 0,19m, tại Châu Đốc ở mức: 1,5m, cao hơn TBNN cùng kỳ: 0,29m. Độ mặn vùng hạ lưu các sông Nam Bộ sẽ đạt đỉnh trong những ngày giữa tuần và ở mức thấp hơn so với tuần trước nhưng vẫn lớn hơn cùng kỳ năm 2015. Trong tuần tới, mực nước sông Đồng Nai biến đổi chậm. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) |
Văn Nha - Xuân Nhất - Thạch Châu